Bàn về thẩm quyền xử lý vật chứng của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự

Trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra trong vụ án hình sự, thẩm quyền xử lý vật chứng của cơ quan được giao nhiệm vụ đó đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Việc này đòi hỏi sự chuyên nghiệp, cẩn trọng và minh bạch để đảm bảo rằng các bằng chứng và vật liệu liên quan được thu thập, bảo quản và xử lý đúng quy trình, đồng thời tuân thủ đúng quy định pháp luật. Điều này không chỉ đảm bảo tính công bằng trong quá trình tư vấn và xét xử mà còn đóng vai trò chủ chốt trong việc phát hiện sự thật và trừng phạt các hành vi phạm tội. Thông qua, bài viết về “Bàn về thẩm quyền xử lý vật chứng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự” của tác giả Trần Ngọc Hải sẽ đem tới những quy định và góc nhìn toàn diện hơn về thẩm quyền xử lý vật chứng. 

BÀN VỀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ VẬT CHỨNG CỦA CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TIẾN HÀNH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ 

Trần Ngọc Hải

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

1. Quy định pháp luật về thẩm quyền xử lý vật chứng của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) về việc xử lý vật chứng thì: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”. Như vậy, ngoài Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có thẩm quyền điều tra đối với vụ án hình sự, nội dung này được quy định tại Điều 10 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021: “Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này”. Phạm vi thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”.

Như vậy, có thể thấy, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự và trong một số trường hợp luật định thì có thể kết luận điều tra. Trong các trường hợp này, để bảo đảm giải quyết đầy đủ, chính xác vụ án hình sự, các cơ quan này không chỉ phải thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng mà còn cần xem xét vấn đề xử lý vật chứng. Đây chính là cơ sở để quy định thẩm quyền xử lý vật chứng cho các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung thẩm quyền này tại khoản 1 Điều 106 là hoàn toàn hợp lý.

Theo đó, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự có thẩm quyền xử lý vật chứng trong hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, khi vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra (khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Khi có các căn cứ theo Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thể đình chỉ điều tra vụ án hình sự đã khởi tố. Khi đó, tất cả các hoạt động điều tra hay các hoạt động tố tụng khác sẽ được dừng lại. Các vật chứng theo đó cần phải được xử lý, bởi lẽ, việc tiếp tục thu giữ, bảo quản vật chứng là không còn cần thiết, ngoài ra, còn có thể gây ra các vấn đề như phát sinh chi phí thuê bến bãi, kho chứa hàng, kho lạnh bảo quản, vật chứng dễ hư hỏng, xuống cấp, hết thời hạn sử dụng, mất giá trị[1]… Trong trường hợp này, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quyền áp dụng tất cả các biện pháp xử lý vật chứng được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm: Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; tịch thu, tiêu hủy; trả lại vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; bán; giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành. Việc xử lý vật chứng phải được ghi rõ trong quyết định đình chỉ điều tra (khoản 2 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) cũng như trong kết luận điều tra trong trường hợp đình chỉ điều tra vụ án hình sự (Điều 234 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Trường hợp thứ hai, trong quá trình điều tra vụ án hình sự mà nhận thấy việc xử lý vật chứng là cần thiết và không gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án (khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Trong trường hợp này, vụ án hình sự vẫn đang được tiếp tục điều tra, các hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, việc xử lý vật chứng là cần thiết, chủ yếu do tính chất đặc biệt của các loại vật chứng dẫn đến việc tiếp tục tạm giữ là không phù hợp, gây khó khăn cho công tác bảo quản cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thể ra quyết định xử lý vật chứng ngay khi đang điều tra với những loại vật sau: Tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng; vật chứng mà trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai. Việc tiến hành xử lý vật chứng này phải bảo đảm không gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

2. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về thẩm quyền xử lý vật chứng của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự

Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định thẩm quyền xử lý vật chứng của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại Điều 106, tuy nhiên, lại không có quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xử lý vật chứng của các cơ quan này. Trong khi Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có đề cập đến thẩm quyền xử lý vật chứng, thì Điều 39 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra lại không đề cập đến thẩm quyền này[2]. Đây chính là một thiếu sót dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý cho các cơ quan này trong việc áp dụng trên thực tế.

Thứ hai, như đã trình bày ở trên, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền xử lý vật chứng khi đình chỉ điều tra vụ án hình sự. Tại điểm g khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã đề cập đến thẩm quyền ra quyết định đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về “đình chỉ điều tra” thì lại chỉ đưa ra một chủ thể là Cơ quan điều tra mà không đề cập đến các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đây cũng là một điểm chưa thống nhất ngay trong chính các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, gây vướng mắc trong việc áp dụng trên thực tiễn.

Thứ ba, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chỉ có thẩm quyền xử lý vật chứng khi đình chỉ điều tra hoặc đang trong giai đoạn điều tra mà xét thấy cần thiết và không ảnh hưởng đến các quá trình tố tụng tiếp theo. Theo đó, các cơ quan này chưa được giao thẩm quyền xử lý đồ vật, tài liệu trong giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng – là giai đoạn giải quyết các nguồn tin về tội phạm. Trong giai đoạn này, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng phải tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu thập các tài liệu, đồ vật, chứng cứ nhằm xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm. Tuy chưa có quyết định khởi tố vụ án nhưng trong nhiều trường hợp, do tính chất của vật chứng, chẳng hạn như, vật chứng là tài sản mau hỏng, khó bảo quản, đòi hỏi phải nhanh chóng xử lý những đồ vật, tài sản đã thu giữ ngay trong quá trình xác minh, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Vì vậy, do chưa có quy định cụ thể nên việc xử lý vật chứng trong giai đoạn giải quyết các nguồn tin về tội phạm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn lúng túng, thiếu thống nhất[3]. Nhiều cơ quan có quan điểm là chờ đến khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc khi đưa vụ án ra xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở các giai đoạn tiếp theo sẽ xử lý vật chứng nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng hư hỏng, hao hụt vật chứng hoặc quá tốn kém chi phí bảo quản và như vậy, đi ngược lại với yêu cầu bảo đảm đầy đủ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong xử lý vật chứng.

Thứ tư, đối với vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mới chỉ quy định xử lý bằng cách “bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy”, quy định này chưa nhấn mạnh đến yếu tố cần phải xử lý “ngay” những loại vật chứng này vì tính chất đặc biệt của chúng. Ngoài ra, quy định này cũng không nhắc đến vấn đề giám định vật chứng mau hỏng, khó bảo quản, việc này có thể ảnh hưởng đến quá trình giải quyết, xét xử vụ án sau đó.

Ảnh minh họa internet

3. Một số kiến nghị

Thứ nhất, theo tác giả, cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về việc xử lý vật chứng trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự và quy định tiến hành trưng cầu giám định, định giá tài sản như một phần của quá trình xử lý vật chứng. Có như vậy, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới bảo đảm thu thập được hết các thông tin có giá trị của vật chứng, tránh trường hợp trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo các cơ quan tiến hành tố tụng khác yêu cầu thêm thông tin về các tài sản này.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về điều kiện và tính kịp thời trong việc áp dụng hình thức xử lý vật chứng mau hỏng, khó bảo quản bằng biện pháp bán tài sản; bổ sung cụm từ “ngay sau khi có kết luận giám định” vào quy định về vật chứng mau hỏng, khó bảo quản. Việc quy định việc xử lý vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản có thể tham khảo quy định đối với vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai. Cụ thể, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “3. Trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:… c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì ngay sau khi có kết luận giám định có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy…”.

Ngoài ra, với đặc thù của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là chỉ tham gia vào giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án, nên để việc xử lý vật chứng không ảnh hưởng đến các giai đoạn tố tụng tiếp theo thì cần có sự thống nhất về quan điểm xử lý với các cơ quan tố tụng khác như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Trước khi xử lý, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cần tổ chức họp liên ngành với các cơ quan trên, thống nhất quan điểm xử lý vật chứng, lập biên bản cuộc họp đưa vào hồ sơ vụ án. Việc xử lý vật chứng trong trường hợp này phải được ghi nhận trong kết luận điều tra theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ hai, để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng, bổ sung thẩm quyền xử lý vật chứng của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể, tác giả kiến nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “d) Quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; xử lý vật chứng”.

Thứ ba, bổ sung chủ thể “cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” vào các chủ thể có thẩm quyền đình chỉ điều tra quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để tạo sự thống nhất, bảo đảm hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật. Cụ thể, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:…”.

Thứ tư, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những khó khăn, vướng mắc và sự thiếu thống nhất trong thực tế xử lý vật chứng của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là do thiếu những hướng dẫn cụ thể từ các quy định của pháp luật. Do đó, tác giả kiến nghị, các cơ quan có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành một thông tư liên tịch nhằm hướng dẫn chi tiết về một số trường hợp mang tính điển hình cũng như những trường hợp đặc biệt liên quan đến xử lý vật chứng và thủ tục cụ thể cho từng trường hợp (ví dụ như, quy định cụ thể người có thẩm quyền ra quyết định xử lý vật chứng tại các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…). Sau khi có thông tư liên tịch hướng dẫn, từng lực lượng Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư sẽ căn cứ vào các nội dung có liên quan đến lực lượng mình để xây dựng, ban hành một quy chế, quy trình xử lý vật chứng để triển khai thực hiện thống nhất trong từng lực lượng./.


[1]. Phạm Minh Tuyên (2020), “Giám định, xử lý vật chứng, định giá động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm trong tố tụng hình sự – Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/public/index.php/giam-dinh-xu-ly-vat-chung-dinh-gia-dong-vat-hoang-da-dong-vat-nguy-cap-quy-hiem-trong-to-tung-hinh-su-vuong-mac-va-kien-nghi-hoan-thien, truy cập ngày 07/6/2024.

[2]. Nguyễn Thanh Hằng (2022), Xử lý vật chứng theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 60.

[3]. Vũ Thị Quyên (2023), Xử lý vật chứng theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp trường, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 81.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)


Xem thêm:

Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257 BLHS)

Tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS)


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *