Hoàn thiện pháp luật về quyền phá thai của trẻ em ở Việt Nam

Quyền phá thai của trẻ em được xem xét ở nhiều phương diện khác nhau như tôn giáo, đạo đức, văn hóa, chính trị, pháp lý… Theo khía cạnh pháp lý, quyền phá thai của trẻ em ở mỗi quốc gia có những quy định khác nhau, bởi xuất phát từ những đặc thù về điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau, có quốc gia quy định về quyền phá thai của trẻ em có thể theo hướng cho phép hoặc ngăn cấm hoặc giới hạn. Ở Việt Nam, quyền phá thai của trẻ em đang có nhiều tranh luận khác nhau và vẫn còn là một khoảng trống pháp lý, nhưng thực tế tình trạng trẻ em nói riêng và người dưới 18 tuổi nói chung phá thai ngày càng gia tăng. Để bảo vệ trẻ em dưới góc độ quyền con người, tác giả bài viết phân tích, luận giải sự cần thiết và cơ sở hoàn thiện pháp luật về quyền phá thai của trẻ em Việt Nam.

Hoàn thiện pháp luật về quyền phá thai của trẻ em ở Việt Nam

TS. Tăng Thị Thu Trang – Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Sự cần thiết quy định về quyền phá thai của trẻ em
Trên thế giới, quy định pháp luật về phá thai đã được ban hành và có hiệu lực ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu từ Liên hợp quốc, hơn 97% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cho phép phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Trong đó, hơn 50% các quốc gia cho phép phá thai khi sức khỏe của thai phụ bị đe dọa, 49% các quốc gia cho phép phá thai khi bị khiếm khuyết hoặc việc mang thai là kết quả của hành vi tội phạm tình dục. Chỉ khoảng 34% các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế – xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu[1].

Pháp luật quốc tế và pháp luật mỗi quốc gia có những quy định đặc thù về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Đối với vấn đề phá thai của phụ nữ nói chung và trẻ em nói riêng, dưới góc độ pháp lý, có quốc gia quy định cho phép, có quốc gia ngăn cấm và có quốc gia thì giới hạn; vậy những quy định nào của pháp luật bảo đảm cho sự an toàn, quyền tự do định đoạt, lựa chọn của trẻ em, cần phải có những nghiên cứu ở mỗi quốc gia dựa trên cơ sở sự phù hợp về điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Thực tiễn cho thấy, nếu trẻ em thực hiện quyền của mình là phá thai thì chính các em đã trực tiếp xâm hại đến quyền cơ bản là quyền sống của thai nhi. Ngược lại, quyền sống của thai nhi có thể phương hại đến quyền định đoạt, tự do lựa chọn hợp pháp của trẻ em. Giữa hai chủ thể này luôn có sự mâu thuẫn về quyền, không thể bảo vệ tuyệt đối quyền của chủ thể này mà không phương hại đến lợi ích của chủ thể kia. Nếu luật pháp cấm hoàn toàn quyền phá thai của trẻ em sẽ phương hại đến quyền định đoạt, tự do lựa chọn của trẻ em, nhưng nếu cho phép hoàn toàn việc trẻ em phá thai thì sẽ dẫn đến tình trạng phá thai bừa bãi và phương hại đến quyền sống của thai nhi. Như vậy, quy định trẻ em có quyền phá thai nhưng giới hạn trong từng trường hợp cụ thể là sự cần thiết ở Việt Nam hiện nay để bảo đảm giải quyết được các mâu thuẫn, cân bằng lợi ích giữa hai chủ thể, bảo đảm sự an toàn tính mạng cho trẻ em, tránh trường hợp trẻ em tự phá thai bằng thuốc hoặc đến các cơ sở phá thai không an toàn; và bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với tiêu chí hoàn thiện pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân[2].

2. Cơ sở pháp lý về quyền trẻ em và thai nhi
Quyền trẻ em được hiểu là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em, ở mỗi quốc gia khác nhau, mỗi độ tuổi khác nhau thì trẻ em được hưởng quyền và gánh vác những nghĩa vụ khác nhau. Quyền trẻ em dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, được phân chia thành 4 nhóm đó là: quyền sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia[3].

Quyền sống: Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ; không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Trẻ em có quyền được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời.
Quyền được phát triển: Gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha, mẹ để có thể phát triển hài hòa.
Quyền được bảo vệ: Bao gồm những quy định như trẻ em phải được bảo vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Trẻ em còn được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư.
Quyền được tham gia: Tạo mọi điều kiện cho trẻ em được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ em còn có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hòa bình, được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin và chọn lựa thông tin phù hợp.

Thai nhi được coi là trẻ em không? Có được hưởng đầy đủ các quyền con người, quyền trẻ em không? Và khi nào, trong điều kiện hoàn cảnh nào trẻ em được quyền phá thai (chẳng hạn, người mẹ dưới 16 tuổi được phá thai khi thai nhi ở tuần tuổi cụ thể nào đó hoặc không phụ thuộc vào tuần tuổi; người mẹ dưới 16 tuổi được phá thai vì có thai do bị xâm hại tình dục hoặc người mẹ dưới 16 tuổi được phá thai vì có thai nhưng thai nhi bị khuyết tật…)? Đây là vấn đề cần phải có những nghiên cứu thấu đáo thì mới có thể xây dựng được khung pháp lý đầy đủ bảo vệ quyền của các em trong những trường hợp cụ thể ở Việt Nam.

Thai nhi được coi là trẻ em hay không thì cả góc độ pháp luật quốc tế và quốc gia đều không có quy định cụ thể nhưng có những quy định gián tiếp về thai nhi và các quy định này còn thiếu rõ ràng, tản mạn, rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu tính đồng bộ.

Trên bình diện quốc tế, hầu hết các văn bản pháp luật quốc tế không đưa ra khái niệm hay chỉ rõ thời điểm xác định sự bắt đầu của một con người/trẻ em – đối tượng được hưởng quyền con người. Tuy nhiên, dù không trực tiếp quy định thai nhi là con người/trẻ em, nhưng pháp luật quốc tế về quyền con người nói chung, quyền trẻ em nói riêng đã gián tiếp thừa nhận thai nhi là trẻ em, cụ thể:
(i) Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) quy định tại khoản 5 Điều 6 như sau: “Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”. Việc cấm tuyên án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai nhằm mục đích bảo vệ quyền sống của thai nhi, bất kể pháp luật của các quốc gia thành viên có quy định thai nhi là con người/trẻ em hay không.
(ii) Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959,nguyên tắc 4 đã nêu: “Trẻ em phải được hưởng những lợi ích về an sinh xã hội. Trẻ phải được trưởng thành và phát triển trong môi trường sức khỏe: để đạt được điều này, phải có sự chăm sóc và bảo vệ đặc biệt cho cả trẻ và mẹ của trẻ, đầy đủ trước và sau khi sinh. Trẻ có quyền được hưởng các dịch vụ đầy đủ về dinh dưỡng, nhà ở, giải trí và y tế”.
(iii) Công ước về quyền trẻ em năm 1989, kế thừa tinh thần của Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959, trong Lời nói đầu đã nêu: “do còn con nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”. Khoản 2 Điều 6 Công ước này quy định: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em”. Theo đó, nhìn nhận quyền sống của trẻ em dưới góc độ bảo đảm điều kiện tồn tại của trẻ em gắn chặt với điều kiện phát triển của trẻ em ở nghĩa rộng, toàn diện hơn. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ quyền sống của thai nhi mà còn cho thai nhi điều kiện được chăm sóc đặc biệt để bảo đảm sự phát triển đầy đủ, toàn diện, về mọi mặt.

Từ cơ sở pháp lý nêu trên, có thể thấy pháp luật quốc tế không đưa ra quy định hay định nghĩa rõ ràng về thai nhi có là trẻ em hay không mà chỉ đưa ra sự ràng buộc đối với các quốc gia có nghĩa vụ nhất định trong việc bảo vệ sự sống của trẻ em từ khi còn là bào thai, cho dù sự bảo vệ đó không đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền sống của một tự nhiên nhân, mà thông thường thể hiện gián tiếp, chủ yếu qua các chính sách chăm sóc sức khỏe của người mẹ và trẻ em. Như vậy, có thể hiểu rằng, ở góc độ pháp luật quốc tếđã ghi nhận gián tiếp việc bảo vệ thai nhi về mặt pháp lý lẫn chăm sóc trên thực tế. Trên cơ sở đó, thai nhi được bảo vệ các quyền con người cơ bản như: quyền sống, quyền được ăn, quyền được nghỉ ngơi, quyền được chăm sóc, quyền được bảo vệ… cả trước và sau khi sinh, trong đó, quyền sống là quyền cơ bản, cố hữu và quan trọng nhất. Sự sống còn và phát triển của trẻ em phải được các quốc gia bảo đảm đến mức tối đa (Điều 6 Công ước về quyền trẻ em năm 1989).

Ở Việt Nam,trong các văn bản quy phạm pháp luật đã không thừa nhận thai nhi là trẻ em để được bảo vệ tuyệt đối và có phần nào đó thừa nhận việc phá thai:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của thai nhi chưa chào đời tránh khỏi những nguy cơ bị xâm hại, đồng thời gia tăng khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng đối với trường hợp xâm phạm đến phụ nữ mang thai, cụ thể như:
Khoản 4 Điều 36: “Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi…”.
Khoản 2, khoản 3 Điều 40: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với …, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi…; Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi…”.
Điểm n khoản 1 Điều 51 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có trường hợp: “Người phạm tội là phụ nữ có thai”.
Điểm i khoản 1 Điều 52 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó có trường hợp: “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai…”.
Điểm b khoản 1 Điều 67 quy định hoãn chấp hành hình phạt tù, trong đó có trường hợp: “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi…”.
Điểm c khoản 1 Điều 123 quy định tội giết người: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: “Giết phụ nữ mà biết là có thai”.
Điều 316 quy định về việc: “Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác” trong những trường hợp nhất định có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm và cao nhất là 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý đối với vấn đề phá thai trái phép, tuy nhiên có thể thấy rõ việc xử lý trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng khi hành vi đó “gây thiệt hại cho tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”. Như vậy, chủ thể chịu sự điều chỉnh ở đây một bên là người thực hiện hành vi phá thai trái phép và một bên người mang thai. Trong khi đó, chủ thể quan trọng nhất trong mối quan hệ nêu trên là thai nhi, thì pháp luật lại bỏ ngỏ, chưa đề cập tới. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật không quy định việc phá thai hợp pháp nhưng với quy định trên, vô hình trung, đã thừa nhận có hành vi phá thai hợp pháp.
Bên cạnh đó, theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội.

Thực tế Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề mua bán thai nhi. Do vậy, cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.
– Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989,Điều 44 quy định: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng…”, dù được ban hành đã lâu (35 năm), nhiều điều khoản trong đó có thể đã không còn phù hợp với thay đổi của thực tiễn, tuy nhiên, Luật này vẫn đang còn hiệu lực pháp lý. Chính vì vậy, đây vẫn là cơ sở để thừa nhận quyền phá thai của phụ nữ.
– Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo đó, tại Phần VIII – Phá thai an toàn đã nêu: “Phá thai là chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi”. Như vậy, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hướng dẫn này của Bộ Y tế cũng vô hình trung thừa nhận việc phá thai dưới 22 tuần, không thừa nhận quyền sống của thai nhi, không coi hành vi phá thai dưới 22 tuần là hành vi vi phạm pháp luật.
– Bộ luật Dân sự năm 2015:
Khoản 3 Điều 16 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân… có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”. Theo như quy định trên, năng lực pháp luật dân sự có từ khi người đó sinh ra, do vậy thai nhi trong bụng mẹ không được coi là người có năng lực pháp luật dân sự.
Điểm a khoản 2 Điều 593 quy định: “Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây: Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân…”.
Điều 613 quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”.
Khoản 1 Điều 660 quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng”.

Như vậy, tuy không có quy định cụ thể nào của pháp luật dân sự về bảo vệ quyền lợi của thai nhi nhưng căn cứ các quy định trên, thai nhi vẫn được pháp luật bảo vệ quyền lợi trong những trường hợp nhất định. Cụ thể, thai nhi là con của người chết và còn sống sau khi được sinh ra sẽ được hưởng tiền cấp dưỡng đến khi đủ mười tám tuổi và thai nhi cũng được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật.
– Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo quy định tại Điều 100 quy định hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính, trong đó xác định hình thức xử phạt chính là phạt tiền và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề…, tùy từng hành vi mà có thể xử lý là khác nhau như: hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi; hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính…

Rõ ràng về mặt pháp lý, thai nhi không được xem là một con người hay trẻ em cho đến khi sinh ra và còn sống. Chính vì vậy mà hành vi phá thai, đe dọa, dùng vũ lực ép buộc hoặc tiếp tay cho hành vi phá thai không bị coi là hành vi giết người, giết trẻ em. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại có rất nhiều quy định gián tiếp thừa nhận những quyền lợi của một thai nhi như một con người. Như vậy, ngay bản thân quy định pháp luật Việt Nam còn có những điểm chưa nhất quán về vấn đề này.

Quyền phá thai của trẻ em có được phép hay không và cần thực hiện quyền đó như thế nào, trong những trường hợp nào nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em? Đây là vấn đề cần có được câu trả thỏa đáng về mặt pháp lý ở Việt Nam trong thời gian tới.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền phá thai của trẻ em ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó, mỗi năm có khoảng 300.000 ca phá thai ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được báo cáo tại những cơ sở y tế công, số lượng thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều. Điều đáng nói, việc phá thai có thể để lại nhiều di chứng cho phụ nữ là người dưới 18 tuổi sau này.
Trong số hàng trăm triệu ca mang thai mỗi năm trên thế giới, có hơn 40% là mang thai ngoài ý muốn. Phần đông trong đó lại là những trường hợp mang thai của người dưới 18 tuổi. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tạo gánh nặng cho xã hội[4].

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mang thai ở người dưới 18 tuổi không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, thể chất, tinh thần. Điều này còn làm mất đi tiềm năng ở các bé gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo.

Một số rủi ro thường xảy ra khi sinh con ở người dưới 18 tuổi bao gồm nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn. So với các bà mẹ sinh con khi ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với nhóm các em gái sinh con dưới 15 tuổi. Các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao gấp 3 lần so với các nhóm khác[5].

Quan trọng hơn, sinh con sớm khiến các em gái phải chịu áp lực trong sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi các em chưa đủ trưởng thành. Điều này làm hạn chế khả năng ra quyết định và hạn chế sự lựa chọn trong cuộc sống của chính các em.

Vì vậy, ở Việt Nam, để cấm tuyệt đối việc nạo, phá thai của trẻ em là điều không dễ dàng, do đó, có thể nghiên cứu, xem xét hoàn thiện khung pháp lý về quyền nạo, phá thai của trẻ em trong những giới hạn nhất định. Tác giả đề xuất hoàn thiện pháp luật về quyền nạo, phá thai của trẻ em trong những trường hợp sau:

Thứ nhất, cho phép trẻ em[6] có quyền nạo, phá thai khi sức khỏe bị ảnh hưởng. Hiến pháp năm 2013 quy định, ai cũng có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em có quyền sống (Điều 12), trẻ em có quyền được chăm sóc sức khỏe (Điều 14)… Do vậy, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và phát triển chưa đầy đủ về thể chất, nhận thức, trẻ em có thai càng cần phải được bảo vệ đặc biệt. Đối với trường hợp trẻ em có thai mà thai nhi gây ảnh hưởng cho sức khoẻ của người mẹ, nếu kiên quyết bảo vệ quyền sống cho thai nhi và bỏ qua quyền sống của trẻ em là vi phạm quyền con người, quyền trẻ em. Nên trong trường hợp này, cần thiết phải ban hành quy định đối với trẻ em có thai nhưng thai nhi ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, người mẹ có quyền nạo, phá thai. Bên cạnh đó, cần xác định điều kiện ảnh hưởng sức khỏe của người mẹ là trẻ em khi có giám định của một bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện/cơ sở ý tế có thẩm quyền. Thai phụ sẽ được cấp giấy xác nhận về việc tiếp tục mang thai gây ảnh hưởng sức khoẻ. Tuy nhiên, quy định này có thể dẫn tới vấn nạn tiêu cực như hành vi mua chuộc bác sĩ, quy định của luật cần bắt buộc sự xác nhận của bác sĩ như ký tên hay điểm chỉ vào giấy giám định, trường hợp phát hiện sai phạm sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề và xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ hai, cho phép trẻ em có quyền nạo, phá thai khi thai nhi bị khuyết tật. Ở góc nhìn nhân đạo, nếu buộc trẻ em sinh ra đứa con bị khuyết tật, điều này vừa ảnh hưởng tâm lý, vừa không đem lại hạnh phúc cho trẻ em và những người có liên quan, đặc biệt bản thân đứa trẻ được sinh ra sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày dẫn đến tự ti, thậm chí là cảm thấy đau khổ, bất hạnh. Dưới góc độ kinh tế, phần lớn trẻ em bị khuyết tật còn là gánh nặng đối với gia đình và xã hội, có thể tác động không tốt tới kinh tế gia đình và việc nuôi dạy, bảo đảm cho tương lai của đứa trẻ là điều không dễ dàng. Chính vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng, cần hợp pháp hoá trẻ em có quyền phá thai trong mọi giai đoạn của thai kỳ khi phát hiện thai nhi bị khuyết tật. Việc chấm dứt thai kỳ phải được thực hiện dựa trên giấy chứng nhận giám định thai nhi bị khuyết tật, không có khả năng phát triển bình thường. Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích việc sàng lọc trước khi sinh để có thể phát hiện và can thiệp kịp thời trong trường hợp rủi ro này.

Thứ ba, cho phép trẻ em có quyền nạo, phá thai khi thai nhi ở bất kì tuần tuổi nào. Mặc dù pháp luật Việt Nam cấm quan hệ tình dục với người dưới 18 tuổi[7], tuy nhiên, tỷ lệ nạo phá thai ở người dưới 16 tuổi ngày càng tăng. Việc mang thai và sinh con ở độ tuổi này ảnh hưởng tiêu cực tới tâm sinh lý của các em như tai tiếng, áp lực của dư luận xã hội, gia đình, dòng tộc, gián đoạn học tập, lao động ảnh hưởng tới tương lai của các em…; thêm vào đó, cơ quan sinh dục của các em chưa hoàn thiện dễ dẫn đến các biến chứng thai sản, thậm chí tử vong. Vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung quy định của pháp luật cho phép phá thai ở mọi giai đoạn đối với người dưới 16 tuổi. Để được thực hiện việc nạo, phá thai, trẻ em phải xuất trình giấy tờ tùy thân để chứng minh, đồng thời có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam. Bên cạnh việc ban hành pháp luật, Việt Nam cần đẩy mạnh giáo dục giới tính, tình dục an toàn để có thể hạn chế mang thai ở người dưới 18 tuổi.

Thứ tư, cho phép trẻ em nạo, phá thai nếu việc mang thai của trẻ em là do bị cưỡng hiếp. Hiếp dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định từ Điều 141 đến Điều 144 về các tội như tội hiếp dâm, cưỡng dâm trong đó bao gồm việc “làm nạn nhân có thai”. Như vậy, hành vi cưỡng hiếp làm cho nạn nhân có thai sẽ phải gánh chịu trách nhiệm hình sự. Trong quá trình Bộ Y tế lấy ý kiến Dự thảo Luật Dân số, đề xuất cấm phá thai trên 12 tuần tuổi cũng gặp rất nhiều những ý kiến trái chiều từ các nhà làm luật về cách giải quyết ngoại lệ liên quan đến hành vi cưỡng hiếp[8]. Có quan điểm cho rằng, trong xây dựng điều luật về cho phép trẻ em phá thai trên 12 tuần tuổi đối với hiếp dâm cần thiết phải yêu cầu nạn nhân đến cơ sở y tế hoặc cơ quan giám định gần nhất để tiến hành kiểm tra sức khỏe và giám định thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, giấy giám định do bệnh viện cung cấp theo yêu cầu sau quá trình giám định thương tật do bị xâm hại tình dục được quy định trong các thông tư của Bộ Y tế[9] sẽ là chứng cứ vững chắc cho người nạn nhân để được áp dụng ngoại lệ cho phép phá thai trên 12 tuần nếu nạn nhân mang thai ngoài ý muốn. Vì vậy, khi xây dựng điều luật cần thiết phải có các yêu cầu nạn nhân thực hiện thăm khám và giám định nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ. Khi áp dụng ngoại lệ liên quan đến trẻ em bị hiếp dâm vào thực tiễn pháp luật Việt Nam có thể nảy sinh một số bất cập. Một là, nếu nạn nhân là trẻ em chưa đủ khả năng để trình báo và thực hiện giám định thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người giám hộ, cơ quan chức năng hoặc áp dụng ngoại lệ liên quan đến người dưới 18 tuổi để phá thai ở bất kì giai đoạn nào nếu mang thai không mong muốn. Hai là, trẻ em là nạn nhân của hành vi hiếp dâm thường sợ hãi và do dự khi trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc trình báo về hành vi hiếp dâm và kiểm tra sức khỏe ngay sau đó không chỉ để trừng trị kẻ vi phạm pháp luật mà còn để bảo vệ cho chính trẻ em. Việt Nam cần chú trọng hơn việc giáo dục giới tính cho trẻ em, có thể đề cập đến những biện pháp xử lý khi không may là nạn nhân của hiếp dâm. Ngoài ra, xã hội cũng nên thay đổi góc nhìn thông cảm hơn cho nạn nhân để họ có đủ can đảm đứng lên tự bảo vệ mình. Ba là, cần thiết điều chỉnh hoặc hỗ trợ mức phí giám định phù hợp đối với trẻ em, giúp họ có thể tiếp cận được việc giám định khi rơi vào trường hợp này■

[1] Hải Minh (2020), Luật phá thai ở Việt Nam nghiêm ngặt tới mức nào so với thế giới?, https://vtv.vn/xa-hoi/luat-pha-thai-o-viet-nam-nghiem-ngat-toi-muc-nao-so-voi-the-gioi.html, truy cập ngày 25/6/2024.
[2] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
[3] Trung tâm nghiên cứu Quyền con người (2000), Quyền trẻ em, sách chuyên đề phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và thực hiện quyền trẻ em, tr. 49-50.
[4] VTV (2018), Việt Nam – Một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, https://vtv.vn/trong-nuoc/viet-nam-mot-trong-nhung-nuoc-co-ti-le-nao-pha-thai-cao-nhat-the-gioi.html, truy cập ngày 28/6/2024.
[5] Bích Huệ, Linh Thuỳ (2023), Trẻ vị thành niên tại Việt Nam mang thai và phá thai nhiều thế nào?, https://znews.vn/tre-vi-thanh-nien-tai-viet-nam-mang-thai-va-pha-thai-nhieu-the-nao-post.html, truy cập ngày 5/7/2024.
[6] Theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi.
[7] Điều 142, 144, 145 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[8] https://baodansinh.vn/de-xuat-cam-tu-do-pha-thai -tren-12-tuan-tuoi-16744.htm, truy cập ngày 07/7/2024.
[9] Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 21(500), tháng 11/2024)


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tikok: www.tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *