Crack là thuật ngữ rất quen thuộc với người dùng máy tính, Crack có rất nhiều lợi ích như được sử dụng mọi chức năng, không cần trả phí, không cần gia hạn,…Tuy nhiên cũng có không ít những tác hại nhất định của việc sử dụng phần mềm Crack, trong đó là việc vi phạm quy định của pháp luật về bản quyền.
1. Crack phần mềm là gì?
Crack hay còn gọi là bẻ khóa ám chỉ việc biến một phần mềm có trả phí duy trì trở thành một phần mềm miễn phí và không giới hạn thời gian. Hiện nay, rất nhiều phần mềm chuyên nghiệp chỉ cho phép người sử dụng được dùng thử trong khoảng 15 đến 30 ngày, nếu muốn tiếp tục sử dụng, bạn phải mua gói bản quyền. Do đó, một số các lập trình viên đã viết ra chương trình bẻ khóa bản quyền nhằm có thể tiếp tục sử dụng phần mềm mà không phải trả phí.
2. Hành vi Crack phần mềm có vi phạm pháp luật không
Có thể thấy Crack là một hành động can thiệp nhằm vô hiệu hóa tính năng bảo vệ bản quyền của nhà sản xuất. Do đó, hành vi trên được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2022) như sau: “Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.“
3. Trách nhiệm pháp luật đối với hành vi Crack phần mềm
Khoản 1 Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2022) quy định “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.”
Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.”
Như vậy, hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Ngoài ra, nếu cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể, Điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1.Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả; quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả; quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại; hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
+ Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
+ Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
…“
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ, tính chất và quy mô của hoạt động mà những người vi phạm mà họ có thể bị xử lý bằng các hình thức khác nhau như xử lý hành chính nếu hành vi vi phạm chưa tới quy mô thương mại, nhưng nếu hành vi đã đặt tới quy mô thương mại nhằm chuộc lợi bất chính thì những người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xem thêm:
Các hành vi bị xem là xâm phạm quyền tác giả?
Đăng ký bản quyền cho chương trình máy tính
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com