Tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS)

(LSC) Tội cướp giật tài sản là một trong những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích về tội cướp giật tài sản.

Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội cướp giật tài sản như sau:

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Hành vi: Cướp giật tài sản (Hình ảnh minh họa)

1. Định nghĩa

Điều 171 BLHS quy định tội cướp giật tài sản nhưng không mô tả cụ thể những dấu hiệu của tội này mà chỉ nhắc lại tội danh. Từ thực tiễn xét xử đã được thừa nhận có thể định nghĩa:

Tội cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản một cách công khai.

2. Dấu hiệu pháp lí

* Dấu hiệu hành vi phạm tội

Hành vi phạm tội của tội cướp giật tài sản được quy định là hành vi chiếm đoạt tài sản. Khác với tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản, CTTP của tội cướp giật tài sản đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt không còn là mục đích mà phải là hành vi được thực hiện trên thực tế. Hành vi chiếm đoạt tài sản ở tội cướp giật tài sản có hai dấu hiệu để phân biệt với hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác. Đó là dấu hiệu công khai và dấu hiệu nhanh chóng.

– Dấu hiệu công khai

Dấu hiệu này vừa chỉ tính chất khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội.

Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là có tính chất công khai nếu hình thức thực hiện cho phép chủ tài sản có khả năng biết ngay khi hành vi này xảy ra. Ý thức công khai của người phạm tội khi thực hiện hành vi chiếm đoạt có nghĩa: Người phạm tội biết hành vi chiếm đoạt của mình có tính chất công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó.

– Dấu hiệu nhanh chóng

Dấu hiệu “nhanh chóng” phản ánh thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt của người phạm tội. Đó là thủ đoạn lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (sơ hở này có thể là có sẵn hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh. Thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt có thể diễn ra dưới những hình thức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của tài sản chiếm đoạt, vị trí, cách thức giữ tài sản cũng như những hoàn cảnh bên ngoài khác. Thủ đoạn nhanh chóng lẩn tránh thường có thể là nhanh chóng tẩu thoát. Theo đó “nhanh chóng tẩu thoát” không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội cướp giật tài sản.

Với thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh như vậy, người phạm tội mong muốn chủ tài sản không có điều kiện để phản ứng kịp thời, ngăn cản việc chiếm đoạt và do vậy hoàn toàn không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó trực tiếp với chủ tài sản.

3. Hình phạt

Điều luật quy định 04 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung.

– Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

  • (Phạm tội) có tổ chức;
  • (Phạm tội) có tính chất chuyên nghiệp;
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
  • Dùng thủ đoạn nguy hiểm: Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi nhanh chóng chiếm đoạt bằng những hình thức dễ dàng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của chủ tài sản. Ví dụ: Giật tài sản của người đang đi xe máy…
  • Hành hung để tẩu thoát: Đây là trường hợp người phạm tội đã có hành vi chống trả lại việc bắt giữ để tẩu thoát. Việc chống trả này không đòi hỏi phải gây thương tích. Mục đích của việc chống trả là nhằm để tẩu thoát. Nếu nhằm để giữ bằng được tài sản vừa cướp giật thì là trường hợp chuyển hoá từ cướp giật sang cướp tài sản.
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
  • Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Tái phạm nguy hiểm.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được quy định trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ ba có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
  • Làm chết người;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp
– Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Xem thêm:

Mẫu đơn trình báo về tội phạm

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015

Mẫu đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *