Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi cố ý xâm phạm chỗ ở của người khác trái pháp luật. Hành vi phạm tội này xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người, của công dân là quyền dân sự cơ bản của con người, của công dân đã được Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 22. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
- Căn cứ pháp lý
Căn cứ Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác:
“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Dấu hiệu cấu thành tội phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác
2.1. Chủ thể
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người thực hiện tội xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể là bất kì ai (công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch) từ đủ 16 tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự (có năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi).
2.2. Khách thể
Các hành vi kể trên đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân (Điều 22 Hiến pháp 2013), ở đây là người có nhà bị người khác xâm nhập trái phép.
2.3. Mặt khách quan
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác thể hiện qua 04 hành vi chính như sau:
Thứ nhất, hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Khám xét trái pháp luật là hoạt động khám xét nơi ở của người khác khi trái với quy định tại Điều 192, Điều 193, Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Điều 192 quy định về căn cứ khám xét chỗ ở như sau:
- Việc khám xét chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
- Việc khám xét chỗ cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Thứ hai, hành vi đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ.
- Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng các thủ đoạn khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở của họ trái với ý chí của người đó. Ngoại trừ những trường hợp thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi,… theo quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Lưu ý: Nếu việc thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi…không tuân thủ các quy định của pháp luật cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Thứ ba, hành vi chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.
- Dùng mọi thủ đoạn để chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.
- Ví dụ: Tự ý mang đồ đạc vào chỗ ở của người khác, vứt đồ đạc người khác ra; ngăn cản không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở vào chỗ đang ở, …
Thứ tư, hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
- Hành vi tự ý xâm nhập vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý hay cho phép của người đó.
- Ví dụ: Đột nhập vào chỗ ở của người khác (lẻn vào nhà người khác bằng cửa sổ, …)
2.4. Mặt chủ quan
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được thực hiện do lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Người phạm tội nhận thức rõ mức độ nguy hiểm từ hành vi của mình, nhìn thấy trước hậu quả nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
3. Khung hình phạt tội phạm tội xâm phạm chỗ ở
– Khung 01: Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm trong trường hợp sử dụng một trong các hành vi dưới đây xâm nhập chỗ ở của người khác:
Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
– Khung 02: Phạt tù từ 01 – 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Có tổ chức;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Phạm tội 02 lần trở lên;
Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Hình phạt bổ sung: Trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 – 05 năm.
Xem thêm:
Tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS)
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel