Không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được hiểu là hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp người bị nạn. Cụ thể, Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau:
“Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
1. Dấu hiệu pháp lý của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1.1. Khách thể của tội phạm
- Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi biết được người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị chết mặc dù có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc tình trạng đó làm cho nạn nhân bị chết.
- Khách thể của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là quyền sống, quyền được Nhà nước bảo hộ về tính mạng của con người và trách nhiệm của công dân trong việc cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm.
1.2. Mặt khách quan của tội phạm
- Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi không cứu giúp người khác. Tội phạm được thực hiện bằng không hành động. Không cứu giúp là trường hợp người phạm tội thấy người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc, lờ đi nên nạn nhân bị chết. Không hành động là một biểu hiện tiêu cực, lẽ ra họ phải có nghĩa vụ làm mọi việc để loại trừ sự nguy hiểm cho xã hội nhưng lại không làm nên dẫn đến hậu quả. Nếu họ đã có hành động nhưng vẫn không cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì cũng không coi là phạm tội.
- Điều kiện để cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là khả năng thực tế có thể cứu được người sắp chết. Khả năng này có thể do bẩm sinh, do rèn luyện, do học tập hoặc do tính chất nghề nghiệp mà có. Khi xét một trường hợp cụ thể lại phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người bị nạn, chứ không chỉ căn cứ vào khả năng sẵn có của người cứu giúp. Ví dụ: một bác sĩ phẫu thuật, ngày chủ nhật vào rừng chơi, gặp một người bị đau ruột thừa cấp tính, nếu không được mổ ngay thì chết. Vì không có phương tiện (phòng phẫu thuật, dụng cụ phẫu thuật), khu rừng lại xa nơi dân cư, ít người qua lại. Người bác sĩ này đã cõng bệnh nhân ra khỏi khu rừng, nhưng vì không kịp mổ nên bệnh nhân đã chết. Do đó, khả năng sẵn có của một người chỉ là tiền đề tạo điều kiện để có thể cứu được người bị nguy hiểm đến tính mạng, còn thực tế có cứu được hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác. Khả năng của con người chỉ phát huy được khi nó có những điều kiện cần thiết. Ngược lại, điều kiện có nhưng người ở trong điều kiện lại không có khả năng mà không cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đẫn đến người này bị chết thì cũng không coi là phạm tội. Ví dụ, một người bị đuối nước khi đang tắm suối trong rừng sâu, bác thợ săn đi ngang qua thấy nhưng do không biết bơi nên chỉ có thể chạy đi tìm người đến cứu, khi tìm được người đến thì người bị đuối nước đã chết
- Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là trường hợp họ sắp bị chết, nhưng nếu được cứu thì sẽ không bị chết như: bị ngộ độc, bị thương nặng ra nhiều máu chưa được băng bó, mắc bệnh hiểm nghèo v.v… Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể do nguyên nhân khách quan đem lại, nhưng cũng có thể do chính nạn nhân gây ra hoặc do người phạm tội vô ý gây ra.
- Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đồng thời xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người. Người không được cứu phải chết thì người không cứu mới là phạm tội, nếu trước đó có người cố tình không cứu, nhưng sau đó lại được người khác cứu nên không chết thì người có hành vi cố tình không cứu trước đó chưa phải là hành vi phạm tội này. Ví dụ: Chị M sắp chết đuối gặp thuyền đánh cá của H, vì mê tín nên H không cứu, nhưng ngay sau đó chị M được anh T cứu nên thoát chết.
1.3. Chủ thể của tội phạm
- Chủ thể của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là bất kì người nào có điều kiện cứu giúp người đang ở trong trạng thái nguy hiểm, từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ trách nhiệm hình sự.
1.4. Mặt chủ quan của tội phạm
- Người phạm tội thực hiện hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
- Người phạm tội biết rõ người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không cứu được thì sẽ chết và biết rõ mình có điều kiện cứu mà cố tình không cứu. Nếu còn nhận thức không rõ ràng tình trạng của nạn nhân hoặc khả năng của mình thì không coi là phạm tội. Ví dụ: Một bác sĩ vì trình độ non kém không xác định được bệnh nhân đau ruột thừa cấp tính nên không mổ do đó bệnh nhân bị chết.
2. Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
Điều 132 quy định 04 khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội như sau:
- Hình phạt phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm áp dụng với người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết.
- Hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
-
- Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm
Thông thường, nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là do chính họ hay người khác hoặc những sự kiện khách quan gây ra. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lại do chính người phạm tội gây ra.
Vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác là do cẩu thả mà không thấy trước khả năng gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Hoặc thấy hành vi của mình có thể gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác, nhưng cho rằng tình trạng đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Đây là người phạm tội vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người khác chứ không phải vô ý làm chết người khác. Do vô ý mà người phạm tội đã đưa người khác vào trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sau đó lại cố ý không cứu mặc dù có điều kiện để cứu, nhưng phải coi trường hợp phạm tội này là nguy hiểm hơn và bị phạt nặng hơn trường hợp vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân.
- Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp
Người mà theo pháp luật phải có nghĩa vụ cứu giúp người khác là người có trách nhiệm cao hơn và họ cũng được trang bị những phương tiện có khả năng cứu người bị tai nạn tốt hơn. Ví dụ: Khoản 3 Điều 38 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.”. Trường hợp một người lái xe trên đường gặp người bị tai nạn mà không chở họ đi cấp cứu thì phạm tội theo Khoản 2 Điều 132 Bộ luật hình sự do theo luật giao thông đường bộ năm 2008, người phạm tội là người có nghĩa vụ cứu giúp.
Người mà theo nghề nghiệp phải có nghĩa vụ cứu giúp là người do tính chất nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến tính mạng của người khác như bác sĩ đối với bệnh nhân, thuỷ thủ đối với người sắp chết đuối,…
- Hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến hậu quả từ 02 người chết trở lên.
- Hình phạt bổ sung, người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm
Xem thêm:
Mẫu đơn tố cáo trong tố tụng hình sự
Mẫu đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com