Quy định về hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2023

  1. Hợp tác xã là gì?

Theo Khoản 7 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023: “Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.”

Ảnh minh họa internet

2. Nguyên tắc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã 

Hợp tác xã được tổ chức, quản lý và hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Tự nguyện tham gia và mở rộng kết nạp thành viên 

Cá nhân, tổ chức tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã coi trọng lợi ích của thành viên, mở rộng kết nạp thành viên; không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo đối với mọi cá nhân tham gia.

  • Dân chủ, bình đẳng trong tổ chức, quản lý 

Thành viên tổ hợp tác có quyền dân chủ trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Thành viên chính thức của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tham gia vào công việc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã một cách dân chủ, bình đẳng, không phụ thuộc vào phần vốn góp.

  • Trách nhiệm tham gia hoạt động kinh tế của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thành viên chính thức góp vốn khi gia nhập và được cùng kiểm soát vốn, quỹ và tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc mức độ đóng góp sức lao động.

  • Tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước Hiến pháp và pháp luật.

  • Chú trọng giáo dục, đào tạo và thông tin.

Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể cho thành viên, người dân, tầng lớp thanh niên; thường xuyên giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề kỹ thuật cho thành viên, người lao động; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các thành viên.

  • Tăng cường hợp tác, liên kết.

Các thành viên hợp tác, liên kết, tương trợ lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho thành viên và tập thể. Khuyến khích các tổ hợp tác tham gia thành lập hợp tác xã; các hợp tác xã cùng hợp tác để thành lập liên hiệp hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Khuyến khích tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cùng hợp tác hình thành và tham gia tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam để phát triển phong trào hợp tác xã trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các tổ chức khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước trong hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

  • Quan tâm phát triển cộng đồng.

Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên quan tâm chăm lo, xây dựng cộng đồng thành viên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và tham gia phát triển cộng đồng dân cư tại địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế.

(Theo Điều 8 Luật Hợp tác xã 2023)

3. Quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã 

3.1. Quyền của hợp tác xã 

-Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

– Quyết định việc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thuê và sử dụng lao động.

– Được kinh doanh, sản xuất trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

–  Yêu cầu thành viên đăng ký nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho thành viên.

– Cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi hoàn thành nghĩa vụ và bảo đảm lợi ích của thành viên theo quy định của Điều lệ hoặc pháp luật có liên quan.

– Cung cấp dịch vụ, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa vì mục tiêu chăm lo đời sống của thành viên, cộng đồng và phát triển bền vững.

– Tham gia thực hiện chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

– Kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.

– Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động.

– Huy động vốn theo quy định của pháp luật.

– Cho vay nội bộ theo quy định của Luật này.

– Theo dõi riêng các khoản doanh thu, chi phí của giao dịch nội bộ và giao dịch bên ngoài.

– Liên danh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Tham gia tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật; giải quyết tranh chấp nội bộ và xử lý thành viên vi phạm theo quy định của Điều lệ.

– Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

(Theo Điều 9 Luật Hợp tác xã 2023)

3.2. Nghĩa vụ của hợp tác xã 

– Kết nạp thành viên khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật này, Điều lệ và pháp luật có liên quan.

– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định của Luật này và Điều lệ.

– Thực hiện thỏa thuận giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên, đáp ứng tối đa nhu cầu của thành viên đã đăng ký trước khi phục vụ khách hàng không phải là thành viên.

– Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê và pháp luật có liên quan.

– Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

– Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên theo quy định của pháp luật.

– Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật.

– Giáo dục, đào tạo, phổ biến, bồi dưỡng cho thành viên và người lao động.

– Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật này.

– Thực hiện công bố thông tin cho thành viên theo quy định tại Điều 14 của Luật Hợp tác xã 2023 và công bố thông tin theo quy định của pháp luật có liên quan.

– Bồi thường thiệt hại do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gây ra cho thành viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

– Lập, cập nhật và lưu trữ sổ đăng ký thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn.

– Thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

(Theo Điều 10 Luật Hợp tác xã 2023)


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *