Mỗi độ tháng ba về, toàn thể phụ nữ trên thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng lại nô nức, phấn khởi đón chào kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Ngày Quốc tế phụ nữ (IWD) phát triển từ phong trào lao động và trở thành sự kiện thường niên được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận. Ngày 8/3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bị tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nụ với những khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ, việc làm ngang nhau, bảo vệ bà mẹ và trẻ em… Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải rút về nước.
Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, do chênh lệch thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài 2 năm, Hai Bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Dân tộc.
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.
Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, phụ nữ đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của toàn bộ dân tộc. Từ những nữ dân quân tự vệ, liên lạc, những cô gái mở đường tự nguyện tham gia cách mạng, các bà, các mẹ, các chị hăng say gia tăng sản xuất phục vụ kháng chiến, đến những bà mẹ Việt Nam anh hùng coi bộ đội như con, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí là hy sinh cả tính mạng để quân ta có cơ hội chiến thắng.
Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ và Bác đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ
nữ miền Nam Huân chương “Thành đồng” hạng Nhất. Ngày 4/10/1997, chính phủ Việt Nam đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam.
Từ thực tế của lịch sử, phụ nữ Việt Nam có bản chất kiên cường, dũng cảm, cần cù lao động, sáng tạo trong công việc, thông minh và khéo léo trên mọi lĩnh vực và là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong vi
ệc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của xã hội.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng như ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, là ngày tôn vinh và thể hiện sự yêu thương và trân trọng phái đẹp. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu và mang đến những cống hiến to lớn cho xã hội. Đây là dịp để tôn vinh vẻ đẹp và khẳng định vai trò của những người phụ nữ trong xã hội và trong cuộc sống. Đồng thời, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang hào hùng của dân tộc, biểu dương tinh thần, động lực của phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay vì sự tiến bộ của xã hội mà phụ nữ ngày càng được phát huy những tài năng vào sự nghiệp và phát triển của đất nước.