Có được quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi không

Hiện nay, tôi đang tiến hành sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung vitamin dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi, tôi muốn tiến hành xúc tiến hoạt động buôn bán nên có ý định quảng cáo trên mạng xã hội với sản phẩm này? Tôi có thể tiến hành thủ tục quảng cáo đối với sản phẩm này được không? (Chị Mai – Tuyên Quang)

Nguồn: Internet

VPLS Dương Công trả lời (câu trả lời mang tính chất minh họa):

1. Quảng cáo là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định:

1. Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”

Về cơ bản, quảng cáo có vai trò quan trọng với nhiều đối tượng khác nhau mà không phải chỉ riêng doanh nghiệp, cụ thể:

– Với doanh nghiệp: Quảng cáo không chỉ là cầu nối tiếp thị, truyền tải thông tin, thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng tiềm năng của mình mà việc thiết lập các chiến lược về sản phẩm, giả thành, nơi phân phối,… cũng trở nên dễ dàng hơn.

– Với người tiêu dùng: Các thông tin sản phẩm, dịch vụ sẽ dễ dàng được tìm thấy thông qua các loại hình quảng cáo, đồng thời người tiêu dùng có thể thuận tiện nắm rõ được sản phẩm, đảm bảo quyền lợi khi sử dụng.

– Với nhà phân phối: Sản phẩm cũng như toàn bộ cửa hàng của các nhà phân phối mặt hàng đó được quảng bá thông qua quảng cáo. Nhờ đó, chi phí bán hàng được giảm thiểu đáng kể, đồng thời thu hút được đông đảo khách hàng mua và sử dụng sản phẩm bên mình.

2. Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi

Với vai trò là một hoạt động xúc tiến thương mai, các thương nhân hoàn toàn có quyền được tiến hành hoạt động quảng cáo để đáp ứng mục đích kinh doanh của mình, tuy nhiên, pháp luật giới hạn một số sản phẩm, hành hóa, dịch vụ mà thương nhân không được tiến hành quảng cáo, cụ thể, Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định:

Điều 7. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Thuốc lá.

3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.”

Như vậy, theo Khoản 4, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi được coi là sản phẩm mà thương nhân không được phép quảng cáo.

Do đó, chị Mai không thể tiến hành quảng cáo đối với sản phẩm dinh dưỡng bổ sung vitamin dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi mà doanh nghiệp chị sản xuất.

3. Hình thức xử phạt đối với hành vi quảng cáo sản phẩm thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi

Thương nhân quảng cáo sản phẩm thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt căn cứ theo điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo:

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định: “Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân”.

Vì vậy căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

Xem thêm:

Những trường hợp cần xin giấy phép quảng cáo

Những sản phẩm, hành vi bị cấm trong quảng cáo

Có được dùng từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” trong quảng cáo?


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *