Bàn về “hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch” trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2023

Trong hoạt động đấu thầu, công bằng và minh bạch đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự minh bạch, công bằng và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực công cộng. Tuy nhiên, hành vi không bảo đảm công bằng và minh bạch không chỉ vi phạm các nguyên tắc căn bản của đấu thầu mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên tham gia, dẫn đến sự mất niềm tin và sự không tin cậy vào quy trình đấu thầu. Bài viết dưới đây của PGS.TS Nguyễn Thị Nhung có nêu ra và phân tích về hành vi không bảo đảm công bằng trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2023

BÀN VỀ “HÀNH VI KHÔNG BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG, MINH BẠCH” TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU THEO LUẬT ĐẤU THẦU NĂM 2023

PGS. TS. Nguyễn Thị Nhung

Trường Đại học Mở Hà Nội

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phí tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Hoạt động này luôn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm và nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn cho nền kinh tế[1]. Với những điểm mới được bổ sung, hoàn thiện, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 26/3/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 được kỳ vọng sẽ là “cú hích” lớn, một bước tiến thực sự có ý nghĩa nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập của luật hiện hành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm, đầu tư công, quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của Nhà nước, giải quyết những tồn động, vướng mắc hiện nay trong lựa chọn nhà thầu, thực hiện đầu tư, mua sắm công[2]. Đặc biệt, các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 (trước đây là Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013) là một trong những nội dung được sửa đổi và nhận được nhiều sự quan tâm. Việc xác định hành vi nào được coi là “hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ngoài việc áp dụng hậu quả pháp lý trực tiếp phát sinh từ hành vi này đối với các chủ thể có liên quan dưới góc độ của Luật Đấu thầu còn có thể áp dụng các chế tài khác về hành chính, hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải khi nào nhận định về “hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch” cũng có sự đồng thuận trong cách tiếp cận và xác định được rõ, đặc biệt đặt trong bối cảnh quy định của pháp luật về nội dung này còn nhiều yếu tố mang tính định tính, chưa mang tính định lượng hoặc yếu tố định lượng chưa rõ ràng.

1. Một số vấn đề lý luận về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu

Thứ nhất, xét về nguyên tắc: Nguyên tắc bảo đảm công bằng, minh bạch cần được thực hiện triệt để trong suốt quá trình đấu thầu, có như vậy mới bảo đảm được ý nghĩa của đấu thầu trên thực tế. Bởi lẽ, đấu thầu là sự cạnh tranh giữa các nhà thầu, các nhà thầu đều cố gắng có được gói thầu nên sự cạnh tranh diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Các nhà thầu dùng nhiều biện pháp khác nhau để thể hiện ưu thế của mình sao cho có được gói thầu. Tuy nhiên, nếu quy trình, thủ tục đấu thầu được pháp luật quy định chặt chẽ, công minh sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, nghĩa là các nhà thầu khi tham gia đều được hưởng những cơ hội, điều kiện ngang nhau trong suốt quá trình đấu thầu. Bên mời thầu cũng có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật về quy trình, thủ tục đấu thầu, nhằm bảo đảm sự bình đẳng này mà không có sự ưu ái hay phân biệt đối xử với bất kỳ nhà thầu nào. Các nhà thầu tham gia quá trình đấu thầu đều phải được chủ đầu tư đối xử ngang nhau, những thông tin cần thiết phải được cung cấp đầy đủ, chính xác, không thiên vị bên nào và hoàn toàn công khai[3].

Thứ hai, xét về lý luận: Trong các cuộc đấu thầu phải gồm nhiều bên có liên quan một cách trực tiếp và/hoặc gián tiếp với nhau gồm bên mời thầu hay chủ đầu tư, các bên dự thầu, các bên tư vấn, giám sát thầu… Mỗi bên khi tham gia đấu thầu phải độc lập, có chức năng, nhiệm vụ và mục đích riêng. Tuy nhiên, khi tham gia vào cùng một cuộc đấu thầu sẽ tạo nên một hệ thống các hành vi và quan hệ đấu thầu phức tạp đan xen lẫn nhau. Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, pháp luật đấu thầu phải hướng tới điều chỉnh và kiểm soát đối với các hành vi và mối quan hệ giữa nhiều bên liên quan, ngăn chặn và loại trừ đối với các dạng hành vi, các quan hệ có thể gây tác động xấu, làm mất đi mục đích và ý nghĩa hay làm triệt tiêu tác dụng, hiệu quả của cuộc đấu thầu[4].

Thứ ba, xét về lý thuyết cạnh tranh: Đấu thầu cũng được nhìn nhận là phương thức để lựa chọn bên cung cấp hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tốt nhất, theo đó, bên mời thầu sử dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh với mong muốn lựa chọn được người cung cấp hàng hóa hay cung ứng dịch vụ có chất lượng tốt nhất với mức giá rẻ nhất. Cơ chế cạnh tranh trong đấu thầu chỉ đạt được hiệu quả khi thông qua đó để một bên lựa chọn được đối tác tốt nhất. Về mặt lý thuyết, cạnh tranh trong đấu thầu chỉ được bảo đảm khi có nhiều bên dự thầu, các bên dự thầu độc lập với nhau và với bên mời thầu, không có bất cứ thỏa thuận nào giữa người mời thầu với một/một số người dự thầu hoặc giữa những người dự thầu với nhau. Trong cuộc đấu thầu, trên cơ sở các nội dung mời thầu, các bên dự thầu phải tự mình đưa ra các gói thầu có tính cạnh tranh với cam kết về chất lượng, giá cả đối với các hàng hóa hay dịch vụ của mình và đáp ứng các điều kiện khác của bên mời thầu.

Việc công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu là một trong những “thước đo” giá trị cho công tác đấu thầu, cũng là mục tiêu mà các quy định trong văn bản pháp luật về đấu thầu hướng tới, nhằm tạo một “sân chơi” bình đẳng cho các nhà thầu. Thông tin đấu thầu được công khai, minh bạch cũng giúp giám sát hiệu quả hoạt động đấu thầu, nhất là trong lĩnh vực mua sắm công. Tuy nhiên, vẫn diễn ra phổ biến là chủ đầu tư hạn chế quyền tiếp cận thông tin của nhà thầu, thông đồng với nhà thầu quen biết đưa các thông số kỹ thuật có lợi vào hồ sơ mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhằm loại bỏ các nhà thầu khác, tạo điều kiện cho nhà thầu quen biết trúng thầu với giá thỏa thuận ấn định từ trước[5].

Ảnh minh họa internet

2. Hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2023

Hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch là một trong 09 hành vi bị cấm trong đấu thầu, được quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 và Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023. Nhóm các quy định này được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch được thể hiện ở 10 hành vi, bao gồm:

Một là, tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư không đúng quy định của luật này;

Hai là, tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh;

Ba là, cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc người có thẩm quyền, người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Doanh nghiệp đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

Bốn là, nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phí tư vấn do nhà thầu đó cung cấp dịch vụ tư vấn: Lập, thẩm tra, thẩm định dự toán, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED); lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự hồ sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; kiểm định hàng hóa; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; giám sát thực hiện hợp đồng;

Năm là, đứng tên tham dự gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời gian 12 tháng kể từ ngày không còn làm việc tại cơ quan, tổ chức đó;

Sáu là, nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do nhà thầu đó giám sát;

Bảy là, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023;

Tám là, nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 Luật Đấu thầu 2023;

Chín là, nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 Luật Đấu thầu 2023;

Mười là, chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Theo đó, 10 hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 có một số khác biệt so với 09 hành vi được liệt kê trong Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013. Dễ nhận thấy nhất là các hành vi được mô tả một cách chi tiết và đầy đủ hơn so với quy định cũ. Ví dụ, điểm đ khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 ban đầu quy định: “Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó”, được sửa đổi, bổ sung thành “Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn do nhà thầu đó cung cấp dịch vụ tư vấn: Lập, thẩm tra, thẩm định dự toán, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED); lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; kiểm định hàng hóa; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; giám sát thực hiện hợp đồng”. Hoặc, liên quan đến hành vi nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa[6], Luật Đấu thầu năm 2023 đã đặt ra một số trường hợp ngoại lệ là điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 so với Luật Đấu thầu trước đây. 

Hay các quy định trong Luật Đấu thầu năm 2023 đã được xây dựng dựa trên sự thống nhất và tương thích các luật khác có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Cụ thể, thay vì liệt kê một cách dài dòng như điểm d khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013, “Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu”, thì điểm d khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định: “Cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người có thẩm quyền, người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Doanh nghiệp đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu”.

Tuy nhiên, lần đầu tiên, hành vi “nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”[7] được quy định là một hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu dù nó đã nằm trong quy định của nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư. Đây là một trong những nội dung quan trọng vì trên thực tế, nhiều sai phạm thường được thể hiện dưới hành vi này. Trong trường hợp này, hồ sơ mời thầu có quy định về một số thông số kỹ thuật đặc biệt hoặc quy định các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu quen biết, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến đầu tư không hiệu quả; thủ đoạn “cài thầu” (Thường đưa ra các thông số kỹ thuật, cấu hình của các loại thiết bị hàng hóa cụ thể nào đó, chỉ bỏ tên thiết bị, model, hãng sản xuất, xuất xứ hàng hóa để làm yêu cầu về thông số kỹ thuật của hàng hóa trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế các nhà thầu khác tham gia). Chứng minh thủ đoạn dàn xếp, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu dựa trên các tài liệu buộc phải công khai thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không được thực hiện theo quy định; hoặc dựa trên tính chính xác của thông báo mời thầu; các thông số kỹ thuật đặc biệt được nêu ra trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu… nhằm hướng đến lợi ích của nhóm đối tượng cụ thể; hoặc dựa trên tài liệu chứng minh ý thức chủ quan, hành vi, thủ đoạn các đối tượng liên quan, tập trung đối với chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn[8].

Ngoài ra, hành vi này còn được hướng dẫn riêng trong Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT ngày 15/2/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, một số quy định của hồ sơ mời thầu dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng gồm:

“1. Đối với tất cả các gói thầu:

a) Quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu;

b) Quy định nhà thầu phải có xác nhận tham gia hội nghị tiền đấu thầu hoặc yêu cầu chứng minh việc đã tham gia hội nghị tiền đấu thầu;

c) Quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu;

d) Quy định hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện trên một địa bàn cụ thể hoặc là công trình tương tự của một đơn vị cụ thể hoặc phải ký với cơ quan nhà nước;

đ) Quy định nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu; yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu, thiết bị cần thiết cho gói thầu phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê;

e) Quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: Giấy phép hành nghề, giấy xác nhận đối tác và các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định (Ví dụ: Gói thầu chỉnh lý tài liệu yêu cầu nhân sự phải là lưu trữ viên hoặc lưu trữ viên chính, nghĩa là nhân sự phải là viên chức thì quy định này trong E-HSMT được coi là vi phạm khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu).

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Phụ lục này, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa đưa thêm các quy định:

a) Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật đưa ra các yêu cầu mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu;

b) Yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản;

c) Yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật Đấu thầu;

d) Yêu cầu về hàng hóa mẫu đối với gói thầu không thuộc quy định tại Điều 26 của Thông tư này.

đ) Yêu cầu phải có giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật do nhà sản xuất ban hành và phải có dấu xác nhận của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối;

e) Yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với phần công việc cung cấp hàng hóa;

g) Yêu cầu về giấy chứng nhận ISO đối với nhà thầu không phải là nhà sản xuất;

h) Yêu cầu về thiết bị chủ chốt để thực hiện gói thầu.

3. Ngoài các quy định tại khoản 1 Phụ lục này, đối với gói thầu xây lắp đưa thêm các quy định:

a) Yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường;

b) Yêu cầu nhà thầu khi tham dự thầu phải có cam kết hoặc ký hợp đồng nguyên tắc về bãi đổ thải cụ thể, cự ly đổ thải cụ thể, các mỏ vật liệu cụ thể, yêu cầu về cự ly trạm trộn bê tông… trong giới hạn một vùng hoặc một cự ly cụ thể mà chỉ có một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng;

c) Yêu cầu nhà thầu phải nêu cụ thể vị trí, tuyến đường, địa phương mà xe vận chuyển vật tư, vật liệu cho công trình đi qua trong E-HSDT;

d) Đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có tiền mặt hoặc phải có khoản tiết kiệm ở các tổ chức tài chính hoặc phải có số dư tài khoản hoặc các yêu cầu tương tự về nguồn lực tài chính;

đ) Yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông;

e) E-HSMT phát hành trên Hệ thống thiếu bản vẽ hoặc bản vẽ không đầy đủ, không đủ cơ sở để lập E-HSDT;

g) Nêu tên nhà thầu phụ đặc biệt bắt buộc nhà thầu chính phải sử dụng”.

Vì sự quan trọng và cần được bảo đảm của nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu này, Luật Đấu thầu năm 2023 đã dành ra một điều quy định việc bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Có thể thấy, điểm khác biệt và tiến bộ lớn của Luật Đấu thầu năm 2023 so với trước đây chính là việc quy định nhằm đề cao vai trò của công bằng và minh bạch trong các hoạt động đấu thầu. Rõ ràng, cho dù có tạo ra được khuôn khổ pháp lý và cơ chế nhưng hoạt động đấu thầu chỉ có ý nghĩa và đạt được kết quả như mong đợi khi có sự cạnh tranh một cách công bằng, minh bạch giữa các bên dự thầu. Chỉ khi cơ chế cạnh tranh trong đấu thầu được bảo đảm, nhà đầu tư hay bên mời thầu mới có cơ hội và mới có thể lựa chọn được nhà cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng với giá cả phù hợp./.


[1]. Nguyễn Xuân Phùng (2024), “Những điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 so với Luật Đấu thầu 2013”, Tạp chí Việt Nam hội nhập, số 335, tr. 82.

[2]. Hồ Hương (2023), “Các hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu (sửa đổi): cần quy định theo nhóm vấn đề, tránh liệt kê nhiều nhưng vẫn bỏ sót”, https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=73427, truy cập ngày 05/6/2024.

[3]. Lê Hoàng Anh (2023), “Pháp luật về trình tự, thủ tục đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng”, Tạp chí công thương, số 4 – tháng 2/2023, tr. 64.

[4]. Phùng Văn Thành (2019), “Quy định về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu theo luật đấu thầu và một số đánh giá so sánh trong mối liên hệ với pháp luật cạnh tranh”, https://www.bvntd.gov.vn/tintuc_sukien/quy-dinh-ve-dam-bao-canh-tranh-trong-dau-thau-theo-luat-dau-thau-va-mot-so-danh-gia-so-sanh-trong-moi-lien-he-voi-phap-luat-canh-tranh/, truy cập ngày 05/6/2024.

[5]. Cao Anh Đức, Trần Thế Linh (2023), “Nhận diện sai phạm trong các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Tạp chí Kiểm sát, số 14/2023, tr. 27.

[6]. Điểm i khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023.

[7]. Điểm k khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023.

[8]. Cao Anh Đức, Trần Thế Linh (2023), tlđd.


(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)


Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng mạng đấu thầu Quốc gia


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *