Quy định pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu- thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện

Trong thực tế, hợp đồng thương mại được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động kinh doanh và giao dịch thương mại để quy định và bảo vệ quyền lợi của các bên. Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận của các bên về việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác nhằm mục đích sinh lợi. Tuy nhiên trong khi ký kết hợp đồng các bên có thiếu sót gây ra hợp đồng bị vô hiệu. Bài viết dưới đây, phân tích các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu, thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện. 

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI VÔ HIỆU – THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN 

ThS. Trần Linh Huân

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. Phạm Thị Hồng Tâm

Trường Đại học Phan Thiết

ThS. Đỗ Thị Lan Anh

Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh

1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu và một số vướng mắc, bất cập

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc giao kết các hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát và khống chế đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ nhằm thúc đẩy, khôi phục lại nền kinh tế. Điều này dẫn đến số lượng các hợp đồng thương mại hiện nay chiếm số lượng khá lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, các hợp đồng thương mại được ký kết giữa doanh nghiệp với đối tác vẫn còn những thiếu sót, dẫn đến tình trạng hợp đồng bị tuyên vô hiệu, phát sinh các tranh chấp, kiện tụng và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bên. Theo tổng kết công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại mà Tòa án thụ lý (19.256 vụ việc), giải quyết về hợp đồng mua bán hàng hóa có đến 3.460 vụ việc[1]. Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, vấn đề tranh chấp trong thương mại có xu hướng gia tăng qua các năm, trong đó, năm 2020, các vụ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa chiếm đến 47%[2]. Các số liệu trên đã phần nào cho thấy thực trạng tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại và số lượng các hợp đồng thương mại bị tuyên vô hiệu khá là đáng kể. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định về hợp đồng thương mại vô hiệu còn bất cập, chưa đầy đủ, các quy định còn chồng chéo nhau ở một số văn bản quy phạm pháp luật. Điều này gây khó khăn cho các bên trong việc tìm hiểu và tiếp cận các quy định của pháp luật nhằm hạn chế tình trạng hợp đồng vô hiệu do sự thiếu hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, gây ra sự lúng túng, khó khăn cho Tòa án trong thực hiện công tác xét xử khi áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp về hợp đồng thương mại. Cụ thể:

Một là, Luật Thương mại năm 2005 chưa đưa ra khái niệm, định nghĩa hoàn chỉnh về hợp đồng thương mại vô hiệu. Còn Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chỉ định nghĩa về “hợp đồng vô hiệu”, tuy nhiên khái niệm này lại dẫn chiếu đến các trường hợp giao dịch bị xem là vô hiệu. Trong khi đó, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại mang tính chất chuyên biệt, đặc thù so với hợp đồng dân sự theo nghĩa rộng. Các quy định về quan hệ hợp đồng dân sự không phù hợp để định nghĩa cho một lĩnh vực phức tạp và đặc thù như lĩnh vực thương mại. Do đó, dẫn đến việc các bên trong quan hệ thương mại hoặc cơ quan nhà nước khi xác định một hợp đồng thương mại còn chưa rõ ràng và chính xác.

Hai là, Luật Thương mại năm 2005 chưa có quy định riêng biệt về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại. Hiện nay, việc xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại sẽ căn cứ vào các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015[3]. Việc quy định như vậy phần nào gây khó khăn cho các bên trong việc xác định các điều kiện để hợp đồng thương mại có hiệu lực. Bởi vì, đối với điều kiện về năng lực chủ thể thì Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ thể giao kết hợp đồng có thể là cá nhân, tổ chức có hoặc không có tư cách pháp nhân[4]. Còn đối với hợp đồng thương mại, bắt buộc ít nhất một bên trong hợp đồng phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu áp dụng các quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định năng lực chủ thể giao kết hợp đồng trong lĩnh vực thương mại thì chưa phù hợp.

Ba là, khái niệm “thương nhân” trong Luật Thương mại năm 2005 chưa thực sự hợp lý. Bởi vì, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân là đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, đối với những tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại nhưng không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh ngành, nghề không giống với ngành, nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã giải quyết vấn đề này. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định theo hướng mở rộng hơn, pháp luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về ngành, nghề kinh doanh so với nội dung giấy đề nghị đăng ký kinh doanh[5]. Tức là, phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu theo hướng mở rộng và năng lực pháp luật của doanh nghiệp không còn bị giới hạn bởi quy định về ngành, nghề kinh doanh[6]. Do đó, các doanh nghiệp có quyền tự do đăng ký kinh doanh các ngành, nghề và hợp đồng do doanh nghiệp giao kết nằm ngoài phạm vi ngành nghề đã đăng ký kinh doanh không là căn cứ dẫn đến hợp đồng thương mại vô hiệu[7]. Hơn nữa, hợp đồng thương mại yêu cầu ít nhất một bên trong quan hệ hợp đồng phải là thương nhân. Chính vì vậy, nếu một trong những điều kiện để trở thành thương nhân là có đăng ký kinh doanh thì chưa thực sự phù hợp.

Bốn là, hiện nay, nhiều doanh nghiệp – một bên trong quan hệ hợp đồng thương mại còn tình trạng chưa có sự hiểu biết và nắm rõ pháp luật. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ở Việt Nam hiện nay, các hợp đồng thương mại được giao kết ngày càng tăng nhanh và mang lại lợi nhuận khổng lồ có các doanh nghiệp, tuy nhiên, song song với đó, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Nếu không nắm vững các điều kiện giao kết hợp đồng thì rất dễ dẫn đến các tranh chấp, kiện tụng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, nghiêm trọng hơn là dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải có sự am hiểu các quy định của pháp luật để có thể tự tin, vững vàng trong khi xác lập các hợp đồng thương mại. Thực tế hiện nay cho thấy, một số doanh nghiệp Việt Nam khi việc đối với các đối tác nước ngoài còn khá chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong quá trình ký kết hợp đồng, cũng như không nắm vững điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại dẫn đến nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Năm là, thực tế hiện nay, các tranh chấp hợp đồng thương mại vô hiệu ngày càng phổ biến và khá phức tạp. Do đó, trong thực tiễn xét xử, Tòa án còn khá lúng túng, khó khăn trong việc lựa chọn áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu. Điều đó gây mất thời gian cho chính Tòa án và các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại vô hiệu sẽ làm cho doanh nghiệp thiệt hại rất lớn về tài sản, uy tín, thương hiệu của mình.

Nguồn: Internet

2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu

Một là, cần bổ sung một điều khoản định nghĩa hoàn chỉnh về khái niệm “hợp đồng thương mại vô hiệu”. Việc quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng thương mại vô hiệu sẽ góp phần giúp các chủ thể trong quan hệ hợp đồng, cũng như cơ quan nhà nước phân biệt hợp đồng thương mại với các loại hợp đồng khác một cách rõ ràng và chính xác, từ đó, dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật để xác định hợp đồng thương mại vô hiệu, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ hợp đồng, cũng như giúp cho việc xét xử của các cán bộ Tòa án được công bằng và hiệu quả hơn.

Hai là, cần xây dựng một quy định riêng biệt về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại. Như đã phân tích ở trên, hiện nay, đối với các hợp đồng thương mại sẽ căn cứ vào quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 dường như không phù hợp để áp dụng cho các hợp đồng thương mại. Do đó, trên thực tế, khi xem xét và áp dụng pháp luật để xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại thì phải căn cứ cả Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 dẫn đến việc làm cho các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại khá lúng túng trong việc tìm hiểu và tuân theo pháp luật, cũng như gây khó khăn cho Tòa án trong việc xem xét và áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại vô hiệu. Chính vì vậy, cần có một quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong Luật Thương mại năm 2005 để giải quyết hiệu quả vấn đề này.

Ba là, cần sửa đổi khái niệm “thương nhân” trong Luật Thương mại năm 2005 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội và quy định của pháp luật hiện hành. Bởi, như đã phân tích ở trên, việc Luật Thương mại năm 2005 định nghĩa về “thương nhân” với điều kiện bắt buộc là phải đăng ký kinh doanh là chưa chính xác và không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, việc quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các bên trong khi giao kết các hợp đồng thương mại và ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật của Tòa án khi xem xét các hợp đồng thương mại vô hiệu.

Bốn là, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật khi ký kết các hợp đồng thương mại dưới các hình thức như tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, diễn đàn, các khóa học tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể tự tin khi giao kết các hợp đồng thương mại với đối tác của mình, góp phần hạn chế rủi ro pháp lý, nâng cao khả năng giao kết hợp đồng thương mại thành công.

Năm là, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt là thẩm phán thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng. Bởi, thương mại là một lĩnh vực rất đa dạng và luôn tiềm ẩm nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi thẩm phán phải có trình độ, chuyên môn cao, có kinh nghiệm xét xử để kịp thời nắm bắt và áp dụng hiệu quả pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực thương mại nói chung về hợp đồng thương mại vô hiệu nói riêng. Bên cạnh đó, chú trọng việc tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các thẩm phán, luật sư, chuyên gia với nhau để nâng cao kinh nghiệm xét xử và hiệu quả áp dụng pháp luật cho đội ngũ Tòa án. Từ đó, đào tạo được đội ngũ thẩm phán có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghiệp vụ xét hỏi vững vàng, bảo đảm chất lượng cũng như tính hợp pháp của các bản án, quyết định[8].


[1]. Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-chi-dao-dieu-hanh?dDocName=TAND155594, truy cập ngày 25/9/2023.

[2]. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “Thống kê hoạt động giải quyết tranh chấp năm 2020”, https://www.viac.vn/thong-ke/thong-ke-hoat-dong-giai-quyet-tranh-chap-nam-2020-s36.html, truy cập ngày 25/9/2023.

[3]. Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4]. Minh NH, “Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại”, https://econtract.efy.com.vn/hddt/phan-biet-hop-dong-dan-su-va-hop-dong-thuong-mai.html#/, truy cập ngày 25/9/2023.

[5]. Điều 31 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[6]. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, “Giáo trình Pháp luật về Thương mại hàng hóa và dịch vụ”, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2019, tr. 97.

[7]. Phan Huy Hồng, “Bàn về phạm vi năng lực pháp luật của pháp nhân kinh doanh”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2005, tr. 59.

[8]. Nguyễn Thị Như Trang, “Pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu ở Việt Nam”, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, 2020, tr. 60.


(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)


Xem thêm:

Chế tài hủy bỏ hợp đồng trong hoạt động thương mại 

Mẫu hợp đồng nguyên tắc


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *