Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành

Qua nhiều giai đoạn phát triển, các hình thức đầu tư mới xuất hiện tạo ra thị trường kinh doanh sôi động. Mỗi loại hình đầu tư sẽ có đặc điểm và lợi thế riêng. Đâu sẽ là phương thức phù hợp với từng nhà đầu tư? Hãy cùng Văn phòng Luật sư Dương Công tìm hiểu về các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư 2020 thông qua bài viết dưới đây.

(LSC) Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành

1. Đầu tư là gì?

Hiện nay, không có một văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm đầu tư. Mọi người vẫn thường hiểu theo cách hiểu phổ thông rằng đầu tư là việc mình bỏ ra một số vốn thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm sản sinh ra một số lãi nhất định. Tuy chưa có khái niệm cụ thể về đầu tư, song tại khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 có quy định về đầu tư kinh doanh cụ thể như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

8. Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.”

2. Các hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành

Căn cứ theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về các hình thức đầu tư cụ thể như sau:

“Điều 21. Hình thức đầu tư

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

3. Thực hiện dự án đầu tư.

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.”

2.1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Điều 22 Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế cụ thể là:

 Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

– Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

– Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

– Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2.2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Tại Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp cụ thể là:

Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

– Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

– Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;

– Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

2.3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Điều 27 Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư hình thức hợp đồng BCC:

1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.

3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Như vậy, theo pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Đầu tư 2020 thì có tất cả 5 hình thức đầu tư bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện dự án đầu tư, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, và các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ. Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn về đầu tư. 

Đọc thêm: 

Thủ tục thay đổi cổ đông là người nước ngoài trong trường hợp Công ty cổ phần không có giấy chứng nhận đầu tư

Lưu ý về ngành nghề kinh doanh khi đầu tư ra nước ngoài


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *