Điều kiện thành lập và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Các quy định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện được quy định rõ tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Dưới đây là một số quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của quỹ này.

1. Quỹ là gì?

Quỹ bao gồm:

  • Quỹ xã hội: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận.
  • Quỹ từ thiện: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Đặc điểm:

  • Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật;
  • Quỹ được chọn tên và biểu tượng đáp ứng các điều kiện sau: Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của quỹ khác đã được đăng ký trước đó; Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; Quỹ phải có tên bằng tiếng Việt và có thể được dịch ra tiếng quốc tế theo quy định của pháp luật.
  • Trụ sở giao dịch của quỹ phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ cụ thể và phải có tài liệu chứng minh tính hợp pháp của trụ sở quỹ.
  • Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản góp bằng tiền đồng Việt Nam;
  • Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).
  • Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).
  • Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.

2. Điều kiện cấp giấy phép thành lập quỹ

2.1. Có mục đích hoạt động: hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

2.2. Có sáng lập viên thành lập quỹ bảo đảm:

  • Tối thiểu 03 sáng lập viên, thành lập Ban sáng lập quỹ;
  • Sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam;
  • Đối với công dân: Có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích;
  • Đối với tổ chức: Được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ; trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam;
  • Sáng lập viên thành lập quỹ nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

3. Điều kiện hoạt động quỹ

Quỹ được hoạt động khi đủ các điều kiện sau:

  • Có giấy phép thành lập và công nhận điều lệ;
  • Đã công bố về việc thành lập quỹ;
  • Có văn bản xác nhận của ngân hàng nơi quỹ đăng ký mở tài khoản về số tiền mà từng sáng lập viên cam kết đóng góp để thành lập quỹ đã có đủ trong tài khoản của quỹ. Đối với tài sản khác, đã thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản;
  • Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ.

Xem thêm:

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp năm 2024

Lập hội, hiệp hội theo quy định pháp luật


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *