Tội gián điệp (Điều 110 BLHS)

Gián điệp là tội phạm đặc biệt nguy hiểm đối với hệ thống chính trị và an ninh của quốc gia. Vì vậy, tội phạm cần phải được phát giác và loại trừ kịp thời. VPLS Dương Công xin mời bạn theo dõi bài viết sau đây để được giải đáp các thông tin chung về tội gián điệp theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

(LSC) Tội gián điệp (Điều 110 BLHS)

1. Tội gián điệp là gì?

Gián điệp là hành vi hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước CHXHCN Việt Nam; gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại hoặc cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước CHXHCN Việt Nam.

Tội gián điệp là tội xâm phạm an ninh quốc gia với mức độ đặc biệt nghiêm trọng nên được Nhà nước quan tâm lưu ý và được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự).

Điều 110. Tội gián điệp

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.

2. Ý nghĩa của việc quy định Tội gián điệp trong Bộ luật hình sự

Việc quy định tội gián điệp trong Bộ luật hình sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xác định giới hạn hành vi nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia nói chung, cũng như xác định chính xác hành vi cụ thể nào xâm phạm khách thể trực tiếp của tội gián điệp để từ đó quyết định loại và mức hình phạt tương ứng, tạo cơ sở vững chắc cho đấu tranh phòng, chống tội phạm này một cách có hiệu quả.

Gián điệp là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh, xã hội của đất nước. Khi nhận thấy hành vi gián điệp hoặc bản thân có liên quan đến hành vi gián điệp, cần tố cáo hành vi này đến cơ quan có thẩm quyền hoặc nhờ luật sư tư vấn pháp luật hình sự.

3. Dấu hiệu pháp lý của Tội gián điệp

3.1. Chủ thể

Tương tự như tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, bất kỳ ai cũng có thể phạm tội gián điệp. Đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch (không phải công dân Việt Nam cũng không phải công dân nước ngoài). Tuy nhiên những người này phải có năng lực trách nhiệm hình sự (có thể nhận thức được phải trái, đúng sai và có thể tự mình làm chủ hành vi) và có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên (theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự).

3.2. Mặt khách quan

Tội gián điệp là tội có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm chủ thể nhận lời làm gián điệp hoặc từ thời điểm chủ thể xâm nhập biên giới dù chưa hoạt động gì. Vì vậy, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.

Tội gián điệp được thể hiện thông qua các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước CHXHCN Việt Nam, trong đó:

Hoạt động tình báo là hành vi điều tra, thu thập mọi tin tức, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc không thuộc bí mật Nhà nước để nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Phá hoại được thể hiện ở việc người phạm tội thực hiện hành vi chống phá nhà nước, làm cho việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội của Nhà nước bị cản trở, không hoàn thành được. Những hành vi đó có mục đích chống chính quyền nhân dân và vì lợi ích của nước ngoài.

Thứ hai, gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài. Thể hiện ở hành vi dụ dỗ, rủ rê, tìm người để có nơi ẩn náu, có người giúp đỡ và nói chung để tạo thuận tiện cho hoạt động gián điệp dưới một, hai hoặc ba mặt: hoạt động tình báo, phá hoại, gây cơ sở.

Thứ ba, hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại. Thể hiện ở hành vi hoạt động ở vùng biên giới vừa có tính chất thu thập tin tức, tình hình quân sự vừa có tính chất biệt kích vũ trang xâm nhập vào nội địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục kích, tập kích, bắt cóc người.

Thứ tư, cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước CHXHCN Việt Nam. Bao gồm các hành vi như: thu thập thông tin, hồ sơ mật của quân đội, của Đảng và Nhà nước sau đó truyền các thông tin này ra nước ngoài để sử dụng cho việc chống phá đất nước.

3.1. Các hành vi trên gây ra những tác động như thế nào? (khách thể)
Tội gián điệp xâm hại đến an ninh quốc gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, sự vững mạnh của hệ thống chính quyền Nhà nước XHCN Việt Nam.

3.4. Mặt chủ quan

Tội gián điệp được thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích phạm tội là nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường hợp người được giao trách nhiệm quản lý bí mật nhà nước như vô ý để cho đối tượng gián điệp lợi dụng làm lộ bí mật nhà nước thì phải chịu trách nhiệm về tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước (Điều 338 Bộ luật hình sự).

4. Khung hình phạt đối với Tội gián điệp

Gián điệp là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vì thế hình phạt dành cho Tội gián điệp cũng được quy định rất nghiêm khắc. Theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự, người phạm tội gián điệp sẽ phải chịu hình phạt sau đây:

Khung hình phạt Hành vi phạm tội
Khung 1: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Thực hiện một trong các hành vi phạm tội sau đây:

  • Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
  • Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 15 năm. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng.
Khung 3: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Chuẩn bị phạm tội gián điệp
Khung 4: Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Như vậy, người phạm tội gián điệp sẽ phải chịu phạt tù tùy theo từng hành vi phạm tội cụ thể. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu không thực hiện hành vi gián điệp như được giao mà tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xem thêm:

Tội phản bội tổ quốc (Điều 108 BLHS)

Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS)

Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS)

Tội đua xe trái phép 


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *