Gây ô nhiễm môi trường là hành vi làm cho các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác. Hay nói cách khác, gây ô nhiễm môi trường là hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác. Bộ luật Hình sự quy định tội danh này tại Điều 235. Dưới đây là phân tích cấu thành tội phạm này.
1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người từ 16 tuổi trở lên không mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, đều là chủ thể của tội phạm này.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường cũng có thể bị xử lý hình sự về tội danh này.
2. Khách thể của tội phạm
Tội gây ô nhiễm môi trường là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể là sự trong sạch của không khí, nguồn nước, đất trong môi trường sống của con người và thiên nhiên.
Đối tượng tác động của tội phạm này là không khí, nguồn nước, đất, là những yếu tố không thể thiếu được trong sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên bị ô nhiễm.
3. Mặt khách quan của tội phạm
Do đặc điểm của đối tượng tác động của tội phạm gồm nhiều lại khác nhau nên hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng.
- Gây ô nhiễm không khí là hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.
- Hành vi thải vào không khí các loại khói, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác quá tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là của những người có trách nhiệm trong các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông cơ giới, xử lý rác thải.
- Hành vi thải vào không khí các loại bụi quá tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là do những người có trách nhiệm khi thi công các công trình xây dựng, khai thác, trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng.
- Hành vi thải vào không khí các chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác là do người có trách nhiệm trong việc sản xuất, chế biến, thí nghiệm trong lĩnh vực hóa sinh đã không có biện pháp xử lý nên đã thải vào không khí các chất độc hại như các loại khí SO2, NO2, CO, chì… quá tiêu chuẩn cho phép.
- Các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác được phép thải vào không khí phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định như: tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh, tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ.
- Phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép là hành vi làm thay đổi chất lượng, số lượng của thành phần không khí gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của người và thiên nhiên bằng cách phát bức xạ, phóng xạ.
- Bức xạ gồm bức xạ ion và không ion hóa mà khi tác dụng lên cơ thể sống với liều lượng vượt quá giới hạn cho phép có thể gây tổn thương và nguy hiểm cho cơ thể như tia Rơnghen, tia X, bức xạ laze, sóng âm, hạ âm và siêu âm; chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt độ phóng xạ riêng lớn hơn 7 kilo Beccơren trên kg (70kBq/kg (1).
- Gây ô nhiễm nguồn nước là hành vi thải vào nguồn nước dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác. Nguồn nước không phân biệt nước biển, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch… kể các các nguồn nước ngầm dưới lòng đất.
- Nếu đổ các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại xuống nguồn nước thì không cần phải xác định tiêu chuẩn cho phép, vì không có quy định nào cho phép đưa các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại xuống nguồn nước. Tuy nhiên, nếu các chất thải này gây nên dịch bệnh thì mới coi là hành vi phạm tội.
- Riêng đối với các yếu tố độc hại khác, nếu các yếu tố độc hại đó là các chất hữu cơ thì không cần xác định tiêu chuẩn cho phép vì nó được coi như tương tự các chất thải, xác động vật, thực vật, còn nếu các yếu tố độc hại lại là chất vô cơ thì được coi như tương tự như các loại dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ thì phải xác định tiêu chuẩn cho phép. Trong trường hợp này nếu cần thì phải trưng cầu giám định.
- Gây ô nhiễm đất là hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép.
- Các chất độc hại bị chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất khi chưa bị chôn vùi hoặc thải vào đất đã được xác định là chất độc hại chứ không phải sau khi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất đó bị phân hủy thành các chất độc hại.
- Các chất độc hại mà người phạm tội chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất hữu cơ hoặc vô cơ được cơ quan có thẩm quyền xác định là chất độc hại như các chất hóa học có chứa độc tố, các chất phóng xạ, các loại thuốc bảo vệ thực vật, các động vật, thực vật bị nhiễm độc chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền xử lý hoặc chôn cất không theo quy định của cơ quan vệ sinh dịch tễ…
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người phạm tội cũng thực hiện tội phạm này cũng do lỗi cố ý, mà chỉ đối với các trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội gây ô nhiễm môi trường, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Ví dụ: Khi thực hiện hành vi thải vào môi trường các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý nhưng không mong muốn cho hậu quả xảy ra; tuy nhiên, sau khi đã bị xử phạt hành chính, họ vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên tội phạm này phải được coi là do cố ý. Còn đối với trường hợp người phạm tội cố ý về hành vi nhưng không mong muốn cho hậu quả xảy ra, thì người phạm tội thực hiện tội phạm là do lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin).
Xem thêm:
Tội đe dọa giết người (Điều 133 BLHS)
Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự)
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com