Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người được hiểu là hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật lao động về an toàn lao động (như không trang bị thiết bị bảo hộ lao động của công nhân xây dựng…), vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi có đông người.
- Căn cứ pháp lý
Căn cứ Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đồng người:
“Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
* Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn lao động, về vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Đó là những quy định nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người lao động và mọi công dân.
* Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi phạm tội thể hiện ở việc không thực hiện hoặc không đúng, không đầy đủ, không đúng quy trình,…những quy định về an toàn trên các lĩnh vực đã nêu ở trên. Tuy nhiên, việc quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và an toàn ở những nơi đông người trong mỗi ngành có những những quy định khác nhau, vì vậy khi xem xét những hành vi vi phạm trên cần nắm vững các quy định của từng ngành, từng lĩnh vực.
– Hậu quả thiệt hại là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm . Hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có các tình tiết sau:
+ Làm chết người;
+Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Mối quan hệ nhân quả là dấu hiệu bắt buộc để xem xét trách nhiệm hình sự. Trường hợp có tai nạn lao động xảy ra gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người lao động trong quá trình tham gia lao động mà nguyên nhân là do chính bản thân người lao động vi phạm các quy định về an toàn, hoặc vô ý thiếu thận trọng tự gây ra cho mình thì không truy cứu trách nhiệm hình sự người có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực dưới hình thức lỗi vô ý, người phạm tội nhận thức được những vi phạm của mình về quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở những nơi đông người nhưng cho rằng hậu quả tác hại không xảy hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc do cẩu thả mà không nhận thức được hậu quả tác hại của hành vi mặc dù phải thấy trước hoặc buộc phải thấy trước.
* Chủ thể của tội phạm
Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Ngoài ra còn đòi hỏi phải có dấu hiệu của chủ thể đặc biệt đó là: phải là người có trách nhiệm trong việc chỉ đạo hoặc thực hiện các quy trình, quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và an toàn ở nơi đông người. Trường hợp không phải là người có trách nhiệm nêu trên mà là những người khác do vi phạm các quy định đó và gây hậu quả nghiêm trọng thì xem xét trách nhiệm hình sự ở các tội phạm tương ứng như: tội vô ý làm chết người, vô ý gây thương tích,…
Xem thêm:
Tội cưỡng bức lao động (Điều 297 BLHS)
Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (Điều 296 BLHS)
Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ ốm đau năm 2024
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com