Đề nghị Quỹ Bảo hiểm y tế phải trả tiền khi người dân tự mua thuốc

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, người có thẻ bảo hiểm y tế được cấp các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Nhưng trường hợp không được cấp, người dân phải tự đi mua thuốc đó ở ngoài thì bảo hiểm phải trả tiền lại cho người dân theo hóa đơn hợp pháp, hợp lý.

Nguồn: Internet

Theo chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Trình bày Tờ trình Dư án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, quản lý Quỹ và một số quy định kỹ thuật.

Trong đó, Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của Luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến KCB sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật KCB.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật BHXH 2024; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân… Đồng thời, sửa đổi quy định về KCB đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành; bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định về đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế xác định cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu và phân bổ thẻ BHYT phù hợp với thực tế của địa phương trên cơ sở quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Cho ý kiến đối với Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua tiếp xúc cử tri đã ghi nhận nhiều kiến nghị về vấn đề này. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, khắc phục vướng mắc về vấn đề này; đồng thời cần cấp thẻ BHYT điện tử, loại bỏ dần thẻ giấy để bảo đảm thuận tiện cho người tham gia BHYT.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, người có thẻ BHYT được cấp các loại thuốc trong danh mục thuốc BHYT. Nhưng trường hợp không được cấp, người dân phải tự đi mua thuốc đó ở ngoài thì bảo hiểm phải trả tiền lại cho người dân theo hóa đơn hợp pháp, hợp lý.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa để tăng tính chủ động cho địa phương cũng như cho cơ sở KCB; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi của người KCB BHYT, giải quyết có hiệu quả những vấn đề vướng mắc, bức xúc phát sinh…

Nguồn: Ý Như – Tạp chí Luật sư điện tử Việt Nam


Xem thêm:

Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215 BLHS)

Tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216 BLHS)

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm: Vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *