Bàn về hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa từ thực tiễn xét xử của Tòa án

Hợp đồng mua bán hàng hóa là một thỏa thuận pháp lý giữa các bên, nhằm thực hiện việc trao đổi hàng hóa và thanh toán tiền mua hàng. Đây là một dạng hợp đồng phổ biến trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh. Hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa quy định về tính ràng buộc và khả năng thực thi của các điều khoản giữa các bên. Để tìm hiểu thêm về vấn đề hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa, Văn Phòng Luật sư Dương Công xin giới thiệu bài viết “Bàn về hiệu lực của Hợp đồng mua bán hàng hóa từ thực tiễn xét tử của Tòa án”  của ThS Vũ Thị Hòa Như

BÀN VỀ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN 

ThS. Vũ Thị Hòa Như

Trường Đại học Luật Hà Nội

1.  Khái quát quy định pháp luật về hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng mua bán hàng hóa là loại hợp đồng phổ biến trên thị trường. Vì thế, hiệu lực của loại hợp đồng này là vấn đề được quan tâm cả về góc độ lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào (bao gồm Luật Thương mại – luật chuyên ngành điều chỉnh loại hợp đồng này) quy định về hiệu lực của hợp đồng. Do đó, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa được xác định theo Bộ luật Dân sự. Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Một hợp đồng khi giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chi tiết các trường hợp hợp đồng vô hiệu tại các điều 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129, 408. Theo đó, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa được xác định cụ thể như sau:

– Chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu là thương nhân – đối tượng có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Đăng ký kinh doanh là điểm mấu chốt xác định năng lực chủ thể vì liên quan trực tiếp tới phạm vi hoạt động kinh doanh nói chung và mua bán hàng hóa nói riêng của thương nhân.

– Đại diện của các bên giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa phải đúng thẩm quyền. Theo đó, người ký kết hợp đồng có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người giao kết hợp đồng không đúng thẩm quyền thì sẽ là nguyên nhân dẫn đến hợp đồng vô hiệu, trừ trường hợp bên giao kết kia biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.

– Mục đích và nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

– Việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa phải bảo đảm các nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật: Tự do giao kết nhưng không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và ngay thẳng.

– Hình thức hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Theo Điều 24 Luật Thương mại năm 2005 thì hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được ký kết dưới mọi hình thức, trừ những hợp đồng có quy định chuyên ngành như hợp đồng mua bán quốc tế, hợp đồng mua bán điện… thì bắt buộc phải bằng văn bản.

Việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 mới chỉ quy định chung về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu mà chưa có quy định rõ ràng, cụ thể cho từng trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn, dẫn đến tình trạng xử lý chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước.

2. Một số bất cập trong thực tiễn xét xử của Tòa án về hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa

2.1. Hợp đồng có vô hiệu hay không khi chủ thể không có đăng ký kinh doanh?

Việc thương nhân bắt buộc có đăng ký kinh doanh đã đặt ra câu hỏi, hợp đồng mua bán hàng hóa có vô hiệu không khi nội dung hợp đồng không có trong đăng ký kinh doanh của thương nhân? Nhìn lại thực tiễn xét xử của Tòa án thì câu hỏi này đang được “trả lời” khác nhau qua các thời kỳ.

– Trong thời kỳ Luật Thương mại năm 1997 và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 có hiệu lực thi hành, hợp đồng vô hiệu do không có đăng ký kinh doanh nếu “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” (điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989)[2]. Tuy nhiên, quan điểm xét xử của Tòa án các cấp lại chưa thống nhất.  Có thể xem xét qua vụ việc sau: Ngày 07/7/1995, Công ty liên doanh ô tô VN D (Công ty D) đã ký Hợp đồng mua bán số VID-TNC/95702 bán xe ô tô theo phương thức trả chậm cho Công ty TNHH xây dựng, giao thông, thương mại T (Công ty T). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên phát sinh tranh chấp và khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố H. Trong đó, Công ty D yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do Công ty T khi ký hợp đồng chưa có chức năng kinh doanh vận tải hành khách. Đối với việc giải quyết vụ án trên, có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, hợp đồng nói trên bị vô hiệu do Công ty T đã ký hợp đồng mua bán hàng hóa vượt quá phạm vi đăng ký kinh doanh. Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 02/KTPT ngày 10/01/2002, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ, trong đó có lý do: “Vào thời điểm hai bên ký hợp đồng thì Công ty T chưa có chức năng mua bán xe ô tô, ngày 08/7/1995, mới bổ sung chức năng mua bán xe ô tô; ngày 17/10/1995, mới bổ sung chức năng vận chuyển hành khách bằng xe taxi. Như vậy, đến ngày ký hợp đồng thì Công ty T chưa đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe taxi thì việc mua bán xe này là chưa hợp pháp”. Quan điểm thứ hai cho rằng, hợp đồng nói trên không bị vô hiệu vì cho đến thời điểm thực hiện hợp đồng, Công ty T đã bổ sung đăng ký kinh doanh phù hợp với đối tượng hợp đồng mua bán. Tòa án xét xử giám đốc thẩm đồng tình với quan điểm này và cho rằng hợp đồng không bị vô hiệu bằng Quyết định giám đốc thẩm số 03/2003/HĐTP-KT ngày 24/02/2003[3].

Với vụ việc trên, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Tại thời điểm ký hợp đồng, Công ty T không có đăng ký kinh doanh phù hợp nhưng Công ty T đã làm thủ tục bổ sung kịp thời và không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng. Trên thực tế, nếu theo quan điểm thứ nhất thì rất dễ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lợi dụng tuyên bố hợp đồng vô hiệu để thoái thác trách nhiệm thực hiện hợp đồng (có thể do hàng hóa tăng giá so với thời điểm ký kết hợp đồng cũ, doanh nghiệp muốn chấm dứt hợp đồng đã ký để tìm đối tác trả giá cao hơn).

– Giai đoạn từ năm 2005 đến nay (khi Luật Thương mại năm 2005 thay thế Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989), các quy định về hợp đồng vô hiệu do không có đăng ký kinh doanh cũng bị hủy bỏ theo. Hiện nay, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được áp dụng thống nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 hay Bộ luật Dân sự năm 2015 đều không có quy định tương tự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 như đã đề cập ở trên. Vấn đề được đặt ra là, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, một hợp đồng được giao kết, trong đó “một trong các bên không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật” thì hợp đồng có bị coi là vô hiệu hay không? Luật Thương mại năm 2005 cũng chưa có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 khẳng định, một trong những hành vi bị cấm của thương nhân là hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Có thể suy luận rằng, nếu doanh nghiệp thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa mà không có đăng ký kinh doanh thì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu do chủ thể giao kết hợp đồng không có đủ năng lực theo yêu cầu luật định. Trường hợp phức tạp hơn là doanh nghiệp đã có đăng ký doanh nghiệp nhưng đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa không nằm trong nội dung đăng ký kinh doanh ở thời điểm giao kết hợp đồng, vậy hợp đồng đã giao kết có vô hiệu không? Ví dụ, thương nhân giao kết hợp đồng bán xăng dầu nhưng trong đăng ký kinh doanh không có mã ngành nghề kinh doanh 46613 – Bán buôn xăng dầu và các sản phẩm liên quan. Vậy, hợp đồng được giao kết nhưng không nằm trong đăng ký kinh doanh có bị vô hiệu không? Đây là vấn đề không chỉ xuất hiện trong pháp luật Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào quy định về đăng ký kinh doanh đều phải xử lý tình huống này[4].

Ảnh minh họa internet

2.2. Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn

Hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết do nhầm lẫn sẽ bị coi là vô hiệu. Nhầm lẫn trong khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa là việc các bên thể hiện không chính xác mục đích khi xác lập hợp đồng[5]. Tuy nhiên, trong thực tiễn, một số trường hợp Tòa án kết luận có nhầm lẫn nhưng phân tích kỹ lưỡng thì kết luận về sự có tồn tại hay không “nhầm lẫn” có thể khác[6]. Có thể xem xét thông qua ví dụ cụ thể[7] sau: Ngày 27/12/2014, ba bên là Công ty S, Công ty N và Công ty A ký Hợp đồng mua bán tài sản số 03.12.14/HĐMB-SG (Hợp đồng 03) và Phụ lục hợp đồng mua bán tài sản số 03.12.14/HĐMB-SG/PL-01 (Phụ lục hợp đồng 03). Sau khi mua máy, Công ty S phát hiện hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc nhưng Công ty N lại đưa ra thông tin là hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản. Do đó, Công ty S khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng 03, Phụ lục hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối và xác định lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thuộc về Công ty N.

Đối với vụ việc này, còn có những quan điểm khác nhau về nguyên nhân làm hợp đồng vô hiệu là nhầm lẫn hay lừa dối. Theo đó, thực tiễn xét xử cũng có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, Hợp đồng 03 vô hiệu do Công ty S bị nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa. Từ thực tiễn xét xử cho thấy, Tòa án nhân dân Q3, tỉnh H đang đồng tình với quan điểm này. Tại Bản án sơ thẩm số 439/2016/KDTM-ST ngày 19/4/2016, Tòa án nhân dân Q3, tỉnh H quyết định: Tuyên bố Hợp đồng 03 và Phụ lục hợp đồng 03 cùng ngày 27/12/2014 giữa Công ty S, Công ty N, Công ty A bị vô hiệu do nhầm lẫn. Lý do nhầm lẫn hay các tình tiết chứng minh sự nhầm lẫn thì trong bản án không chỉ rõ. Quan điểm thứ hai cho rằng, Hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối. Quan điểm này được Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh H đồng tình thông qua Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020, trong đó, xác định Hợp đồng 038, Hợp đồng 03 và Phụ lục hợp đồng 03 đều vô hiệu do lừa dối[8]. Tuy nhiên, dấu hiệu lừa dối hoặc các tình tiết chứng minh bên bán đã lừa dối thì nội dung Quyết định này cũng chưa thể hiện rõ ràng.

Qua hai quan điểm trên, tác giả nhận thấy rằng, cùng là tình tiết “bên bán đưa ra thông tin không đúng về xuất xứ hàng hóa” nhưng quan điểm xét xử của các Tòa án chưa có sự thống nhất. Có Tòa án nhận định đó là dấu hiệu của lừa dối, có Tòa án lại nhận định đó là sự nhầm lẫn nhưng không giải thích rõ tại sao lại là lừa dối hoặc nhầm lẫn. Như vậy, việc hai Tòa án xét xử có quan điểm khác nhau về “hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn” hay “hợp đồng vô hiệu do lừa dối” đã đặt ra vấn đề cần giải thích rõ ràng về cách hiểu “nhầm lẫn” và “lừa dối”.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa

Hiện nay, quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa được điều chỉnh bởi Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Hai đạo luật này được ban hành cách khá xa nhau, do đó, một số quy định của Luật Thương mại năm 2005 đã không còn phù hợp và cần phải thay thế kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cần tiếp tục quy định rõ ràng hơn về hợp đồng nói chung để bảo đảm sự áp dụng pháp luật được minh bạch, thống nhất giữa các cơ quan xét xử. Chỉ khi cả hai đạo luật đồng thời có sự sửa đổi, bổ sung thì những vấn đề bất cập về hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa mới có thể được khắc phục. Theo đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, Luật Thương mại năm 2005 cần sửa đổi khái niệm về thương nhân, theo đó, bỏ đăng ký kinh doanh là điều kiện để nhận diện thương nhân. Thời gian qua, ở nước ta, có số lượng lớn người kinh doanh hàng “xách tay”, bán hàng online không cần cửa hàng kinh doanh với mức thu nhập rất cao vì không phải nộp thuế, không mất chi phí đầu tư cơ sở kinh doanh[9]. Tuy không đăng ký kinh doanh nhưng họ vẫn đang tiến hành các hoạt động thương mại có lợi nhuận. Do đó, sử dụng tiêu chí “đăng ký kinh doanh” để nhận diện thương nhân không còn thực phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Chế định thương nhân được một số nước trên thế giới quy định đều dựa trên những tiêu chí đơn giản, đi sâu vào bản chất khái niệm. Pháp luật các nước thường xác định điều kiện trở thành thương nhân dựa trên yếu tố cơ bản nhất là thực hiện hoạt động thương mại. Theo tác giả, định nghĩa về thương nhân nên quy định như sau: “Thương nhân là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại độc lập và thường xuyên”. Thương nhân bao gồm thương nhân đăng ký kinh doanh và thương nhân thực tế. Thương nhân thực tế là các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại nhưng không đăng ký kinh doanh. Đây cũng là quan điểm được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận như Đức, Pháp. Pháp luật Pháp không đưa tiêu chí để trở thành thương nhân phải đăng ký kinh doanh mà chỉ áp dụng tiêu chí thương nhân là người thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên hoặc thể hiện dưới các hình thức công ty thương mại[10]. Tương tự, Bộ luật Thương mại Đức năm 1897 cũng nhìn nhận rằng, thương nhân theo nghĩa của Bộ luật này là người tiến hành một hoạt động kinh doanh thương mại; thương nhân được phân loại thành: Thương nhân đương nhiên và thương nhân do đăng ký vào danh bạ thương mại[11]. Thương nhân đương nhiên là những chủ thể tiến hành hoạt động thương mại như một nghề nghiệp, thường xuyên, liên tục và độc lập, tìm kiếm lợi nhuận. Họ không bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh nhưng vẫn tiến hành các hoạt động thương mại hợp pháp. Cách quy định như vậy nhằm giảm tải các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh không cần thiết. Đây cũng là một quan điểm tiến bộ, phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hướng tới một nền hành chính đơn giản, gọn nhẹ và thuận lợi.

Thứ hai, quy định rõ ràng về thuật ngữ “nhầm lẫn” trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong ví dụ cụ thể nêu trên, có thể thấy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định là có nhầm lẫn nhưng không lý giải tại sao đó là nhầm lẫn. Bởi vì, Bộ luật Dân sự năm 2015 là đạo luật gốc quy định hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn nhưng không có định nghĩa “nhầm lẫn” nên Tòa án cũng chỉ có thể xác định các chủ thể đã “nhầm lẫn” mà không đưa ra được dấu hiệu nhầm lẫn. Theo Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015, tiêu chí có hay không đạt được mục đích của giao dịch dân sự để xác định nhầm lẫn là điều kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, thực tế có phải trong mọi trường hợp, khi một hoặc các bên của giao dịch không đạt được mục đích của giao dịch thì đều có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và không có ngoại lệ cho trường hợp này[12]? Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Khảo cứu pháp luật một số quốc gia trên thế giới, tác giả thấy rằng, không nên xác định chỉ căn cứ vào mục đích của giao dịch có đạt được hay không để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Theo Điều 1130 Bộ luật Dân sự Pháp, thì nhầm lẫn, lừa dối, cưỡng ép chỉ bị coi là căn cứ vô hiệu hợp đồng khi nó mang tính quyết định dẫn đến việc ký hợp đồng[13]. Tức là, nếu không bị tác động bởi những yếu tố đó thì một bên đã không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng với những nội dung khác. Còn trường hợp một bên bị nhầm lẫn, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép nhưng nếu đó không phải lý do quyết định cho việc ký kết hợp đồng thì không bị coi là căn cứ hủy hợp đồng. Theo Bộ luật Dân sự Liên bang Nga năm 2008, hợp đồng ký kết do bị nhầm lẫn nghiêm trọng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi có yêu cầu của bên bị nhầm lẫn[14]. Nhầm lẫn nghiêm trọng là nhầm lẫn liên quan đến bản chất của hợp đồng hoặc liên quan đến những đặc tính của đối tượng làm giảm khả năng sử dụng của chúng theo mục đích. Nhầm lẫn liên quan đến động cơ của giao dịch không được coi là có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Do đó, hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn nhưng hậu quả pháp lý sẽ khác nhau phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của sự nhầm lẫn. Đây là những nội dung mà Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể tham khảo để hoàn thiện các quy định về hợp đồng vô hiệu nói chung và hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn nói riêng./.


[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài: “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán của Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội.

[2]. Phan Huy Hồng (2005), “Bàn về năng lực pháp luật của pháp nhân kinh doanh”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 5/2005, tr. 54 – 59.

[3]. https://thegioiluat.vn/an-le/quyet-dinh-03-2003-hdtp-kt-vu-an-tranh-chap-hop-dong-mua-ban-xe-o-to-tra-cham-30/.

[4]. GS. TS. Đỗ Văn Đại, “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và Bình luận bản án”, tập 2, Nxb. Hồng Đức, 2023, tr. 44.

[5]. Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[6]. Đỗ Văn Đại, “Nhầm lẫn trong chế định hợp đồng: Những bất cập và hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự”, vibonline.com.vn.

[7]. Hà An, “Kỳ án tranh chấp hợp đồng mua máy in kéo dài 8 năm: Tạm ngừng phiên tòa để giám định máy”, https://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/hoan-phien-toa-de-giam-dinh-may_154151.html.

[8]. https://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta1194236t1cvn/Saigonbook_congbo.pdf.

[9]. TS. Trần Thị Bảo Ánh & TS. Nguyễn Thị Yến, “Đánh giá quy định của Luật Thương mại năm 2005 về thương nhân và hoạt động thương mại”, Hội thảo “Luật Thương mại năm 2005 – Thực tiễn thi hành và yêu cầu sửa đổi trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2021, tr. 6.

[10]. TS. Nguyễn Thị Dung, “Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 684.

[11]. Lê Thị Lợi, “Tổng quan về pháp luật thương mại Cộng hòa Liên bang Đức”, Tạp chí Luật học, số 9/2011.

[12]. Trịnh Tuấn Anh, “Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn – Thực trạng và hướng hoàn thiện”, https://tapchitoaan.vn/hop-dong-vo-hieu-do-nham-lan-thuc-trang-va-huong-hoan-thien.

[13]. ThS. Nguyễn Huy Hoàng Nam, “Pháp luật một số quốc gia về hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý”, Hội thảo “Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu”, Trường Đại học Luật Hà Nội, tháng 11/2022, tr. 34.

[14]. Điều 157 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga năm 2008, https://www.wto.org/english/thewto_e/acc_e/rus_e/wtaccrus58_leg_360.pdf.


(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 405), tháng 5/2024)


Xem thêm: 

Các trường hợp chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Quy định về hợp đồng cho thuê tài chính 


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *