Bất cập và kiến nghị về thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa án

(LSC)  Hiện nay, việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) thuộc thẩm quyền của Tòa án và được giải quyết theo thủ tục tổ tụng dân sự hoặc thủ tục tố tụng hành chính tùy vào việc ban đầu Tòa án thụ lý vụ án. Trong thực tiễn áp dụng giải quyết các vụ án xét xử yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ tại Tòa án còn nhiều bất cập và vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án cấp nào. Dưới đây là bài viết của tác giả Đặng Đình Thái thuộc Tòa án quân sự khu vực 4 quân khu 4 về bất cập thẩm quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa án và một số kiến nghị.

Ảnh minh họa internet

BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ VỀ THẨM QUYỀN HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA TÒA ÁN 

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

1. Quy định của pháp luật về thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa án

Tòa án là cơ quan xét xử có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật. Yêu cầu hủy bỏ Giấy CNQSDĐ có thể phát sinh trong vụ án dân sự hoặc vụ án hành chính. Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của BLTTDS 2015 (vụ án dân sự) hoặc giải quyết theo quy định của LTTHC 2015 (vụ án hành chính). Thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết một vụ án được xác định dựa trên ba loại thẩm quyền: Theo vụ việc tranh chấp, theo cấp Tòa án và theo lãnh thổ (từ Điều 26 đến 40 BLTTDS 2015 và từ Điều 30 đến Điều 32 LTTHC 2015).

Trong vụ án dân sự, khi đương sự khởi kiện về quyền sử dụng đất mà xác định Giấy CNQSDĐ đã cấp sai những thông tin liên quan đến quyền sử dụng thì phát sinh thêm yêu cầu hủy để cấp lại giấy khác đúng quy định liên quan đến quyền sử dụng đất. Còn trong vụ án hành chính thì đương sự chỉ có yêu cầu khởi kiện hủy bỏ Giấy CNQSDĐ, không có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền sử dụng đất.

Như vậy, cũng là yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ, Tòa án đều có thẩm quyền giải quyết nhưng Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng nào thì tùy vào yêu cầu khởi kiện ban đầu của đương sự. Nếu đương sự khởi kiện vụ án dân sự và có thêm yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ thì Tòa án sẽ thụ lý theo thủ tục Tố tụng dân sự. Ngược lại, nếu đương sự chỉ khởi kiện yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ thì Tòa án thụ lý theo thủ tục Tố tụng hành chính.

Thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự

Theo BLTTDS 2015, tại khoản 1 Điều 34: “khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Và tại khoản 4 Điều 34: “thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Căn cứ tại phần II Giải đáp nghiệp vụ số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC có hướng dẫn: “Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó”.

Mặc dù Tòa án có thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ theo BLTTDS 2015 nhưng Tòa án nào có thẩm quyền theo cấp lại được viện dẫn sang LTTHC 2015. Tức là, xác định theo thẩm quyền của cấp Tòa án tại Điều 31 hoặc 32 LTTHC 2015. Về thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án tại Điều 34 BLTTDS không đề cập đến tức là xác định theo Điều 39 của Bộ luật này, đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính

Theo loại việc tranh chấp, khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính với yêu cầu khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là hủy Giấy CNQSDĐ (Điều 30 LTTHC 2015) thì Tòa án sẽ có thẩm quyền xem xét để hủy bỏ Giấy CNQSDĐ.

Về thẩm quyền theo cấp tòa án để hủy bỏ Giấy CNQSDĐ sẽ phụ thuộc vào chủ thể đã cấp Giấy CNQSDĐ. Cụ thể:

– Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền hủy bỏ quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó từ cấp huyện trở xuống trừ quyết định hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện (khoản 1 Điều 31).

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hủy bỏ quyết định hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó (khoản 3, 4 Điều 32).

Giấy CNQSDĐ là quyết định hành chính do UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và môi trường hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp. Như vậy, thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ đều thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 32 LTTHC 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền hủy Giấy.

Về thẩm quyền theo lãnh thổ, Giấy CNQSDĐ do Cơ quan ở tỉnh nào cấp thì Tòa án tỉnh đó có thẩm quyền giải quyết. Thẩm quyền theo lãnh thổ này giống với thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất. Bởi, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy cũng phải là cơ quan nơi có bất động sản đó.

Ngoài ra, khi xem xét Giấy CNQSDĐ thì Tòa án chỉ có quyền xem xét tính hợp pháp của Giấy và Hội đồng xét xử có quyền quyết định “chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy” (Điều 193). Theo đó, chỉ khi Giấy CNQSDĐ là trái pháp luật thì Tòa án mới có quyền hủy. Tòa án không có quyền sửa đổi, thu hồi hay ban hành Giấy CNQSDĐ mới cho người sử dụng đất vì đây là quyền riêng của chủ thể quản lý hành chính.

Tóm lại, BLTTDS 2015 không quy định thẩm quyền của cấp Tòa án hủy Giấy CNQSDĐ, thẩm quyền này phải áp dụng quy định của LTTHC 2015. Theo LTTHC 2015, thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ hiện nay thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy có trụ sở (cũng là tỉnh nơi có đất). Tuy nhiên, để Tòa án nhân dân cấp tỉnh hủy Giấy CNQSDĐ thì cũng phải đáp ứng thẩm quyền theo loại việc khiếu kiện của Tòa án (tức Giấy CNQSDĐ phải là quyết định hành chính và không thuộc các điểm a, b, c khoản 1 Điều 30 LTTHC 2015).

2. Bất cập về thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa án

Thứ nhất, chưa có sự thống nhất về tên gọi của đối tượng xem xét hủy là Giấy CNQSDĐ. LTTHC gọi là “quyết định hành chính”, BLTTDS gọi là “quyết định cá biệt”. Vậy, quyết định cá biệt có phải là quyết định hành chính không?

Theo lý luận chung thì quyết định cá biệt được hiểu là quyết định do chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật ban hành để giải quyết về vụ việc cụ thể, áp dụng đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể, được gọi là văn bản áp dụng pháp luật. Văn bản này nếu do chủ thể quản lý hành chính ban hành sẽ gọi là quyết định hành chính cá biệt, ngoài ra văn bản áp dụng pháp luật còn có thể do cơ quan tư pháp (Thẩm phán, Hội đồng xét xử) ban hành. Chẳng hạn, bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, văn bản áp dụng pháp luật của Tòa án nếu đối tượng bị áp dụng không đồng ý thì sẽ thực hiện quyền kháng cáo, khiếu nại và sẽ được xem xét bởi Tòa án cấp trên theo thủ tục tố tụng tư pháp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hay giải quyết khiếu nại tư pháp chứ không giải quyết trong một vụ án khác. Như vậy, quyết định cá biệt mà BLTTDS nói đến phải là quyết định của chủ thể quản lý hành chính nhà nước tức là “quyết định hành chính”.

Trước đây, Thông tư liên tịch số 01/2014/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014 hướng dẫn thi hành Điều 32 a BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) tại điểm a khoản 1 Điều 2 giải thích quyết định cá biệt là quyết định hành chính theo quy định của LTTHC. Và hiện nay, theo Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 giải đáp một số vấn đề về Tố tụng hành chính, Tố tụng dân sự, tại mục II thì chỉ có những văn bản là quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết mới bị Tòa án xem xét hủy (những văn bản không phải là quyết định hành chính cá biệt thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều này).

Hoạt động quản lý nhà nước bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nên kết quả của hoạt động này thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như văn bản, hành vi, tín hiệu, biển báo…Nếu là văn bản thì cũng có rất nhiều tên gọi khác nhau nên nhà làm luật không thể liệt kê hết những văn bản tên gọi như thế nào là quyết định hành chính. Theo cách giải thích của LTTHC 2015, Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP hướng dẫn LTTHC 2010 và các Công văn giải đáp của TANDTC thì văn bản đáp ứng những đặc điểm của Quyết định hành chính tại khoản 1 Điều 3 LTTHC 2015 sẽ được xác định là quyết định hành chính.

Do đó, LTTHC 2015 không thể liệt kê Giấy CNQSDĐ là quyết định hành chính mà chỉ đưa ra những dấu hiệu để xác định văn bản nào là quyết định hành chính thuộc thẩm quyền xem xét hủy bỏ của Tòa án. BLTTDS 2015 cũng cho Tòa án có quyền hủy Giấy CNQSDĐ thì cần phải thống nhất lại tên gọi với LTTHC 2015. Cần xác định “Quyết định cá biệt” mà Tòa án có quyền hủy là quyết định hành chính cá biệt, tức là “quyết định hành chính” được LTTHC điều chỉnh.

Thứ hai, Tòa án có quyền tự mình hủy Giấy CNQSDĐ khi không có yêu cầu của đương sự không?

Đối với vụ án hành chính, Giấy CNQSDĐ là đối tượng khởi kiện, Tòa án chỉ có quyền hủy khi có yêu cầu khởi kiện, không có yêu cầu khởi kiện thì Tòa án không tự mình hủy được.

Đối với vụ án dân sự, vấn đề này còn nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến bất cập trong việc áp dụng Điều 34 BLTTDS 2015. Cụ thể, khi đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt sau đó lại rút yêu cầu thì Tòa án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt và tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Lúc này, nếu Tòa án giải quyết yêu cầu dân sự mà xác định nội dung của quyết định cá biệt là trái với phán quyết của mình nhưng Tòa án không hủy quyết định đó thì liệu bản chất của vụ việc tranh chấp đã được giải quyết triệt để chưa? Hay sau khi có kết quả giải quyết vụ án dân sự, đương sự phải khiếu kiện thêm một vụ án hành chính yêu cầu hủy quyết định cá biệt nữa thì quyền lợi mới đảm bảo.

Trước đó, BLTTDS 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì Tòa án chỉ có quyền xem xét Giấy CNQSDĐ trong cùng vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu bằng văn bản hoặc trình bày yêu cầu tại Tòa án (khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2014). Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự phát hiện quyết định hành chính cá biệt trái pháp luật nhưng không có yêu cầu của đương sự thì không có thẩm quyền hủy.

Hiện nay, khoản 1 của Điều 34 đã thay cụm từ “quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật” thành cụm từ “quyết định cá biệt trái pháp luật”; khoản 2 của Điều 34 đã bỏ cụm từ “quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy” mà bổ sung cụm từ “phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó”. Tại mục II Công văn 02 ngày 19/9/2016 của TANDTC cũng đã xác định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó”.

Tại mục 3 Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018: ban đầu người khởi kiện yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ, Tòa án đã thụ ý vụ án hành chính. Sau đó người khởi kiện bổ sung yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến Giấy CNQSDĐ thì Tòa án hướng dẫn đương sự rút đơn khởi kiện vụ án hành chính để khởi kiện vụ án dân sự. Nếu đương sự không rút đơn thì Tòa án áp dụng điểm d, khoản 1, Điều 141 của LTTHC 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự. Theo đó, yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp ảnh hưởng đến tính pháp lý của Giấy CNQSDĐ thì phải được xem xét giải quyết cả hai yêu cầu.

Theo mục 7, Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử “theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự khi giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất mà trong đó có việc cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất đang tranh chấp không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của đương sự thì Tòa án phải xem xét giải quyết việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó trong vụ án dân sự và đưa cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Tóm lại, với việc quy định tại Điều 34, từ ngày BLTTDS 2015 có hiệu lực pháp luật thì Tòa án có thẩm quyền xem xét hủy Giấy CNQSDĐ trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà không cần phải có yêu cầu của đương sự, đây cũng là nhiệm vụ bắt buộc của Tòa án để đảm bảo giải quyết vụ việc dân sự được triệt để. Việc đương sự yêu cầu hủy hay rút lại yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ không quyết định việc Tòa án có xem xét hủy Giấy CNQSDĐ hay không.

Thứ ba, khác biệt về thời hiệu khởi kiện hủy Giấy CNQSDĐ trong vụ án dân sự và vụ án hành chính. Khi xem xét hủy Giấy CNQSDĐ trong vụ án dân sự thì Tòa án không áp dụng thời hiệu khởi kiện nhưng trong vụ án hành chính thì phải đảm bảo thời hiệu khởi kiện tại Điều 116, LTTHC 2015.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 155, Bộ luật Dân sự 2015, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do đó, yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất cũng không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Trong khi đó, theo LTTHC, khi khởi kiện vụ án hành chính về yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ thì người khởi kiện phải đảm bảo thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được Giấy CNQSDĐ (điểm a khoản 2 Điều 116). Đối với trường hợp đã khiếu nại về Giấy CNQSDĐ rồi mới khởi kiện vụ án hành chính thì thời hiệu là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại (khoản 3 Điều 116). Tức là, nếu Tòa án xem xét yêu cầu hủy Giấy mà hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm g khoản 1 Điều 143 LTTHC 2015.

Bất cập xảy ra nếu đương sự khởi kiện vụ án hành chính mà hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án, nhưng đương sự khởi kiện vụ án dân sự và yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ thì Tòa án vẫn xem xét thụ lý giải quyết. Đây là sự mâu thuẫn trong việc cùng xem xét tính hợp pháp của một Giấy CNQSDĐ nhưng với hai thủ tục tố tụng tư pháp khác nhau thì một văn bản cho phép Tòa án có thẩm quyền, văn bản khác thì ngược lại.

Thứ tư, yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ trong vụ án dân sự có thể làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự.

Bất cập này phát sinh khi hủy Giấy CNQSDĐ trong vụ án dân sự và khi LTTHC 2015 có hiệu lực. Bởi, tranh chấp quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, nhưng nếu vụ án có thêm yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ thì thẩm quyền đối với yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Ngoại lệ, do quy định chuyển tiếp từ LTTHC 2010 sang LTTHC 2015. Tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành LTTHC năm 2015 quy định: “Đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 01/7/2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết”.

TANDTC đã ban hành Công văn hướng dẫn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016, tại mục 3: “Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó…Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết”.

Tiếp đến, tại mục 2 phần IV Giải đáp nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC hướng dẫn: “Trường hợp vụ việc dân sự do TAND cấp huyện thụ lý trước ngày 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện mà quyết định đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS năm 2015, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC năm 2015, TAND cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết. Nếu TAND cấp huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND cấp tỉnh và TAND cấp tỉnh đã thụ lý thì TAND cấp tỉnh tiếp tục giải quyết.”

Như vậy, mặc dù vụ án dân sự có yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ nhưng Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn có quyền giải quyết tiếp vụ án dân sự đã thụ lý nếu xác định không cần thiết phải hủy Giấy đó. Còn nếu Tòa án cấp huyện nhận định phải hủy Giấy thì mới phải chuyển vụ án lên Tòa án cấp tỉnh giải quyết.

Hướng dẫn này mâu thuẫn với khoản 4, Điều 34, BLTTDS 2015, khoản 3, 4 Điều 32 LTTHC 2015, mặc dù hướng dẫn như vậy là nhằm giảm áp lực cho Tòa án cấp tỉnh đang phải giải quyết nhiều vụ án, đặc biệt là án hành chính do thay đổi thẩm quyền từ khi LTTHC 2015 có hiệu lực.

Theo nguyên tắc của tố tụng tư pháp, muốn kết luận Giấy CNQSDĐ là trái pháp luật thì Tòa án phải thu thập tài liệu chứng cứ, đánh giá chứng cứ rồi mới đưa ra kết luận. Hơn nữa, thẩm quyền này thuộc về Hội đồng xét xử xem xét tại phiên tòa xét xử chứ không do một Thẩm phán quyết định khi xem xét vụ án ở giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Thực tế, có Tòa án cấp huyện khi vụ án dân sự mình thụ lý có phát sinh yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ thì sẽ chuyển vụ án lên Tòa án cấp tỉnh nhưng có Tòa án cấp huyện lại tiếp tục thụ lý giải quyết. Tại tiểu mục 2, mục II, phần B Báo cáo số 15/BC-TA ngày 15/3/2019 của TANDTC về việc báo cáo tổng hợp những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn nghiệp vụ năm 2018 của các Tòa án thông qua công tác kiểm tra, đã nêu ra sai sót của Tòa án địa phương đó là: “Có Tòa án thụ lý giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền. Ví dụ: Đương sự khởi kiện vụ án 791 dân sự có liên quan đến việc yêu cầu hủy quyết định cá biệt là Giấy CNQSDĐ nhưng Tòa án cấp huyện vẫn thụ lý giải quyết. Đây là trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh. Có một số trường hợp đã chuyển hồ sơ về Tòa án cấp tỉnh để giải quyết nhưng Tòa án cấp tỉnh lại trả lại hồ sơ về cho Tòa án cấp huyện, vì cho rằng “chưa có căn cứ rõ ràng phải hủy quyết định cá biệt hay không” là không đúng.” (Tòa án Nhân dân Tối cao, 2019).

Bất cập này dẫn đến việc người khởi kiện không thể xác định chính xác Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ án của mình. Đồng thời dẫn đến việc chuyển vụ án không thống nhất trong hệ thống Tòa án nhân dân khi việc chuyển vụ án này lại tùy thuộc vào khả năng có hủy bỏ Giấy CNQSDĐ hay không. Nếu Tòa án cấp huyện nhận định là phải hủy Giấy và chuyển vụ án lên Tòa án cấp tỉnh nhưng Tòa án cấp tỉnh lại nhận định không cần thiết phải hủy và chuyển vụ án về Tòa án huyện?

3. Một số kiến nghị

Những bất cập về thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ của Tòa án đã đề cập ở trên xuất phát từ vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có liên quan đến Giấy CNQSDĐ. Để giải quyết vướng mắc này, áp dụng thống nhất quy định của BLTTDS và LTTHC, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, sửa cụm từ “quyết định cá biệt” thành “quyết định hành chính” và tên Điều 34 BLTTDS 2015 thành “Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định hành chính”.

Thứ hai, Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của Giấy CNQSDĐ trong vụ án dân sự có liên quan đến Giấy CNQSDĐ không cần xét đến việc đương sự có yêu cầu hay không.

Ban hành Công văn hướng dẫn áp dụng Điều 34, BLTTDS 2015 theo đúng nội dung của điều luật. Như vậy sẽ tránh tình trạng người dân sau khi khởi kiện vụ án dân sự lại phải đi khiếu kiện vụ án hành chính và Tòa án phải xem xét giải quyết toàn diện vụ việc tranh chấp. Không còn tình trạng đầu vào thụ lý là vụ án dân sự nhưng kết quả giải quyết lại chỉ còn yêu cầu của vụ án hành chính.

Thứ ba, bổ sung thêm khoản 6 vào Điều 116 LTTHC 2015 “không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính là Giấy CNQSDĐ”.

Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng cùng xem xét tính hợp pháp của Giấy CNQSDĐ, vụ án dân sự thì không xem xét thời hiệu, còn vụ án hành chính lại áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Thứ tư, thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ là thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Ban hành Công văn mới hủy bỏ những nội dung đã hướng dẫn về thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ của Tòa án nhân dân cấp huyện. Trong mọi trường hợp, Tòa án muốn xem xét hủy Giấy CNQSDĐ thì thẩm quyền thuộc về Tòa án cấp tỉnh. Không phải xác định là “quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật”, “cần thiết” hay “không cần thiết” (Công văn số 02 năm 2016) là căn cứ để thay đổi thẩm quyền của Tòa án. Bởi việc xem xét hủy quyết định cá biệt hay không là phụ thuộc vào thẩm quyền của Hội đồng xét xử với các tài liệu chứng cứ thu thập, đánh giá đầy đủ chứ không chỉ là nhận định ban đầu của Thẩm phán hay Hội đồng xét xử. Như thế sẽ đảm bảo thống nhất giữa BLTTDS và LTTHC. Áp dụng những Công văn hướng dẫn ngoại lệ cho Tòa án cấp huyện giải quyết tạo ra sự tùy tiện trong việc áp dụng điều luật.

Về hiệc lực pháp lý, văn bản luật (BLTTDS 2015 và LTTHC 2015) có hiệu lực pháp lý hơn các Công văn giải đáp của TANDTC (chỉ là văn bản hành chính) không thể quy định trái với văn bản luật. Điều quan trọng hơn là ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền khởi kiện của người dân, không biết Tòa án nào có thẩm quyền hủy Giấy CNQSDĐ, bởi hầu họ như không thể tìm hiểu tất cả các Công văn hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc trong hệ thống Tòa án.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015.  

2. Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13, ngày 25/11/2015.

3. Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, ngày 25/11/2015.

4. Nghị quyết số 104/2015/QH13 về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, ngày 25/11/2015.

5. Công văn số 02/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, ngày 19/9/2016.

6. Công văn số 01/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, ngày 07/4/2017.

7. Công văn số 02/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề về Tố tụng hành chính, ngày 19/9/2018.

8. Công văn số 89/TANDTC- PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, ngày 30/06/2020.


Xem thêm: 

Thủ tục và lệ phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất 

Hợp đồng cho thuê nhà


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *