Tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu, quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự (viết tắt BLHS), là hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình làm mất mát, hư hỏng, lãng phí tài sản đó.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Điều 179 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như sau:
“Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
2.1. Khách thể của tội phạm
Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là hành vi không làm hoặc làm không hết trách nhiệm nên đã để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do mình trực tiếp quản lý.
Tội xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người có trách nhiệm quản lý tài sản và của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Quyền sở hữu tài sản của con người gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.
Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ…, hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,…
Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Quyền sở hữu tài sản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của người quản lý tài sản; của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi thiếu trách nhiệm mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản \.
Thiếu trách nhiệm là hành vi của người có trách nhiệm (không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ) vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Những quy định đó có thể là quy định thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, những quy định về ghi sổ, thu, chi, thanh toán,… hoặc là quy định về kỹ thuật như quy tắc bảo dưỡng, vận hành…sử dụng máy móc, trang thiết bị…
Mất mát tài sản là để cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thoát khỏi sự kiểm soát, quản lý của người có trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước. Cũng được xem là mất mát nếu tài sản đó bị huỷ hoại mà không thể sử dụng lại được.
Hư hỏng tài sản là làm cho tài sản của Nhà nước bị thiệt hại, hỏng hóc mà muốn sử dụng, khai thác được thì phải đi sửa chữa.
Lãng phí tài sản là sử dụng, khai thác tài sản một cách tuỳ tiện, bừa bãi không tiết kiệm, không mang lại hiệu quả.
Đây là tội có cấu thành vật chất, vì vậy hành vi thiếu trách nhiệm để mất mát, hư hỏng, lãng phí nói trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả của tội phạm xảy ra. Hậu quả của tội phạm là gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên, ngoài ra không còn thiệt hại nào khác. Thiệt hại về tài sản phải do chính hành vi thiếu trách nhiệm gây ra mới là hậu quả của tội phạm này, nếu thiệt hại đó không phải do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra thì không được tính để xác định hậu quả của tội phạm này.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, họ phải là người trực tiếp được giao nhiệm vụ quản lý tài sản.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tội phạm là người từ đủ 16 tuổi.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện với lỗi vô ý, có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả.
Điều 11 Bộ luật Hình sự quy định về vô ý phạm tội như sau:
“Điều 11. Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Tức là người phạm tội thấy trước được hành vi thiếu trách nhiệm của mình có thể gây ra hậu quả gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nhưng cũng có thể là người phạm tội không thấy trước hậu quả gây thiệt hại do cẩu thả mặc dò họ phải thấy trước và có thể thấy trước.
3. Hình phạt đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Điều 179 Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
– Khung hình phạt phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
– Khung hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên.
– Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đọc thêm:
Tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS)
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218 BLHS)
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com