Tìm hiểu về văn bằng bảo hộ

Văn bằng bảo hộ được hiểu là những loại văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nhằm mục đích là để xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Việc hiểu rõ các vấn đề liên quan đến văn bằng sẽ đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu.

1.Văn bằng bảo hộ là gì?

Khoản 25 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định:

Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.”

Nguồn: Internet

2. Phân loại văn bằng bảo hộ

Khoản 3 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định các loại văn bằng bảo hộ bao gồm:

  • Bằng độc quyền sáng chế
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
  • Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý

3. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) đã quy định rất cụ thể hiệu lực đối với từng loại văn bằng bảo hộ, theo đó:

  • Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
  • Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:
    + Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;
    + Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
    + Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

Ngoài ra, hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid hay đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay sẽ được ghi nhận tại Khoản 8, 9 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022).

Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định, đối với Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì các chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực. Đối với Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì các chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.

Mức lệ phí và thủ tục duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ hiện nay được quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC.

4. Chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực và sửa đổi văn bằng bảo hộ

Các nội dung liên quan đến chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực và sửa đổi văn bằng bảo hộ được quy định cụ thể tại các Điều 95, 96 và 97 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022).


Xem thêm:

Quy định về sửa đổi văn bằng bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ

Trường hợp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

 Điều kiện đăng ký bảo hộ sáng chế

Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *