Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366 BLHS)

  1. Người có chức vụ, quyền hạn 

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham những 2018 thì người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

– Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

– Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

– Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

2. Quy định của pháp luật về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi 

Căn cứ vào Điều 366 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi như sau:

“1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Ảnh minh họa internet

3. Dấu hiệu cấu thành tội phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi

3.1. Mặt khách thể 

Tội phạm này xâm phạm quan hệ xã hội đảm bảo cho hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Đối tượng tác động của tội phạm này là hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn 

3.2. Về mặt chủ thể 

Chủ thể của tội này được quy định là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định, và họ là người có chức vụ. Theo quy định tại Điều 352 BLHS quy định thì “người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.”

3.3. Về mặt khách quan 

Người phạm tội có hành vi nhận lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất) một cách trực tiếp hoặc qua trung gian, sau đó, dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Ảnh hưởng ở đây được hiểu giữa người phạm tội này với người có chức vụ, quyền hạn tồn tại một quan hệ nhất định như quan hệ người thân, bạn bè…

3.4. Về mặt chủ quan

Mặt chủ quan của tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”  là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

4. Khung hình phạt đối với tội phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi 

Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, đối với người phạm tội nhận lợi ích bất kỳ nào sau đây:

– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

– Lợi ích phi vật chất

Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người phạm tội một trong các trường hợp sau đây:

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người phạm tội trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vất chất khác giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên 

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.


Xem thêm:

Tội môi giới hối lộ (Điều 365 BLHS)

Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS)

Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS)


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *