Khiếu nại trong tố tụng hình sự

Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, giải quyết lại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Dưới đây là một số quy định pháp luật về khiếu nại trong tố tụng hình sự

khiếu nại trong tố tụng hình sự, vpls dương công

1. Đối tượng bị khiếu nại 

  • Quy định tại Điều 469 Bộ luật Tố tụng Hình sự “…khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy đối tượng của khiếu nại trong tố tụng hình sự bao gồm: Quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; các hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
  • Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong các giai đoạn khác nhau của quá trình tiếp nhận, giải quyết từ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cho tới điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các quyết định có thể như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải, từ chối người bào chữa, tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, v.v…
  • Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, như hành vi bắt giữ, lấy lời khai, hỏi cung, khám xét, kê biên, thu giữ vật chứng, tài sản, v.v…
  • Quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Việc xác định quyết định, hành vi là trái pháp luật, xâm phạm là do đánh giá chủ quan hoặc động cơ của người khiếu nại.
  • Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện thì không phải là đối tượng của khiếu nại, mà được giải quyết theo quy định tại các Chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Thời hiệu khiếu nại (Điều 471)

  • Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Nghĩa là trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận, biết được quyết định, hành vi và cho rằng có vi phạm pháp luật nếu người đó không thực hiện quyền khiếu nại, thì không còn quyền khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của bản thân.
  • Tuy nhiên trong thực tế, có những trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

3. Chủ thể có quyền khiếu nại

3.1. Chủ thể có quyền khiếu nại

Chủ thể có quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự là bất cứ cơ quan, tổ chức, các nhân chịu sự tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng và phải thoả mãn các điều kiện: Họ phải chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng và theo nhận thức chủ quan của người khiếu nại thì quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm trái pháp luật hoặc vì động cơ khác.

3.2. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại (Điều 472)

Các quyền của người khiếu nại trong tố tụng hình sự bao gồm:

  • Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện để khiếu nại.
  • Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự.
  • Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại.
  • Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại.
  • Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Các nghĩa vụ của người khiếu nại trong tố tụng hình sự bao gồm:

  • Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó.
  • Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

4. Người bị khiếu nại

4.1. Những người có thể bị khiếu nại

  • Người bị khiếu nại gồm hai nhóm người: Nhóm người có thẩm quyền ra quyết định tố tụng tụng; nhóm người tiến hành tố tụng trực tiếp thực hiện các hành vi tố tụng bị khiếu nại được quy định tại Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự.
  • Nhóm người có thẩm quyền ra quyết định tố tụng có thể là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra (của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, …) được ban hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
  • Nhóm người tiến hành tố tụng trực tiếp thực hiện các hành vi trong hoạt động tố tụng có thể là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, …) được ban hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

4.2. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại (Điều 473)

Người bị khiếu nại có các quyền sau:

  • Được thông báo về nội dung khiếu nại.
  • Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại.
  • Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của mình.

Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau:

  • Giải trình về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu.
  • Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại.
  • Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

5. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại

Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định chi tiết và cụ thể từ Điều 474 đến Điều 477 của Bộ luật tố tụng hình sự và được phân ra theo từng nhóm, gồm:

5.1. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam (Điều 474)

  • Khiếu nại đối với lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt, quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, quyết định phê chuẩn việc bắt, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giam và khiếu nại các hành vi thực hiện các lệnh và quyết định đó phải được giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại. Trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá 03 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
  • Viện trưởng viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố. Cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Viện trưởng viện kiểm sát giải quyết.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam do Viện trưởng viện kiểm sát giải quyết.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng viện kiểm sát thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam do Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết nếu quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại là của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.

  • Tòa án có trách nhiệm giải quyết khiếu nại quyết định bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Chánh án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án tòa án xem xét, giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án tòa án trên một cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án tòa án trên một cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án tòa án trên một cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án tòa án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án tòa án trên một cấp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án tòa án trên một cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án tòa án trên một cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.

5.2. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 475)

  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Thủ trưởng cơ quan điều tra thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đã được viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.

  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện trưởng viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, người khiếu nại không có quyền khiếu nại lần hai.

5.3. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng viện kiểm sát (Điều 476)

  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng viện kiểm sát do Viện trưởng viện kiểm sát xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng viện kiểm sát do viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
  • Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 476, nếu là khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì được giải quyết:
    • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật;
    • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại khu vực xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.

5.4. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án và Chánh án tòa án (Điều 477)

  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án quân sự khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án tòa án quân sự khu vực giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chánh án tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án tòa án quân sự khu vực thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án tòa án quân sự khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu là quyết định có hiệu lực pháp luật.

  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu trước khi mở phiên tòa do Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày. Quyết định giải quyết của Chánh án tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án tòa án nhân dân cấp cao trước khi mở phiên tòa do Chánh án tòa án cấp cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chánh án tòa án nhân dân cấp cao thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu do Chánh án tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Chánh án tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.

  • Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm tra viên công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán và Thẩm tra viên công tác tại Tòa án quân sự trung ương, Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Xem thêm:

Mẫu đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *