Việc đặt ra các điều khoản miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các hợp đồng hoặc điều khoản sử dụng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để đảm bảo rằng quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo đúng mức và công bằng, việc nghiên cứu kỹ lưỡng các điều khoản miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại và áp dụng chúng theo quy định của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết. Điều này giúp tạo ra một môi trường tiêu dùng lành mạnh và công bằng cho tất cả các bên liên quan. Bài viết dưới đây là quan điểm Thạc sĩ Trần Nhân Chính về miễn trách nhiễm bồi thường thiệt hại theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
BÀN VỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG NĂM 2023
ThS. Trần Nhân Chính
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Mối quan hệ tiêu dùng là một mối quan hệ bất cân xứng, trong đó, người tiêu dùng luôn là bên gặp bất lợi hơn trong việc bảo vệ cho các quyền và lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt là trong trường hợp họ phải gánh chịu các thiệt hại do chính những sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ sử dụng gây ra. Do đó, pháp luật dân sự nói chung và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những quy định đặc thù về các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra đối với người tiêu dùng theo hướng đề cao trách nhiệm của các cá nhân, pháp nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nhưng không vì thế mà các nhà làm luật chỉ bảo vệ cho người tiêu dùng mà bỏ quên các quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, pháp nhân kinh doanh. Một trong các quy định cụ thể nhất thể hiện cho tính công bằng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính là việc quy định các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 35, khoản 4 Điều 36 (gồm 04 trường hợp dưới đây).
1. Quy định pháp luật về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, pháp nhân kinh doanh
1.1. Trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại[1]
Đây là trường hợp miễn trách nhiệm cơ bản nhất và được đặt ra để trả lời cho câu hỏi: Đâu là giới hạn của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các cá nhân, pháp nhân kinh doanh trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 là một dạng trách nhiệm dân sự bắt buộc, theo đó, người tiêu dùng chỉ cần chứng minh hai yếu tố: (i) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; (ii) Người tiêu dùng đã phải gánh chịu tổn thất từ sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đó[2]. Việc quy định như vậy là nhằm bảo vệ cho người tiêu dùng – bên yếu thế hơn trong mối quan hệ dân sự tự nguyện, bình đẳng nhưng bất cân xứng về các khía cạnh thông tin, khả năng gánh chịu rủi ro, khả năng chứng minh[3], tuy nhiên lại tiềm ẩn nguy cơ rằng, các quy định này có thể bị lợi dụng cho việc khởi kiện một cách mất kiểm soát.
Tại “cái nôi” sinh ra các quy định về bảo vệ người tiêu dùng hiện đại là Hoa Kỳ[4], từ cuối thập niên 1960 cho tới đầu những năm 1980 đã xảy ra sự bùng nổ về số lượng các vụ khởi kiện liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra[5], khi mà pháp luật Hoa Kỳ vào giai đoạn này quy định thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại bắt buộc nhưng lại không có quy định mang tính giới hạn. Những vụ kiện này đã khiến cho những nhà làm luật tại Hoa Kỳ phải đề ra những cải cách liên quan tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra và một trong số đó là quy định những trường hợp mà các bên liên quan đến việc cung ứng sản phẩm, hàng hóa sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa của họ gây ra[6].
Trên tinh thần đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng đã rút ra kinh nghiệm và quy định về trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa, sản phẩm có khuyết tật gây ra, đó là trường hợp cá nhân, pháp nhân kinh doanh chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới vào thời điểm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra thiệt hại. Theo đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 kế thừa từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và có một số thay đổi quan trọng liên quan đến việc áp dụng trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới tại thời điểm nào cho việc phát hiện khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được, khi chuyển từ thời điểm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng” thành thời điểm “sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại”. Quy định về trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại đã cung cấp cho các cá nhân, pháp nhân kinh doanh “công cụ” pháp lý để họ tự bảo vệ, nhưng vẫn mang tính có lợi rất lớn cho người tiêu dùng bởi hai lý do sau:
Thứ nhất, trách nhiệm chứng minh về khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được hoàn toàn thuộc về cá nhân, pháp nhân kinh doanh có liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Mặt khác, có thể thấy, sự triệt để trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi so sánh với quy định pháp luật của 47/51 tiểu bang Hoa Kỳ[7] yêu cầu người tiêu dùng bị thiệt hại trong một số trường hợp phải chứng minh sản phẩm bị khuyết tật về mặt thiết kế kỹ thuật có thể được thiết kế theo một cách khác an toàn hơn, hay nói cách khác, người tiêu dùng có trách nhiệm phải chứng minh rằng có thể có một giải pháp thay thế khả thi đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật về mặt thiết kế kỹ thuật[8].
Thứ hai, pháp luật Việt Nam đang đặt ra một quy chuẩn rất cao cho căn cứ miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, khi yêu cầu việc phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đó phải không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới, mà không chỉ riêng Việt Nam. Đây cũng là một sự thay đổi của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, khi đồng nhất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa[9]. Cách quy định như trên khiến cho các cá nhân, pháp nhân kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam không thể viện lý do là trình độ khoa học kỹ thuật của nước ta còn hạn chế như một căn cứ để miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
1.2. Trường hợp miễn trách nhiệm do người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại[10]
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã đưa ra một quy định hoàn toàn mới về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, pháp nhân kinh doanh tại khoản 2 Điều 35 khi quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại”. Những biện pháp mà các cá nhân, pháp nhân kinh doanh phải áp dụng kể trên chính là những trách nhiệm của các cá nhân, pháp nhân kinh doanh đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, bao gồm những biện pháp sau đây:
– Thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác có liên quan.
– Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
– Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trước và sau khi thực hiện việc thu hồi; thực hiện việc thu hồi đúng nội dung đã báo cáo, thông báo và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi.
Đây là quy định hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh đã nỗ lực thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc hạn chế, khắc phục hậu quả bằng việc thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa đó. Các nhà làm luật đã thấy được bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, khi có những trường hợp nhà sản xuất đã làm các bước để thu hồi các sản phẩm có khuyết tật và công bố thông tin tới công chúng theo đúng quy định của pháp luật, như trường hợp Toyota thu hồi hàng trăm xe Fortuner và Innova do lỗi kỹ thuật vào năm 2020[11], nhưng vẫn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích quy định này, có một số vấn đề cần phải làm rõ như sau:
Thứ nhất, cá nhân, pháp nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cần đáp ứng hai điều kiện: Điều kiện cần là cá nhân, pháp nhân kinh doanh đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33; điều kiện đủ là người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại. Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cần phải làm rõ như thế nào là người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin, bởi trong trường hợp các thông tin về sản phẩm, hàng hóa bị khuyết tật đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người tiêu dùng vẫn không biết thì có thể xem là họ chưa nhận được đầy đủ thông tin hay không.
Thứ hai, việc cố tình sử dụng sản phẩm có khuyết tật của người tiêu dùng trong trường hợp này có thể xem là trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi thuộc về người bị thiệt hại hay không, bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại cũng là một trong các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Giả sử trong trường hợp bên sản xuất sản phẩm khuyết tật đã gửi thông báo tới toàn xã hội và cảnh báo về sản phẩm của họ, nhưng chưa tiến hành việc thu hồi sản phẩm, thì việc người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng sản phẩm đó nhằm yêu cầu bồi thường thiệt hại có được cho phép theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 hay không.
1.3. Trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết do không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng[12]
Trước đây, việc cung cấp dịch vụ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã hướng tới sự thay đổi khi quy định về quyền của người tiêu dùng trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết gây thiệt hại cho người tiêu dùng[13]. Luật này cũng quy định căn cứ miễn trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khi chứng minh được việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng hoặc thuộc trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.
Việc thêm đối tượng dịch vụ vào các đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 là một hướng đi đúng đắn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi các nước phát triển cũng đã có những quy định tương tự về việc yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu việc họ quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại[14]. Khi xét tới căn cứ miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân kinh doanh liên quan đến việc cung ứng dịch vụ, có thể thấy, việc tương đồng trong cách quy định giữa quy định này với căn cứ miễn trách nhiệm liên quan đến sản phẩm, hàng hóa bị khuyết tật, khi cả hai căn cứ miễn trách nhiệm đều quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi yếu tố gây thiệt hại không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ đến người tiêu dùng. Đây có phải là một quy định hợp lý hay không thì vẫn cần có thời gian để quan sát, khi mà các sản phẩm hữu hình có bản chất rất khác so với các dịch vụ, đặc biệt, khi xét đến một dịch vụ không bao gồm chỉ một hành vi pháp lý đơn lẻ mà có thể là sự tổng hợp của rất nhiều hành vi khác nhau, do nhiều chủ thể cùng thực hiện.
1.4. Một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật[15]
Các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh cũng đã được bổ sung vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Trên thực tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải là văn bản pháp lý duy nhất có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, pháp nhân kinh doanh (kèm theo đó là các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại), mà còn có một số văn bản pháp lý khác cũng quy định về vấn đề này như: Bộ luật Dân sự 2015 quy định người gây ra thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (khoản 2 Điều 584); Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định 06 trường hợp miễn trách nhiệm cho bên sản xuất, bên nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại…
Do có quá nhiều văn bản pháp lý đang quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh dẫn đến mâu thuẫn nhất định trong cách áp dụng pháp luật và hiệu lực thi hành trên thực tế. Ví dụ, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định “người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường trong trường hợp đã thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người tiêu dùng trước thời điểm hàng hóa gây thiệt hại” (điểm c khoản 1 Điều 62), trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 lại quy định cá nhân, tổ chức kinh doanh được miễn trách nhiệm khi “tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại”. Ngoài việc khác biệt về thuật ngữ được sử dụng, hai quy định trên còn có sự khác biệt cơ bản về điều kiện áp dụng, đặc biệt là ở chỗ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không xét tới yếu tố lỗi của người bị thiệt hại, trong khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại yêu cầu phải có lỗi cố ý đến từ người bị thiệt hại.
2. Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần hướng dẫn cụ thể việc xác định tiêu chí “cố ý” của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trong trường hợp: (i) Người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin; (ii) Người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để làm căn cứ cho việc thi hành quy định pháp luật về miễn trách nhiệm cho các cá nhân, pháp nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại.
Thứ hai, cần nghiên cứu làm rõ bản chất pháp lý của loại hình kinh doanh dịch vụ với những điểm khác biệt so với loại hình sản xuất sản phẩm, hàng hóa làm cơ sở mở rộng hơn nữa các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể kinh doanh theo khoản 4 Điều 36 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại, trong đó, khẩn trương thống nhất nội hàm, cách hiểu các quy định pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để bảo đảm hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.
3. Kết luận
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2013 nhìn chung đã có sự đổi mới về các quy định liên quan đến các căn cứ miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nhìn chung, đây đều là những thay đổi mang tính tích cực, với định hướng rõ ràng trong việc đặt quyền lợi của bên yếu thế hơn là người tiêu dùng lên hàng đầu, đồng thời, yêu cầu các bên cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có sự cẩn trọng và trách nhiệm tối đa trong việc cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng cần phải làm rõ một số điểm còn chưa được hướng dẫn nhằm đưa quy định pháp luật vào thực tiễn một cách hiệu quả./.
[1]. Xem khoản 1 Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
[2]. Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
[3]. Đinh Thị Hồng Trang (2020), Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng theo quy định pháp luật hiện hành, Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-hang-hoa-co-khuyet-tat-gay-ra-cho-nguoi-tieu-dung-theo-quy-dinh-phap-luat-hien-hanh-69213.htm, truy cập ngày 25/10/2023.
[4]. Mathias Reimann (2015), Product liability, Comparative Tort Law: Global Perspectives, Edward Elgar Publishing, p. 250 – 278.
[5]. Jane Stapleton (1994), Product Liability, Cambridge University Press, tr. 30.
[6]. Jane Stapleton (1994), tlđd, tr. 33.
[7]. Legal Information Institute, Products liability, Thư viện điện tử Wex, Cornell Law School, https://www.law.cornell.edu/wex/products_liability, truy cập ngày 31/10/2023.
[8]. David G. Owen (2008), Design Defect, Missouri Law Review, vol. 73 (2), p. 292 – 368.
[9]. Đinh Thị Hồng Trang (2020), Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng theo quy định pháp luật hiện hành, Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-hang-hoa-co-khuyet-tat-gay-ra-cho-nguoi-tieu-dung-theo-quy-dinh-phap-luat-hien-hanh-69213.htm, truy cập ngày 25/10/2023.
[10]. Xem khoản 2 Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
[11]. N. An (2020), Toyota thu hồi hàng trăm xe Fortuner và Innova do lỗi kỹ thuật, Tuổi Trẻ Online, https://tuoitre.vn/toyota-thu-hoi-hang-tram-xe-fortuner-va-innova-do-loi-ky-thuat-20200929205234062.htm, truy cập ngày 25/10/2023.
[12]. Xem khoản 4 Điều 36 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
[13]. Xem khoản 3 Điều 36 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
[14]. Joachim Zekoll (2002), Liability for Defective Products and Services, The American Journal of Comparative Law, vol. 50, p. 121 – 159.
[15]. Xem khoản 3 Điều 35, khoản 4 Điều 36 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 406), tháng 6/2024)
Xem thêm:
Căn cứ Miễn trách nhiệm hình sự?
Miễn trách nhiệm hình sự – Bất cập và kiến nghị, đề xuất
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066 (giờ hành chính)
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com