Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam

Tranh chấp kinh doanh, thương mại là một hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra trong hoạt động của nền kinh tế thị trường. Hiện nay, các tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết bởi một trong bốn phương thức giải quyết các tranh chấp thương mại, trong đó có hai phương thức phổ biến là hòa giải và trọng tài. Bài viết này tác giả tập trung nghiên cứu, đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam hiện nay.

Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam

TS. Trương Thế Công – Học viện Tư pháp

Đặt vấn đề

Trên thế giới, giải quyết tranh chấp (GQTC) kinh doanh, thương mại (KDTM) theo phương thức hòa giải và trọng tài hay còn gọi là phương thức GQTC tư, phương thức GQTC ngoài Tòa án, phương thức thay thế khác (ADR) có nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo mật, giúp các bên có thể duy trì mối quan hệ thương mại nên thường được các bên tranh chấp lựa chọn áp dụng. GQTC KDTM theo phương thức ADR đã xuất hiện từ rất lâu, phổ biến, hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Để hài hòa pháp luật, thúc đẩy việc GQTC theo phương thức ADR phát triển, Ủy ban Liên hợp quốc về Thương mại quốc tế (Uncitral) đã ban hành Luật Mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế từ năm 1985 (được sửa đổi, bổ sung năm 2006) (Luật Mẫu về trọng tài của Uncitral) và Luật Mẫu về hòa giải thương mại quốc tế và Thỏa thuận hòa giải quốc tế năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) (Luật Mẫu về hòa giải của Uncitral).

Đối với Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 1993, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại (Nghị định số 22/2017/NĐ-CP) cùng với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các luật sửa đổi, bổ sung… tạo thành hệ thống các văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc GQTC KDTM theo phương thức ADR phát triển. Tuy nhiên, qua hơn 13 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và hơn 07 năm thi hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, nhất là qua thực tế GQTC cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về GQTC KDTM còn nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thực sự phù hợp với thực tế, chưa tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động GQTC KDTM theo cơ chế ADR phát triển. Nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bài viết phân tích và đề xuất một số định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải và trọng tài để phù hợp với các Luật Mẫu, thông lệ quốc tế và nhất là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

1. Định hướng hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải và trọng tài phải bảo đảm các định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy việc GQTC KDTM theo phương thức ADR nhằm giảm tải áp lực giải quyết công việc cho hệ thống Tòa án, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, hoà giải) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế. Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là các điều ước liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, quyết định trọng tài thương mại”; “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”; “nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải, trọng tài thương mại”; “kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với phương pháp tố tụng tư pháp”. Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật GQTC KDTM theo phương thức hòa giải và trọng tài phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về hội nhập quốc tế…

Thứ hai, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi cao.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao là yêu cầu, đòi hỏi bắt buộc của Việt Nam trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần phải nghiên cứu xây dựng Luật Hòa giải thương mại; hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến GQTC KDTM bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, các văn bản pháp luật được ban hành phải giải quyết được các tranh chấp KDTM phát sinh trên thực tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung và phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh hiểu theo đa nghĩa… để áp dụng thống nhất, đồng bộ trên thực tế.

Thứ ba, bảo đảm phù hợp pháp luật và thông lệ quốc tế.

Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hội nhập sâu, rộng, toàn diện vào đời sống quốc tế nên hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài nói riêng cần phải được xây dựng, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và phải hài hòa với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam được ban hành sau Luật Mẫu về hòa giải của Uncitral và Luật Mẫu về trọng tài của Uncitral nên nhiều điều, khoản của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam đã quy định theo các Luật Mẫu đó nhưng Việt Nam chưa được coi là quốc gia áp dụng các Luật Mẫu của Uncitral. Vì vậy, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần được sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với các Luật Mẫu của Uncitral để thúc đẩy việc GQTC KDTM theo phương thức hòa giải và trọng tài, qua đó tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, các Luật Mẫu của Uncitral cũng chưa bao quát được hết những vấn đề có liên quan đến việc GQTC KDTM theo phương thức hòa giải và trọng tài nên Việt Nam cần phải nghiên cứu, học hỏi thêm các quy định pháp luật về hòa giải và trọng tài của một số nước để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài, phù hợp với bối cảnh, đặc thù của Việt Nam. Đặc biệt, pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài của Việt Nam phải phù hợp với các cam kết quốc tế, các công ước, tổ chức quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải và trọng tài.

2. Một số kiến nghị, đề xuất cụ thể hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài 

2.1. Mở rộng và quy định cụ thể, rõ hơn phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của hòa giải, trọng tài thương mại

Điều 2 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định hòa giải thương mại, trọng tài có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp: (i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại, trọng tài. Qua thực tiễn GQTC cho thấy, còn có những cách hiểu, áp dụng khác nhau về quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số  22/2017/NĐ-CP và khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Có quan điểm cho rằng, với các quy định này thì chỉ cần một bên tranh chấp có hoạt động thương mại thì tranh chấp đó có thể được giải quyết theo phương thức hòa giải, trọng tài mà không phụ thuộc vào bản chất của quan hệ tranh chấp có liên quan đến hoạt động thương mại hay không. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 2 vẫn phải phù hợp với tinh thần chung của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, đó là tranh chấp phải liên quan đến hoạt động thương mại. Cho nên, khi xem xét tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của hòa giải thương mại, trọng tài hay không thì phải quan tâm đến cả chủ thể các bên tranh chấp và bản chất của tranh chấp. Điều này có nghĩa, tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của hòa giải thương mại, trọng tài phải đáp ứng đầy đủ cả hai yếu tố về chủ thể và về bản chất. Về chủ thể thì ít nhất một bên có hoạt động thương mại và về bản chất tranh chấp thì phải liên quan đến hoạt động thương mại.

Đồng thời, Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chưa quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết của trọng tài đối với những tranh chấp mà chỉ có một bên có hoạt động thương mại và các tranh chấp không có tính thương mại hoặc tranh chấp dân sự khác, thậm chí, có quan điểm cho rằng, nên mở rộng thẩm quyền của trọng tài đối với cả tranh chấp lao động.

Vì vậy, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần sửa đổi, quy định theo hướng mở rộng hơn, cụ thể và rõ hơn về phạm vi thẩm quyền GQTC của hòa giải thương mại, trọng tài, tôn trọng tự do ý chí thỏa thuận giữa các bên tranh chấp. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nên quy định thẩm quyền của hòa giải thương mại, trọng tài theo phương pháp chọn bỏ và mở rộng tối đa thẩm quyền của hòa giải thương mại, trọng tài ra tất cả các lĩnh vực và chỉ loại trừ một số tranh chấp mà pháp luật không cho phép GQTC theo phương thức hòa giải hoặc trọng tài. Vì thế, các đạo luật khác chỉ cần quy định những tranh chấp không được giải quyết theo phương thức hòa giải và trọng tài. Việc quy định và mở rộng phạm vi thẩm quyền GQTC của hòa giải thương mại, trọng tài như vậy sẽ khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vừa thiếu, lại vừa thừa trong các văn bản pháp luật hiện nay và phù hợp với phạm vi giải quyết của các Luật Mẫu vì thuật ngữ thương mại theo các Luật Mẫu được hiểu theo nghĩa rộng.

2.2. Hoàn thiện các quy định về hòa giải viên thương mại, trọng tài viên

Các quy định về hòa giải viên thương mại và trọng tài viên cần phải được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể, rõ hơn, mang tính định lượng và chú trọng vào các tiêu chuẩn, điều kiện để nâng cao chất lượng GQTC KDTM theo phương thức hòa giải và trọng tài.

– Đối với hòa giải viên thương mại: Các quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại tại Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP còn chung chung, mang tính định tính, chưa chú trọng vào việc nâng cao chất lượng hòa giải. Vì thế, để nâng cao chất lượng GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP sửa đổi cần quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại cụ thể, rõ hơn, đưa ra các tiêu chuẩn mang tính định lượng, hạn chế tiêu chuẩn mang tính định tính và chú trọng vào các tiêu chuẩn về năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng của hòa giải viên như đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về hòa giải. Đồng thời, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP sửa đổi cần quy định về nội dung chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng cho hòa giải viên và mở rộng đối tượng được làm hòa giải viên thương mại như các chuyên gia pháp luật, giảng viên giảng dạy luật, công chứng viên, luật sư… để thu hút được những người có kiến thức, có kỹ năng, nghiệp vụ về pháp luật, về thực tiễn xã hội, hoạt động KDTM tham gia làm hòa giải viên.

– Đối với trọng tài viên: Để nâng cao chất lượng GQTC KDTM theo phương thức trọng tài, cần phải nâng cao chất lượng trọng tài viên. Vì vậy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần bổ sung và quy định trọng tài viên phải có năng lực trình độ chuyên môn tốt, có đạo đức nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có kiến thức pháp luật, đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về GQTC theo phương thức trọng tài. Cho nên, những người chưa có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về công tác pháp luật như các thương nhân, kỹ sư…, những người chưa có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về GQTC mà muốn trở thành trọng tài viên thì cần phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về trọng tài với thời gian từ 04 đến 06 tháng.

Đồng thời, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần quy định các biện pháp quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các trung tâm trọng tài trong việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm nâng cao chất lượng chuyên môn của trọng tài viên.

2.3. Bổ sung các quy định về áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài 

Hiện nay, chuyển đổi số trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi quốc gia và tổ chức trên thế giới. Ở Việt Nam, Tòa án đã thực hiện Tòa án điện tử và GQTC trực tuyến. Đồng thời, một số Trung tâm trọng tài ở Việt Nam đã quy định trong Quy tắc tố tụng trọng tài về hình thức phiên họp trực tuyến như khoản 2 Điều 25 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam quy định: “Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, video-conference hoặc các hình thức thích hợp khác nếu các bên có thỏa thuận”; hay Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hà Nội quy định về GQTC trực tuyến đối với các tranh chấp thương mại điện tử giá trị nhỏ (dưới 30 triệu), các tranh chấp tiêu dùng giá trị nhỏ (dưới 30 triệu), các tranh chấp thương mại xuyên biên giới (theo sự lựa chọn hình thức của các bên) hoặc các tranh chấp KDTM khác tại Việt Nam (giá trị dưới 30 triệu hoặc không giới hạn giá trị nếu các bên đều có chữ ký số).

Khảo cứu cho thấy, trên thế giới, nhiều nước cũng như nhiều trung tâm hòa giải, trung tâm trọng tài đã quy định về việc GQTC theo phương thức hòa giải, trọng tài bằng hình thức trực tuyến như: Ủy ban Trọng tài thương mại và Kinh tế quốc tế Trung Quốc (CIETAC), Tòa Trọng tài Quốc tế Thẩm Quyến (SCIA), Trung tâm Trọng tài Istanbul (ISTAC)… Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, việc GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài rất phù hợp với các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử đang phổ biến và phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Vì vậy, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc áp dụng, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và quy định cụ thể các yêu cầu, điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, bảo mật thông tin, an toàn an ninh mạng trong việc GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài bằng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả GQTC và tiết kiệm chi phí cho các bên.

2.4. Hoàn thiện một số quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải và trọng tài

2.4.1. Về việc giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải

Thứ nhất, Việt Nam cần tổng kết đánh giá Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và tiến tới xây dựng Luật Hòa giải thương mại để quy định các vấn đề có liên quan đến hoạt động hòa giải giải thương mại theo Luật Mẫu, phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, khắc phục những bất cập trong quy định của pháp luật hiện nay về việc GQTC KDTM theo phương thức hòa giải.

Luật Hòa giải thương mại cần bổ sung nguyên tắc tự quyết trong GQTC bằng hòa giải thương mại vì đây là nguyên tắc phản ánh rõ nhất bản chất khác biệt giữa hòa giải thương mại với trọng tài thương mại và các phương thức GQTC khác.

Thứ hai, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP chưa quy định rõ về thời điểm bắt đầu thủ tục hòa giải là từ khi nào, cho nên, khi xây dựng Luật Hòa giải thương mại cần quy định thủ tục hòa giải được coi là bắt đầu vào thời điểm các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận về việc tiến hành thủ tục hòa giải. Trường hợp bên đưa ra đề nghị hòa giải mà không nhận được trả lời đồng ý của các bên còn lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi đề nghị hòa giải hoặc trong thời hạn khác được ghi rõ trong đề nghị thì có nghĩa là bên/các bên được đề nghị từ chối tiến hành hòa giải. Việc quy định rõ, cụ thể thời điểm bắt đầu thủ tục hòa giải như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc GQTC KDTM theo phương thức hòa giải trên thực tế hiện nay và phù hợp với Luật Mẫu cũng như thông lệ quốc tế.

Thứ ba, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP mới chỉ quy định về nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại trong việc bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp và cấm tiết lộ thông tin vụ việc, khách hàng mà hòa giải viên thương mại biết được trong quá trình hòa giải trừ trường hợp được các bên chấp thuận đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, các quy định này còn rất chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Vì thế, khi xây dựng Luật Hòa giải thương mại cần quy định rõ, cụ thể hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức hòa giải và của hòa giải viên trong việc bảo mật các thông tin, tài liệu, chứng cứ, việc trao đổi giữa các bên, biên bản làm việc… liên quan đến vụ việc tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Việc pháp luật quy định cụ thể, chi tiết về việc bảo mật thông tin sẽ giúp cho các bên tranh chấp tin tưởng, cởi mở hơn trong việc cung cấp thông tin và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm giải pháp hòa giải và thực thi kết quả hòa giải được nhanh chóng, hiệu quả.

Thứ tư, hiện nay, các điều kiện để công nhận kết quả hòa giải thành được quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 mới chỉ đề cập đến các điều kiện về các bên tranh chấp mà không đề cập đến các điều kiện về hòa giải viên. Vì thế, trong trường hợp các bên lựa chọn một hòa giải viên thương mại mà không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì Tòa án có ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành hay không. Đồng thời, việc pháp luật không quy định điều kiện hòa giải viên là một trong những điều kiện bắt buộc để được công nhận kết quả hòa giải thành đã làm cho các quy định về tiêu chuẩn của hòa giải viên thương mại trong Nghị định số 22/2017/NĐ-CP không còn nhiều ý nghĩa vì việc lựa chọn hòa giải viên thương mại có đủ hay không đủ tiêu chuẩn thì kết quả hòa giải thành có thể vẫn sẽ được công nhận. Vì thế, khi xây dựng Luật Hòa giải thương mại và sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần hoàn thiện các quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành, trong đó có các quy định về các điều kiện, tiêu chuẩn của hòa giải viên thương mại. Đồng thời, các quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành cần phải mang tiêu chuẩn quốc tế, thông lệ quốc tế để thúc đẩy hoạt động GQTC KDTM theo phương thức hòa giải.

2.4.2. Về thủ tục giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài

Thứ nhất, bổ sung và hoàn thiện quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của trọng tài: Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chưa quy định về việc trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi Hội đồng trọng tài được thành lập, trong khi đó, các bên tranh chấp mà đề nghị Tòa án tham gia hỗ trợ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà trọng tài được áp dụng còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực tế hiện nay và chưa có cơ chế thi hành các quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của trọng tài viên. Vì thế, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần:

– Bổ sung các quy định về trọng tài viên khẩn cấp tạm thời và cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước thời điểm Hội đồng trọng tài được thành lập để phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp Hội đồng trọng tài chưa được thành lập.

– Sửa đổi Điều 49 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 theo hướng Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tương tự như thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để nâng cao chất lượng GQTC KDTM theo phương thức trọng tài.

– Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và cơ chế thi hành các quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của trọng tài viên.

– Ngoài ra, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không nên quy định quá chi tiết, cụ thể về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của trọng tài viên mà trao quyền cho các trung tâm trọng tài quy định để tạo sự linh hoạt trong hoạt động.

Thứ hai, bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia GQTC KDTM theo phương thức trọng tài. Khoản 3 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chỉ quy định người tham gia tố tụng trọng tài là nguyên đơn, bị đơn mà không quy định về người có quyền, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng trọng tài. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc tranh chấp, ngoài nguyên đơn, bị đơn còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cần phải tham gia tố tụng trọng tài thì mới bảo đảm được quyền lợi cho các bên có liên quan. Vì thế, khoản 3 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần sửa đổi và bổ sung các bên tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng phải bao gồm cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thứ ba, bổ sung quy định về thủ tục trọng tài rút gọn: Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chưa có quy định về thủ tục trọng tài rút gọn nên chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm trọng tài áp dụng để giải quyết, nhất là các vụ tranh chấp đơn giản, có giá trị nhỏ, nên chưa thúc đẩy việc GQTC KDTM mại theo phương thức trọng tài. Nghiên cứu cho thấy, nhiều trung tâm trọng tài trên thế giới đã quy định trong quy tắc tố tụng trọng tài và áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn với thời gian ngắn hơn, chi phí thấp hơn so với thủ tục trọng tài thông thường để áp dụng đối với các vụ việc đơn giản. Vì vậy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần quy định về thủ tục tố tụng trọng tài rút gọn để tạo cơ sở pháp lý cho các trung tâm trọng tài thực hiện, có như vậy mới tạo điều kiện và thúc đẩy việc GQTC KDTM theo phương thức trọng tài phát triển.

Thứ tư, cần hoàn thiện quy định về mất quyền phản đối: Điều 13 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định, trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định thì mất quyền phản đối tại trọng tài hoặc Tòa án. Điều này có nghĩa là một bên sẽ mất quyền phản đối nếu bên đó phát hiện vi phạm mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối. Tuy nhiên, trong trường hợp bên phát hiện vi phạm không phản đối và quyết định không tham gia tố tụng trọng tài nữa thì sẽ giải quyết như thế nào. Vì thế, Điều 13 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần quy định bổ sung về việc một bên sẽ mất quyền phản đối tại trọng tài hoặc Tòa án nếu bên đó phát hiện có vi phạm quy định của Luật Trọng tài thương mại hoặc của thỏa thuận trọng tài mà không phản đối những vi phạm đó trong thời hạn do pháp luật quy định cho dù bên đó lựa chọn không tham gia tố tụng trọng tài nữa.

Thứ năm, hoàn thiện về nội dung phán quyết và thời hạn ban hành phán quyết: Điểm c khoản 1 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định nội dung phán quyết trọng tài phải có nội dung chủ yếu “địa chỉ của trọng tài viên” là không cần thiết và đặc biệt, không nên coi đây là nội dung chủ yếu trong phán quyết trọng tài vì nếu coi là nội dung chủ yếu mà thiếu nội dung này sẽ bị coi là vi phạm tố tụng trọng tài. Nghiên cứu Luật Mẫu về trọng tài của Uncitral và pháp luật trọng tài của nhiều nước trên thế giới đều cho thấy không có quy định này. Đồng thời, khoản 3 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng, nghiên cứu Luật Mẫu về trọng tài của Uncitral và pháp luật trọng tài của nhiều nước cũng cho thấy không quy định thời hạn phải lập phán quyết trọng tài. Thực tiễn giải quyết tranh chấp có nhiều vụ việc phức tạp, nhiều trường hợp Hội đồng trọng tài không thể ban hành phán quyết trong thời hạn 30 ngày. Vì vậy, khoản 1 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần bỏ quy định nội dung phán quyết trọng tài phải có nội dung “địa chỉ của trọng tài viên” và khoản 3 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần nghiên cứu kéo dài thời hạn ban hành phán quyết trọng tài hoặc cho phép Hội đồng trọng tài được quyền gia hạn thời hạn ban hành phán quyết trọng tài đối với những vụ việc phức tạp thay vì quy định cố định 30 ngày như quy định hiện nay.

Ngoài ra, Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định căn cứ để xem xét, hủy phán quyết trọng tài chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất trên thực tế, nhất là căn cứ “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Khảo cứu cho thấy, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là những nguyên tắc nào nên quy định này có thể dẫn việc hiểu, áp dụng khác nhau trên thực tế. Vì thế, Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sửa đổi cần nghiên cứu và quy định rõ nội dung các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là những nội dung gì và những nguyên tắc nào để thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất trên thực tế.

Kết luận

Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý, góp phần quan trọng, tích cực thúc đẩy việc GQTC ngoài Tòa án tại Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trên thực tế cho thấy, pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài đã bộc lộ một số bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tế, chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu GQTC KDTM như quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, quy định về hòa giải viên, trọng tài viên, về thủ tục… Đồng thời, mặc dù được ban hành sau các Luật Mẫu nhưng nhiều điều khoản của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định chưa thực sự phù hợp với các Luật Mẫu và thông lệ quốc tế nên Việt Nam vẫn chưa được xem là quốc gia theo Luật Mẫu. Điều này tạo ra rào cản tương đối lớn cho hội nhập quốc tế khi Việt Nam chưa có cơ chế GQTC KDTM phù hợp với khung pháp lý chung toàn cầu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về GQTC KDTM theo phương thức hòa giải, trọng tài ở Việt Nam hiện nay phù hợp với Luật Mẫu, thông lệ quốc tế và nhất là phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết./.

Nguồn: Tạp chí Pháp lý


Xem thêm:

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài; bất cập và một số kiến nghị


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *