Tội bạo loạn (Điều 112 BLHS)

Tội bạo loạn đã được quy định cụ thể trong pháp luật Hình sự. Hành vi như thế nào thì cấu thành tội bạo loạn? Hình phạt của nhóm tội này ra sao? Bài viết dưới đây, VPLS Dương Công sẽ giải đáp những vấn đề này trong bài viết dưới đây:

(LSC) Tội bạo loạn (Điều 112 BLHS)

1. Tội bạo loạn là gì?

Bạo loạn là hành vi hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện bởi bất kỳ người nào. Tội bạo loạn được quy định cụ thể tại Điều 112 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau: (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự).

Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội bạo loạn

2.1. Khách thể của tội phạm

Theo quy định của Điều 112 Bộ luật hình sự, bạo loạn là hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân. Sự ổn định, vững mạnh của chính quyền nhân dân là điều mà pháp luật hình sự cần bảo vệ. Do đó, khách thể của tội bạo loạn là sự vững mạnh, an toàn của hệ thống chính quyền nhân dân.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Điều 112 Bộ luật hình sự miêu tả  03 hành vi cấu thành tội bạo loạn gồm hoạt động vũ trang; dùng bạo lực có tổ chức và cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cả 03 hành vi này đều hướng tới mục đích chống chính quyền nhân dân.

Trong đó:

– Hoạt động vũ trang chống chính quyền nhân dân là hoạt động có trang bị vũ khí (có thể là vũ khí thô sơ hoặc vũ khí quân dụng), có tổ chức công khai chống lại chính quyền, chống đối lực lượng vũ trang nhân dân, phá hoạt an ninh chính trị.

– Dùng bạo lực có tổ chức là hoạt động sư dụng sức mạnh tuy không có vũ khí nhưng có sự liên kết, phối hợp, tuân theo chỉ đạo của người tổ chức, chỉ huy để chống chính quyền nhân dân như bao vây, đánh chiếm hoặc đập phá trụ sở của chính quyền,…

– Cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hiểu là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhằm chống lại chính quyền nhân dân. Ví dụ cướp vũ khí của lực lượng vũ trang nhân dân hoặc dân quân tự vệ; cướp nhà, cướp đất của nhân dân để làm nơi ở, nơi ẩn náy của những người thực hiện hành vi bạo loạn,…

Để tiến hành bạo loạn chống chính quyền nhân dân, người phạm tội phải tập hợp, lôi kéo nhiều người tham gia. Chúng có thể vũ trang ngay từ đầu hoặc dùng bạo lực có tổ chức, cướp vũ khí của lực lượng vũ trang, tiến hành hoạt động vũ trang công khai chống chính quyền nhân dân.

Tội bạo loạn có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Tội bạo loạn có thể được tiến hành bởi bất kì ai, công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, có năng lực trách nhiệm hình sự gồm năng lực nhận  thức, năng lực làm chủ hành vi và đạt đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự từ 16 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên tội phạm này thường xuất hiện dưới hình thức đồng phạm có tổ chức, bởi các hành vi của tội phạm cần một số lượng đông đảo người tham gia hành động, có sự tổ chức, sắp xếp rõ ràng mới nắm chắc thành công.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếpNgười phạm tội hoàn toàn biết việc thực hiện các hành vi miêu tả trong cấu thành tội phạm là để chống phá chính quyền nhân dân. Tuy biết rõ và nhận thức rõ ràng mức độ nguy hiểm của hành vi đó nhưng người phạm tội vẫn chấp nhận thực hiện. Do vậy chắc chắn yếu tố lỗi ở đây là lỗi cố ý.

Nếu hành vi được thực hiện không nhằm mục đích chống phá chính quyền nhân dân thì tội phạm được thực hiện có thể là tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật hình sự), tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật hình sự), tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự),…. Nội dung của các tội này sẽ được VPLS Dương Công phân tích ở những phần sau.

3. Khung hình phạt của tội bạo loạn

Người nào có hành vi hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ bị xử phạt theo các khung hình phạt quy định tại Điều 112 Bộ luật Hình sựnhư sau:

Khung hình phạt Hành vi phạm tội
Khung 1: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình Tổ chức, hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng
Khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 15 năm Đồng phạm
Khung 3: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm Chuẩn bị phạm tội

Như vậy khung hình phạt tù cao nhất là 20 năm và nếu bị can gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị xét xử chung thân hoặc tử hình.


Xem thêm:

Tội phản bội tổ quốc (Điều 108 BLHS)

Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS)

Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS)

Tội gián điệp (Điều 110 BLHS)


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *