Việc góp vốn điều lệ vào công ty phải được thực hiện trong thời hạn cụ thể. Dưới đây là một số quy định về thời hạn góp vốn điều lệ, cách thức xử lý trường hợp không góp đủ vốn điều lệ.
1. Thời hạn góp vốn sau khi thành lập công ty
1.1. Công ty cổ phần:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
1.2. Công ty TNHH 1 thành viên:
Theo khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
1.3. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Theo khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
1.4. Công ty hợp danh:
Hiện nay, pháp luật không quy định về thời hạn góp vốn điều lệ đối với công ty hợp danh.
2. Thời hạn góp vốn khi công ty tăng vốn điều lệ
Luật Doanh nghiệp 2020 của Việt Nam không có quy định cụ thể về thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, các công ty thường xem xét và quyết định thời hạn góp vốn này thông qua các quy định trong Điều lệ công ty hoặc hợp đồng góp vốn. Điều này thường phụ thuộc vào quyết định của ban điều hành công ty và sự thỏa thuận giữa các cổ đông hoặc thành viên.
Cụ thể, thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ có thể được xác định trong hợp đồng góp vốn mới hoặc sửa đổi Điều lệ công ty. Thời hạn này thường phản ánh sự linh hoạt của công ty trong việc quản lý và sử dụng tài sản và nguồn lực tài chính để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
3. Xử lý trường hợp không góp đủ vốn điều lệ
3.1. Công ty cổ phần
- Sau 90 ngày, nếu chưa góp đủ vốn, cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này.
3.2. Công ty TNHH 1 thành viên
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty phải: Đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp thực tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
3.3. Công ty TNHH 2 thành viên
Sau 90 ngày, nếu không góp đủ vốn, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, cụ thể:
- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
- Nếu chưa chào bán hết, phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp.
3.4. Công ty hợp danh
Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên
4. Xử phạt vi phạm
Trong khi hết thời hạn đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ như trên, nếu công ty không tiến hành đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sau: Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com