Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích mối quan hệ giữa quyền im lặng và quyền nói dối của người bị buộc tội, chỉ ra tác động tiêu cực của quyền nói dối lên quyền im lặng và sự cần thiết của việc truy cứu trách nhiệm hình sự người bị buộc tội về hành vi khai báo gian dối để tăng cường hiệu quả và chức năng của quyền im lặng trên thực tế.
Từ khóa: Quyền khai báo gian dối, quyền nói dối, quyền im lặng, tố tụng hình sự.
Abstract: Within this article, the author provides an analysis of the relationship between the right to silence and the right to lie of the accused and points out the negative impacts of the right to lie on the right to silence and also the need for prosecution for criminal liability to the accused of making a perjury to enhance the effectiveness and function of the de facto right to silence.
Keywords: Right to perjury; right to lie; right to silence; criminal proceedings.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) lần đầu tiên chính thức ghi nhận quyền im lặng (right to silence) cho người bị buộc tội, bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo[1]. Đây là một bước tiến lớn của nền tư pháp hình sự Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự (TTHS); theo đó, người bị buộc tội “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Tuy nhiên, kể từ khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đến nay, số lượt sử dụng quyền im lặng của người bị buộc tội là rất hiếm[2], chỉ xảy ra trong một số ít vụ án[3]. So sánh với Hoa Kỳ, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng từ 9,5% đến 20,88% người bị buộc tội sử dụng quyền im lặng trong quá trình TTHS[4]. Điều này cho thấy số lượng người bị buộc tội sử dụng quyền im lặng tại Việt Nam là quá ít, trong khi đây là một quyền rất có lợi cho người bị buộc tội, đặc biệt là người bị buộc tội thực sự phạm tội, biến quyền này gần như trở thành một quyền lý thuyết vì không ai sử dụng trên thực tế.
Hiện tượng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong số đó là bởi người bị buộc tội tại Việt Nam có một lựa chọn khác hấp dẫn hơn quyền im lặng khi bị xét hỏi, đó là quyền khai báo gian dối/quyền nói dối (right to lie). Điều 13 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15[5] (Pháp lệnh số 02/2022) và Điều 382 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) quy định về hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối đã loại trừ chủ thể người bị buộc tội ra khỏi những chủ thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi này đã gián tiếp trao cho người bị buộc tội quyền khai báo gian dối.
1. Quyền khai báo gian dối của người bị buộc tội
Tại Việt Nam, hành vi khai báo gian dối có thể bị xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định tại Điều 13 Pháp lệnh 02/2022 và Điều 382 BLHS 2015.
Điều 13 của Pháp lệnh 02/2022 quy định như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Người tham gia tố tụng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, trừ người bị buộc tội;
b) Người tham gia tố tụng từ chối khai báo hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu, đồ vật, trừ người bị buộc tội”.
Điều 382 BLHS 2015 quy định về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối như sau:
“1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.
Như vậy, quy định về xử lý hành chính theo quy định tại Điều 13 Pháp lệnh 02/2022 loại trừ người bị buộc tội ra khỏi chủ thể của hành vi này, còn tại quy định của Điều 382 BLHS 2015 thì không quy định người bị buộc tội là chủ thể của tội phạm khai báo gian dối. Từ phân tích nêu trên, có thể thấy, tuy không được minh định cụ thể bằng luật, nhưng bằng việc loại bỏ người bị buộc tội ra khỏi nhóm chủ thể chịu trách nhiệm hành chính và TNHS về hành vi khai báo gian dối đã ngầm trao cho người bị buộc tội quyền khai báo gian dối mà không phải chịu bất cứ hậu quả pháp lý nào. Quy định này của Việt Nam có phần tương đồng với các nước theo hệ thống tố tụng thẩm vấn khác và điều này dẫn đến việc một số luật gia phương Tây nhận định rằng, người bị buộc tội trong hệ thống tố tụng thẩm vấn có quyền khai báo gian dối hay quyền nói dối (right to lie)[6].
Xét từ khía cạnh lịch sử, từ BLHS đầu tiên của Việt Nam (BLHS năm 1985) cho đến BLHS năm 1999 và mới nhất là BLHS năm 2015, người bị buộc tội đều không bị xử lý hình sự về hành vi khai báo gian dối trong TTHS. Theo tác giả, điều này có thể hiểu là mặc dù không trực tiếp quy định nhưng pháp luật Việt Nam đã từ lâu ngầm thừa nhận “quyền khai báo gian dối” hay “quyền nói dối” của người bị buộc tội.
Quy định này có thể được lý giải bởi ba căn cứ sau[7]: Thứ nhất, một trong các quy tắc cơ bản của TTHS nước ta là nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocent). Theo đó, nội dung của nguyên tắc này được hiểu là không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của toà án, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội; mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm phải được giải thích có lợi cho người bị buộc tội. Như vậy, nếu người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng không có nghĩa vụ pháp lý trong việc cung cấp lời khai bào chữa cho mình. Thứ hai, trách nhiệm xác định sự thật trong TTHS được quy định thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, không thuộc về người tham gia tố tụng, bao gồm cả người bị buộc tội. Do đó, người bị buộc tội không có nghĩa vụ pháp lý trong việc cho lời khai để xác định sự thật trong vụ án. Thứ ba, quan trọng nhất, trong các Bộ luật TTHS năm 1988 và năm 2003, người bị buộc tội không được pháp luật trao cho quyền im lặng trong quá trình tố tụng; do đó khi bị xét hỏi, người bị buộc tội không thể viện dẫn quyền im lặng để từ chối trả lời. Mặt khác, sự im lặng tại phiên toà còn có thể bị xem như là sự không “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, một tình tiết giảm nhẹ TNHS. Như vậy, không khó hiểu khi người bị buộc tội thường phải miễn cưỡng lựa chọn cung cấp lời khai tại phiên toà thay vì im lặng.
Từ các quy định trên, có thể thấy, người bị buộc tội tuy không có nghĩa vụ phải cung cấp lời khai để xác định sự thật của vụ án hoặc để chứng minh mình vô tội nhưng thực tế cũng không thể viện dẫn quyền im lặng để từ chối trả lời các câu hỏi tại phiên toà. Do đó, thông thường, họ chỉ còn hai lựa chọn là cho lời khai hoặc sự thật hoặc giả dối. Nếu thực hiện truy cứu TNHS của người bị buộc tội vì hành vi cho lời khai giả dối thì khi đó người bị buộc tội chỉ còn lựa chọn duy nhất là cho lời khai thật. Điều đó đã phần nào xâm phạm đến giá trị cốt lõi của nguyên tắc suy đoán vô tội và nghĩa vụ chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng.
Như vậy, theo tác giả, bằng việc loại bỏ người bị buộc tội ra khỏi nhóm chủ thể chịu trách nhiệm hành chính và TNHS về hành vi khai báo gian dối đã ngầm trao cho người bị buộc tội quyền khai báo gian dối trong TTHS.
2. Tác động tiêu cực của quyền khai báo gian dối đến quyền im lặng
Việc đồng thời trao cho người bị buộc tội quyền im lặng và quyền khai báo gian dối đã làm giảm động lực sử dụng quyền im lặng của người bị buộc tội trên thực tế và phần nào phá vỡ một phần chức năng của quyền im lặng trong việc ngăn chặn án oan, sai. Nếu được đồng thời trao quyền im lặng và quyền khai báo gian dối, khi bị thẩm vấn thì người bị buộc tội sẽ có ba lựa chọn: hoặc (1) trả lời thật các câu hỏi, hoặc (2) trả lời gian dối, hoặc (3) giữ im lặng. Đối với mỗi lựa chọn đều có động lực khác nhau và dẫn đến hệ quả khác nhau. Giả sử việc lựa chọn mỗi hướng tiếp cận đều dựa trên lợi ích lớn nhất của người phạm tội là thoát khỏi việc bị truy cứu TNHS hoặc được giảm nhẹ hình phạt, và của người vô tội là được minh oan thì từng sự lựa chọn cụ thể sẽ như sau:
Khi lựa chọn trả lời thật các câu hỏi, điều này rõ ràng sẽ dẫn đến hệ quả là câu trả lời sẽ là lời nhận tội hoặc đưa ra các thông tin bất lợi cho người bị buộc tội nếu họ thực sự phạm tội. Thông thường, người phạm tội chỉ thực sự nhận tội và khai báo sự thật nếu họ cảm thấy bằng chứng do cơ quan điều tra đưa ra là quá mạnh, đến mức khó có thể chối cãi nên nhận tội để có thể nhận được sự khoan hồng và mức án nhẹ. Ngược lại, nếu người bị buộc tội bị oan, việc trả lời thật các câu hỏi sẽ giúp cho họ có cơ hội trình bày về sự việc một cách rõ ràng cho người tiến hành tố tụng, để bào chữa cho chính mình. Do đó, đây là lựa chọn mà người vô tội sẽ thường chọn, và người phạm tội sẽ chọn trong trường hợp chứng cứ buộc tội tương đối vững chắc, hoặc họ tin là vững chắc.
Khi lựa chọn sử dụng quyền khai báo gian dối, người bị buộc tội thực sự phạm tội sẽ có cơ hội đánh lạc hướng điều tra, hoặc họ tin rằng họ có thể đánh lạc hướng cơ quan điều tra và thoát khỏi việc bị truy cứu TNHS. Rõ ràng, đây là một lựa chọn hấp dẫn đối với người phạm tội nếu họ thực sự tin rằng cơ quan buộc tội không có quá nhiều bằng chứng để kết tội được họ. Ngược lại, người bị buộc tội nhưng không phạm tội lại không có nhiều động lực để lựa chọn khai báo gian dối. Bởi lẽ, nếu việc khai báo gian dối bị phát hiện thì lại càng khiến cơ quan tố tụng đặt thêm nhiều nghi vấn vào họ.
Khi lựa chọn sử dụng quyền im lặng, trước các câu hỏi được đặt ra, người bị buộc tội sẽ bị đặt vào sự nghi vấn của các cơ quan tiến hành tố tụng, dễ bị cho rằng có điều gì phải che giấu nên phải im lặng, dù rằng điều che giấu đó có thể liên quan đến tội phạm đang bị truy cứu hoặc không. Điều này sẽ khiến cơ quan tố tụng đặt nhiều hơn nỗ lực và công sức vào việc chứng minh họ là người phạm tội, thay vì cân nhắc đến các hướng điều tra khác. Đặc biệt, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử là người xét hỏi và cũng là người đưa ra phán quyết có tội hay không, nếu người bị buộc tội lựa chọn từ chối trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử sẽ dễ dẫn đến sự nghi ngờ và thiên kiến có tội của Hội đồng xét xử đối với người bị buộc tội, gây ra bất lợi đối với tình trạng của người bị buộc tội. Việc im lặng cũng đồng nghĩa với việc không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải. Đồng thời, đối với người bị buộc tội bị oan, việc sử dụng quyền im lặng cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội trình bày về sự việc một cách rõ ràng cho người tiến hành tố tụng, để bào chữa cho chính mình. Do đó, dù người bị buộc tội có thực sự phạm tội hay là bị oan cũng sẽ hiếm khi quyết định sử dụng quyền im lặng.
Từ việc phân tích ba khả năng nêu trên của người bị buộc tội khi đối mặt với sự xét hỏi của cơ quan tố tụng, có thể thấy rằng, nếu người bị buộc tội thực sự vô tội thì họ luôn có động lực lớn để thực sự khai báo đúng sự thật thay vì khai báo gian dối hoặc giữ im lặng. Bởi lẽ, việc khai báo sự thật khiến họ có cơ hội trình bày vụ việc rõ ràng, đưa ra lời bào chữa cho bản thân. Ngược lại, việc im lặng sẽ khiến họ bị đặt thêm nhiều nghi vấn từ phía cơ quan tố tụng, bị đặt vào trọng tâm của quá trình điều tra; còn việc khai báo gian dối lại tạo ra rủi ro bị cơ quan tố tụng phát hiện ra sự gian dối, lại càng khiến họ bị rơi vào thiên kiến có tội của cơ quan tố tụng.
Ngược lại, nếu người bị buộc tội thực sự phạm tội, họ chỉ khai báo đúng sự thật nếu họ cảm thấy chứng cứ buộc tội đủ lớn và đủ vững chắc. Trong trường hợp chứng cứ buộc tội yếu hoặc họ cảm thấy rằng chứng cứ buộc tội là không đủ vững chắc, thì người bị buộc tội nhiều khả năng sẽ lựa chọn khai báo gian dối thay vì giữ im lặng. Bởi lẽ, hệ quả chung của cả hai lựa chọn khai báo gian dối và giữ im lặng đều tương tự nhau, đều bị xem xét là không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải. Nhưng việc khai báo gian dối còn có thể giúp người phạm tội thực sự có cơ hội đánh lạc hướng điều tra, tạo ra một câu chuyện khác mà bản thân người phạm tội không liên quan đến tội phạm, mà điều này thì việc giữ im lặng không thể nào mang lại. Đồng thời, hệ quả của việc khai báo gian dối bị phát hiện ra cũng chỉ là việc bị kết án về tội danh tương ứng với việc khai báo đúng sự thật mà không có trách nhiệm pháp lý nào khác bị đặt ra về hành vi khai báo gian dối, tình trạng của họ không bị làm xấu đi khi khai báo gian dối. Vì lẽ đó, trong một cuộc thẩm vấn tại phiên tòa hoặc trong quá trình điều tra, quyền khai báo gian dối rõ ràng là một lựa chọn hấp dẫn hơn so với quyền im lặng đối với người bị buộc tội.
Điều này dẫn đến thực tế là trong đại đa số các trường hợp mà người phạm tội bị xét hỏi đều chỉ lựa chọn khai báo sự thật (nếu họ cảm thấy chứng cứ buộc tội đã đủ để kết tội họ) hoặc khai báo gian dối (nếu họ cảm thấy chứng cứ buộc tội yếu đến mức không đủ để kết tội họ) chứ hiếm khi sử dụng đến quyền im lặng; còn người bị buộc tội bị oan thì họ cũng sẽ khai báo sự thật. Từ đó, không có bất cứ đối tượng nào trong nhóm người phạm tội và nhóm người vô tội có đủ động lực để sử dụng quyền im lặng, khiến quyền này trở thành quyền lý thuyết mà rất ít khi được sử dụng trên thực tế[8].
Việc người bị buộc tội có nhiều động lực hơn trong việc sử dụng quyền khai báo gian dối, thay vì quyền im lặng, còn phần nào làm giảm đi một phần vai trò của quyền im lặng trong việc ngăn chặn việc kết án oan, sai. Trong một loạt nghiên cứu của tác giả Daniel J. Seidmann cùng các cộng sự của ông, ông đã đưa ra kết luận rằng, nếu người bị buộc tội sử dụng quyền im lặng một cách thường xuyên trong hệ thống tư pháp sẽ giúp làm giảm tỷ lệ kết án oan sai người vô tội[9]. Lý giải cho điều này, ông dựa trên công cụ phân tích của kinh tế học là mô hình lý thuyết trò chơi để chỉ ra rằng, dựa vào lợi ích lớn nhất mà người phạm tội và người vô tội mong muốn nhận được khi bị thẩm vấn, người phạm tội sẽ có xu hướng sử dụng quyền im lặng một cách hợp lý, còn người vô tội thì có xu hướng khai báo sự thật để chứng minh sự trong sạch của mình. Do đó, các cơ quan buộc tội có thể phân biệt được đâu là người phạm tội thực sự (người sử dụng quyền im lặng), còn đâu là người vô tội (người cho lời khai)[10]. Từ đó, cơ quan buộc tội có thể đặt nhiều nguồn lực vào việc chứng minh tội phạm đối với đối tượng sử dụng quyền im lặng, và chỉ cần chứng minh sự thật trong lời khai của người vô tội. Nếu thiếu vắng quyền im lặng, người phạm tội thực sự sẽ chỉ còn lựa chọn đưa ra lời khai, hoặc chân thật, hoặc gian dối. Khi cả người phạm tội và người vô tội đều cho lời khai, thì cho đến khi lời khai được chứng minh là gian dối hoặc đúng sự thật thì cả người phạm tội thực sự và người vô tội sẽ bị dán nhãn thành một nhóm cùng với nhau bởi cả hai đều cho lời khai và trở nên khó bị phân biệt trong mắt của cơ quan buộc tội. Từ đó, gia tăng nguy cơ người vô tội bị kết án oan sai.
Đặt vào bối cảnh của Việt Nam, tuy rằng quy định hiện tại đã trao cho người bị buộc tội quyền im lặng, nhưng bởi sự thu hút của quyền khai báo gian dối nên người phạm tội thực sự không có động lực để sử dụng quyền im lặng. Do đó, người bị buộc tội thực tế luôn luôn cho lời khai (hoặc sự thật, hoặc gian dối) mà hiếm khi sử dụng quyền im lặng, từ đó cơ quan tố tụng sẽ khó để phân biệt từ đầu ai là người có tội, ai là người vô tội để có thể tập trung nguồn lực xác định tội phạm, đồng thời dễ dẫn đến khả năng kết án oan người vô tội.
Tại các quốc gia theo hệ thống tố tụng tranh tụng, hành vi khai báo gian dối của người bị buộc tội vẫn có thể bị truy cứu TNHS[11]. Một trong các mục đích căn bản của quyền im lặng, từ góc nhìn của các luật gia Hoa Kỳ, là nhằm giúp cá nhân tránh khỏi “cruel trilemma” (tạm dịch: ngã ba nghiệt ngã). Có nghĩa là nếu không có quyền im lặng, một cá nhân có thể bị triệu tập đến toà án để cho lời khai trong vụ án mà chính anh ta là bị cáo hoặc có khả năng dẫn đến một phiên toà hình sự khác chống lại anh ta, cá nhân đó buộc phải chọn một trong ba phương án: (1) hoặc từ chối trả lời câu hỏi và bị truy tố bởi tội xỉ nhục toà án, (2) hoặc cho lời khai gian dối và bị truy tố về tội khai man, (3) hoặc cho lời khai thật có chứa đựng thông tin tự buộc tội chính mình[12]. Do đó, với sự trợ giúp của quyền im lặng, cá nhân chỉ có hai lựa chọn là hoặc (1) viện dẫn quyền im lặng và từ chối bước lên bục nhân chứng hoặc (2) bước lên bục nhân chứng, tuyên thệ và nói sự thật.
Chính vì vậy, tại Việt Nam, việc không truy cứu trách nhiệm hành chính hay TNHS người bị buộc tội về hành vi khai báo gian dối đã không còn phù hợp, bởi BLTTHS 2015 đã cung cấp cho họ quyền im lặng, theo đó người bị buộc tội “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”[13]. Từ việc trao cho người bị buộc tội quyền im lặng, họ đã có thêm lựa chọn giữ im lặng khi bị xét hỏi trong TTHS, và lựa chọn này là sự thay thế hợp lý cho lựa chọn cung cấp lời khai gian dối để tránh việc cung cấp những thông tin bất lợi cho họ hoặc chứng minh họ có tội; từ đó, tránh được nguy cơ xâm phạm đến nguyên tắc suy đoán vô tội và nghĩa vụ xác định sự thật vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng. Có nghĩa là, việc không truy cứu TNHS và trách nhiệm hành chính các chủ thể này đối với hành vi khai báo gian dối đã không còn ý nghĩa đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tố tụng, mà lại còn ảnh hưởng tiêu cực đến quyền im lặng, ảnh hưởng đến đến hiệu quả và tính chính xác của tiến trình tố tụng.
3. Kiến nghị và kết luận
Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy, truyền thống của nền tư pháp hình sự Việt Nam là không truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với người bị buộc tội về hành vi khai báo gian dối để đảm bảo các nguyên tắc suy đoán vô tội, nghĩa vụ xác định sự thật vụ án thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng trong bối ảnh thiếu vắng quyền im lặng. Tuy nhiên, việc BLTTHS 2015 trao cho người bị buộc tội quyền im lặng đã thay thế quyền khai báo gian dối trong việc đảm bảo các nguyên tắc trên. Chính vì vậy, việc đồng thời trao cho người bị buộc cả hai quyền im lặng và quyền khai báo gian dối là không phù hợp, chẳng những không còn ý nghĩa đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của TTHS, mà còn làm suy giảm động lực sử dụng quyền im lặng và làm suy giảm chức năng của quyền im lặng trong việc giảm oan sai.
Do đó, cần thiết phải tiến hành truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với người bị buộc tội về hành vi khai báo gian dối. Cụ thể, sửa đổi Điều 13 Pháp lệnh số 02/2022 và Điều 382 BLHS 2015 theo hướng bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hành chính và TNHS về hành vi khai báo gian dối là người bị buộc tội.
Việc tiến hành truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với người bị buộc tội có hành vi khai báo gian dối sẽ làm giảm động lực của người phạm tội thực hiện việc đưa ra thông tin gian dối, mà thay vào đó sẽ sử dụng quyền im lặng; từ đó, giúp cơ quan buộc tội có được sự phân định giữa người thực sự phạm tội và người vô tội, tập trung nguồn lực hợp lý trong việc chứng minh tội phạm, không bị lạc hướng điều tra, đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định tố tụng và giảm việc kết án oan sai người vô tội./.
[1] Trong bài viết, người viết sử dụng thuật ngữ “người bị buộc tội” để chỉ người được xác định tư cách là người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo nói chung, bất kể họ có thực sự phạm tội hay vô tội; thuật ngữ “người phạm tội” hoặc “người có tội” để chỉ người bị buộc tội thực sự phạm tội, dù chưa có phán quyết của tòa án; thuật ngữ “người vô tội” để chỉ người bị buộc tội oan, không phạm tội trên thực tế dù chưa có phán quyết của cơ quan tố tụng.
[2] Để có con số chính xác số lượng người bị buộc tội sử dụng quyền im lặng, có lẽ cần nhiều hơn các thống kê cụ thể và các nghiên cứu xã hội học. Tuy nhiên, qua quan sát thực tiễn công tác với vai trò là một Kiểm sát viên của người viết và qua trao đổi với một số đồng nghiệp Kiểm sát viên và một số Thẩm phán, Luật sư, Điều tra viên ở các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An thì những người được hỏi cũng cho biết chưa từng gặp trường hợp nào người bị buộc tội sử dụng quyền im lặng trong quá trình công tác, mà chỉ biết một số trường hợp thông qua phương tiện truyền thông.
[3] Điển hình như vụ án Trương Hồ Phương Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ án Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng về tội xâm phạm chỗ ở của người khác, vụ án Hoàng Công Lương về tội vô ý làm chết người.
Xem tại Phạm Dũng, “Hoa hậu Phương Nga dùng quyền im lặng tại tòa”, Báo điện tử Người lao động, 22/6/2017, https://nld.com.vn/phap-luat/hoa-hau-phuong-nga-dung-quyen-im-lang-tai-toa-20170622223408472.htm, truy cập ngày 14/12/2022; Quốc Thắng, “Cựu phó chánh án ‘chiếm nhà dân’ giữ quyền im lặng”, Báo điện tử vnexpress, 27/2/2020, https://vnexpress.net/cuu-pho-chanh-an-chiem-nha-dan-giu-quyen-im-lang-4057842.html, truy cập ngày 14/12/2022; Lan Thúy, “Bác sĩ Hoàng Công Lương xin dùng quyền im lặng”, Báo điện tử Thanh niên, 17/5/2018, https://thanhnien.vn/bac-si-hoang-cong-luong-xin-dung-quyen-im-lang-post757728.html, truy cập ngày 14/12/2022.
[4] Xem Paul G. Cassell and Bret S. Hayman, “Police Interrogation in the 1990s: An Empirical Study of the Effects of Miranda”, 43 UCLA Law Review 839 (1996): p. 869; và Richard A. Leo, “Inside the Interrogation Room,” 86 J. Crim. L. & Criminology 266 (1995-1996): p. 275. Trích dẫn theo [5] Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 8/8/2022 của UBTVQH xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.[6] [7] Xem thêm Võ Minh Kỳ, và Nguyễn Phương Anh, “TNHS của bị cáo về hành vi khai báo gian dối theo pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm từ Hoa Kỳ”, Tạp chí Luật học, số 9 (220), 2018: tr. 46-58; và Võ Minh Kỳ, và Nguyễn Phương Anh, “Hoàn thiện quy định về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 01 (369), 2019: tr.22-29.
[8] Tất nhiên, trên thực tế thì hiếm có người bị buộc tội luôn im lặng, luôn khai báo gian dối hoặc luôn nói thật trong mọi câu hỏi. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh tổng thể của một buổi xét hỏi, luôn có thiên hướng chủ yếu của người bị buộc tội về việc khai báo thật, khai báo gian dối hay im lặng, đặc biệt tập trung ở những câu hỏi mang tính quyết định để định tội.
[9] Xem thêm [10] Cần lưu ý rằng, xác định được đâu là người phạm tội thực sự thông qua dấu hiệu sử dụng quyền im lặng với việc chứng minh được tội phạm trước tòa án bằng các chứng cứ hợp pháp là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
[11] Tại Việt Nam, nơi mà tư cách tố tụng của người tham gia tố tụng là không thay đổi tại phiên tòa; ngược lại, tại Hoa Kỳ, tại phiên tòa thì bị cáo vẫn có thể đứng lên bước lên bục nhân chứng (stand of witness) thực hiện lời tuyên thệ (take an oath) để trả lời câu hỏi thẩm vấn với tư cách người làm chứng, do đó, nếu khai báo gian dối thì bị cáo sẽ bị truy cứu về tội khai man (perjury). Xem thêm Võ Minh Kỳ, và Nguyễn Phương Anh, “TNHS của bị cáo về hành vi khai báo gian dối theo pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm từ Hoa Kỳ”, Tạp chí Luật học, số 9 (220), 2018: tr. 46-58.
[12] [13] Điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60; điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS 2015.