Cách xác định sản phẩm mỹ phẩm?
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mỹ phẩm để kinh doanh trên thị trường hiện nay đều cần phải có giấy phép công bố mỹ phẩm theo quy định. Tuy nhiên, để xác định được mặt hàng của mình có phải là mặt hàng mỹ phẩm để làm thủ tục này hay không thì nhiều khách hàng cũng đang gặp những vướng mắc do việc phân định mặt hàng là mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thông thường, dược phẩm, thuốc, hay thiết bị y tế không phải là dễ dàng. Trong bài viết này, VPLS Dương Công sẽ cung cấp tới bạn đọc những thông tin, quy định của pháp luật để xác định được một mặt hàng có phải là mặt hàng mỹ phẩm hay không?

1- Căn cứ pháp lý
Về quy định liên quan đến mỹ phẩm thì hiện nay có những quy định như sau:
- Thông tư số: 06/2011/TT-BYT: Quy định về quản lý mỹ phẩm do Bộ Y Tế ban hành ngày 25 tháng 01 năm 2011
- Công văn số: 1609/QLD-MP: về Hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược – Bộ Y Tế ban hành ngày 10 tháng 2 năm 2012
- Thông tư số: 29/2020/TT-BYT: sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng Bộ Y Tế ban hành, liên tịch ban hành do Bộ Y tế ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2020.
2 – Khái niệm sản phẩm mỹ phẩm
Tại khoản 1, Điều 2, Thông tư số 06/2011/TT-BYT Sản phẩm mỹ phẩm được định nghĩa như sau:
“Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”
3 – Quy trình xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm mỹ phẩm hay không? (Căn cứ theo Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số: 06/2011/TT-BYT)
Để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm mỹ phẩm hay không, cần thực hiện theo 5 bước sau:
Bước 1: Kiểm tra về cấu tạo của sản phẩm
Sản phẩm mỹ phẩm phải là sản phẩm không chứa các thành phần bị cấm hoặc bị giới hạn bởi Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.
Bước 2: Xác định vị trí sử dụng của sản phẩm
- Sản phẩm mỹ phẩm phải là sản phẩm tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài của cơ thể.
- Sản phẩm có đường dùng uống, tiêm không được coi là sản phẩm mỹ phẩm.
Bước 3: Xác định dựa trên công dụng chính của sản phẩm
Sản phẩm đó cần phải có công dụng chính là Làm sạch, làm thơm hoặc điều chỉnh mùi cơ thể hoặc bảo vệ, giữ gìn chúng trong những điều kiện tốt.
Các công dụng chính của mỹ phẩm thường rõ ràng, và đơn giản, không mang tính điều trị, phục hồi, thay đổi cấu trúc, chức năng cơ thể hay tạo nên các ảnh hưởng/hiệu quả vĩnh viễn. Sản phẩm mỹ phẩm cần phải sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả.
Bước 4: Xác định dựa trên hình thức sản phẩm
Sản phẩm đã đáp ứng được đầy đủ theo 3 bước kể trên, tuy nhiên hình thức của sản phẩm lại thể hiện như để phòng bệnh và chữa bệnh cho người, hay có các từ ngữ như “điều trị”, “chữa bệnh”, “phục hồi chức năn cơ thể”,… trên nhãn sản phẩm thì cũng không được coi là một sản phẩm mỹ phẩm.
Bước 5: Xác định dựa vào công dụng khác của sản phẩm
Sản phẩm có công dụng chính là sản phẩm mỹ phẩm, tuy nhiên lại đề cập thêm những công dụng sau thì cũng không được coi là sản phẩm mỹ phẩm:
– Với các sản phẩm về da: Giảm béo/loại bỏ chất béo, giảm kích thước cơ thể, xóa sẹo, trẻ hóa làn da, trị nám, nâng ngực, chữa viêm da,….
– Với các sản phẩm về tóc: Loại bỏ gàu vĩnh viễn, Làm dày sợi tóc, chống rụng tóc, kích thích mọc tóc, trị nấm da đầu,…
– Với các sản phẩm nước hoa, xịt khử mùi: Dừng quá trình ra mồ hôi, tăng cường cảm xúc, hấp dẫn giới tính,…
– Với các sản phẩm về móng, sản phẩm triệt lông: Ngăn ngừa/làm chậm lại/dừng sự phát triển của lông; Làm dày, mỏng móng tay chân; ….
Mong rằng, qua bài viết của chúng tôi bạn đọc đã có thêm cách hiểu đúng hơn về sản phẩm mỹ phẩm cũng như nắm được quy trình xác định một sản phẩm mỹ phẩm theo quy định hiện hành.
Lưu ý: Các nội dung trong bài viết hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Xem thêm:
-
Một số lưu ý đối với Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) trong hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu
-
Mẫu giấy ủy quyền (LOA) trong hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu
-
Một số lưu ý đối với Giấy ủy quyền (POA/LOA) trong hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
📍Địa chỉ: Số 10, ngõ 40 Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
☎️Điện thoại: 0867.678.066/ 0869.562.670 (Trưởng Văn phòng)
📧Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
🌐Website: https://luatsucong.vn/
🔗 facebook: https://www.facebook.com/vplsduongcong