Thành lập và đăng ký hợp tác xã

Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế phổ biến từ lâu và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, tồn tại song hành cùng với các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam. Các hợp tác xã ngày nay đang đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển của nền kinh tế. Dưới đây là một số quy định pháp luật về việc thành lập và đăng ký hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

hợp tác xã, vpls dương công

1. Hội nghị thành lập hợp tác xã

Thành phần tham gia hội nghị: sáng lập viên là cá nhân, người đại diện hợp pháp của sáng lập viên; người đại diện hợp pháp của hộ gia đình, pháp nhân và cá nhân khác có nguyện vọng gia nhập hợp tác xã.

Nội dung hội nghị:

  • Hội nghị thảo luận về dự thảo điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã và dự kiến danh sách thành viên.
  • Hội nghị thông qua điều lệ. Những người tán thành điều lệ và đủ điều kiện theo quy định của Luật Hợp tác xã thì trở thành thành viên.
  • Các thành viên, hợp tác xã thành viên tiếp tục thảo luận và quyết định các nội dung sau đây: Phương án sản xuất, kinh doanh; Bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) trong số thành viên hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc); Bầu ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.

Nghị quyết của hội nghị thành lập về những nội dung quy định trên phải được biểu quyết thông qua theo nguyên tắc đa số.

2. Đăng ký hợp tác xã

Bước 1. Người đại diện hợp pháp của hợp tác xã dự định thành lập nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký hợp tác xã tại Phòng tài chính – kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính.

Hồ sơ đăng ký hợp tác xã bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Điều lệ;
  • Phương án sản xuất, kinh doanh;
  • Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
  • Nghị quyết hội nghị thành lập.

Người đại diện hợp pháp của hợp tác xã phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.

Phòng tài chính – kế hoạch phải trao giấy biên nhận khi hồ sơ đăng ký đã bảo đảm tính hợp lệ theo quy định và không được yêu cầu hợp tác xã nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ quy định.

Bước 2. Phòng tài chính – kế hoạch cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 24 Luật hợp tác xã.

Trong trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký thì cơ quan đăng ký hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử nêu rõ lý do cho hợp tác xã biết trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *