Tội vu khống (Điều 156 BLHS)

Lướt quanh một vòng mạng xã hội; không hiếm để có thể bắt gặp ít nhiều các trường hợp bóc phốt, chửi bới nhau trên mạng xã hội. Thậm chí, đôi khi nhiều người vì ghét một người nào đó, có thể dựng lên những câu chuyện để nói xấu đặt điều; vu khống cho người khác nhằm xúc phạm và hạ thấp danh dự, uy tín của người khác trong mắt nhiều người. Vậy hành vi này có phạm tội không? Khi Bị người khác vu khống nên xử lý ra sao ? Hãy cùng VPLS Dương Công tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

(LSC) Tội vu khống

1. Vu khống là gì?

Vu khống được hiểu là hành vi sử dụng lời nói, hành động làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân hoặc tổ chức.

Vu khống được cụ thể hóa tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 là các hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

2. Tội vu khống người khác theo Bộ luật Hình sự

Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Cấu thành tội vu khống 

3.1. Mặt khách quan:

Mặt khách quan của tội vu khống có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi, có một trong các hành vi sau đây:

– Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự  hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháo của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng cách nói trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác như qua phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động …

– Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt (việc biết rõ điều mình loan truyền là bịa dặt là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó (như nói cho những người khác biết, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng …) cho người khác.

– Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Được thể hiện qua việc tự mình bịa ra rằng người khác có hành vi thực hiện một tội phạm nào đó và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát … mặc dù thục tế người này không phải là người thực hiện những hành vi phạm tội đó.

b) Về hậu quả. Trong trường hợp các hành vi nêu trên không có mục đích nhằm xúc phạm danh dự của người khác thì hậu quả gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Là những hành vi bịa đặt thông tin, lan truyền sai lệch về người khác, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác. Người phạm tội có thể thực hiện bằng lời nói hoặc thông qua các phương thức khác.

3.2. Mặt chủ quan

Người phạm tội này với lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ những thông tin mình lan truyền là không đúng nhưng cố tình vi phạm nhằm xúc phạm danh dự người khác.

3.3. Khách thể

Đối tượng của tội vu khống có thể là danh dự, nhân phẩm hoặc có thể thiệt hại về tài sản, tinh thần, sức khoẻ …

3.4. Chủ thể

Người phạm tội là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý là người phạm tội thuộc trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 156 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại (hoặc người đại diện của bị hại nếu bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) có yêu cầu khởi tố hình sự.

4. Hình phạt

Điều luật quy định 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung.

4.1. Khung hình phạt cơ bản

Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

4.2. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau: 

  • (Phạm tội) có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn (khi phạm tội);
  • (Phạm tội) đối với 02 người trở lên;
  • (Phạm tội) đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
  • (Phạm tội) đối với người đang thi hành công vụ;
  • Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  • Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4.3. Khung hình phạt tăng nặng thứ hai

Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

  • (Phạm tội) vì động cơ đê hèn; 
  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể là 61% trở lên;
  • (Phạm tội) làm nạn nhân tự sát.

4.4. Khung hình phạt bổ sung

Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Bị người khác vu khống nên xử lý ra sao ?

(LSC) Tội vu khống (Hình ảnh nguồn Internet)

Để bảo vệ danh dự uy tín cho bản thân; cũng như những người xung quanh. Trong trường hợp bị người khác vu khống nên xử lý ra sao? Trước tiên chúng ta cần bình tĩnh để tìm ra những phương án phù hợp. Trong đó, một trong những lựa chọn tốt nhất; đó chính là việc tìm đến các cơ quan chức năng để tố cáo về hành vi theo các bước sau:

Bước 1: Tìm kiếm nguồn phát tán thông tin sai sự thật, vu khống

Việc xác định nguồn thông tin phát tán sai sự thật, vu khống cho người khác là rất quan trọng. Bởi chỉ khi xác định được chủ thể phát tán nguồn thông tin mới có thể thực hiện được việc tố cáo.

Bước 2: Thu thập, xác minh nguồn chứng cứ

Đây là bước quan trọng nhất của quá trình, bởi chỉ khi có đủ bằng chứng cho rằng người khác có hành vi vu khống; xúc phạm gây ảnh hưởng đến chủ thể bi vu khống thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Nguồn chứng cứ được thu thập, có thể bao gồm đoạn ghi âm, ghi hình, cũng như các nguồn lưu trữ thông tin khác.

Bước 3: Làm đơn tố giác hành vi

Sau khi thu thập được nguồn chứng cứ, tài liệu cần thiết người bị vu khống có thể tiến hành tố cáo về hành vi này đến cơ quan chức năng để được xử lý.

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; quy định về trách nhiệm tiếp nhận, nguồn tin tố cáo thuộc về cơ quan điều tra; viện kiểm sát. Người bị vu khống có quyền tố giác, báo tin tại cơ quan điều tra; công an địa phương hoặc tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; nơi cư trú của người bị vu khống hoặc người vu khống; đồng thời kèm theo những bằng chứng; chứng minh cho đơn tố giác của mình.

Đọc thêm

Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *