Cùng với kết hôn, lý hôn, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng quy định về chế định cấp dưỡng, đây là quyền và cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của những thành viên trong cùng một gia đình. Nó thể hiện sự gắn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau và quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã” của dân tộc Việt Nam. Do đó, người nào từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong bài viết này, VPLS Dương Công sẽ phân tích rõ về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 BLHS)
1. Thế nào là từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Tội này được quy định là hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Tội phạm này xâm hại quyền được người khác nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Đó là quyền bảo đảm cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người được cấp dưỡng.
Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
2. Dấu hiệu pháp lí
2.1. Khách thể của tội phạm
Quyền được cấp dưỡng là quyền do pháp luật quy định mà cụ thể là Luật hôn nhân và gia đình vì quan hệ cấp dưỡng là quan hệ gia đình. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng.
Tội phạm xâm phạm đến quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng của con người.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quan hệ gia đình, là quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng của con người và các quy phạm pháp luật quy định về quan hệ cấp dưỡng.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
– Dấu hiệu hành vi: Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là:
+ Hành vi từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng;
+ Hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trong đó, nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là “nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình …”. (Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình)
Theo quy định tại các điều từ Điều 107 đến Điều 115 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được đặt ra giữa:
+ Vợ và chồng;
+ Cha, mẹ và con;
+ Ông bà nội, ông bà ngoại và cháu;
+ Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;
+ Anh chị em với nhau.
Hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đòi hỏi các dấu hiệu sau:
+ Chủ thể phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;
+ Chủ thể phải có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng. Khả năng thực tế nói ở đây được hiểu là khả năng có thực về kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng như có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương.
Hành vi từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là (kiên quyết) không thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ quy định của pháp luật, biểu hiện như cố tình không góp tiền, tài sản để cấp dưỡng trong khi có khả năng thực tế thực hiện nghĩa vụ đó.
Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là hành vi tìm mọi cách lảng tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật, biểu hiện bằng việc bỏ đi nơi khác và cố ý giấu địa chỉ hoặc cố tình dây dưa không chịu thực hiện việc cấp dưỡng…
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo pháp luật hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp chưa gây hậu quả “làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ”, chủ thể đòi hỏi phải là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý.
Điều luật còn quy định: “nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này”. Đây là trường hợp đã có bản án hoặc quyết định của toà án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người này vẫn cố tình không chấp hành (từ chối hoặc trốn tránh) mặc dù đã dùng các biện pháp cưỡng chế cần thiết. Khi đó, hành vi không cấu thành tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà cấu thành tội không chấp hành án (Điều 380 BLHS)..
3. Hình phạt
Điều luật quy định 01 khung hình phạt có mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 186 Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với VPLS Dương Công để được hỗ trợ nhanh nhất.
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
>>Tham khảo thêm:
- Thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
- Nguyên tắc giải quyết tài sản khi ly hôn
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com