Quy định về quyền thay đổi họ, tên của cá nhân

Tên gọi không chỉ là một cách để nhận diện cá nhân mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần và văn hóa sâu sắc. Do đó, việc đặt tên thường được thực hiện với sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo mang lại may mắn và thịnh vượng cho người mang tên đó.

Nguồn: Internet

 

1. Quyền có họ, tên

Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có), họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Việc đặt tên là tùy thuộc vào mỗi cá nhân nhưng sẽ bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS 2015.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Ngoài ra, cá nhân hoàn toàn tự do trong việc sử dụng bí danh hay bút danh nhưng việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

2. Quyền thay đổi họ

Điều 27 BLDS 2015 quy định vè quyền thay đổi họ như sau:

“Điều 27. Quyền thay đổi họ

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.”

Như vậy, chỉ cá nhân thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 27 BLDS 2015 mới có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ.

3. Quyền thay đổi tên

Quyền thay đổi tên cũng được quy định rất cụ thể tại Điều 28 BLDS 2015, theo đó:

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
  • Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
  • Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
  • Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
  • Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
  • Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
  • Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Tương tự như quy định về việc thay đổi họ, việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó và việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.


Xem thêm:

Người dân có cần đi làm lại thẻ khi đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước?


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *