Đánh thuế VAT 10% lĩnh vực văn hóa, phim ảnh, đại biểu Quốc hội nói không nên

Không nên đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.

Nguồn: Internet

Theo quy định hiện nay, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%.

Tuy nhiên trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các hàng hóa, dịch vụ nói trên bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10%.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng không nên có sự điều chỉnh này bởi nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng văn hóa, văn hóa vừa là mục tiêu, sức mạnh nội sinh, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Ngân, thời gian vừa qua, văn hóa đã có những đóng góp cho những hoạt động quảng bá thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời thúc đẩy và thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao hiện nay còn nhiều hạn chế, dàn trải. Cho nên đáng lẽ ra nhân dịp sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần nay nên có ưu đãi nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, thể thao chứ không phải nâng mức thuế suất.

“Chúng ta nên giữ nguyên mức thuế suất 5% đối với lĩnh vực văn hóa, văn học nghê thuật, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn, sản xuất phim, phát hành và chiếu phim… Riêng những hoạt động gắn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dân gian truyền thống chúng ta nên đưa vào nhóm thuế suất 0%.

Có như vậy chúng ta mới có những chính sách hỗ trợ, động viên cho lĩnh vực văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay”, ông Ngân ý kiến.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng không nên tăng mức thuế đối với các hoạt động trên lên 10% mà nên giữ ở mức như luật hiện hành.

Theo ông Sơn: “Phải nhìn nhận việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Nếu chỉ nghĩ rằng đầu tư cho văn hóa phải thu lợi trực tiếp từ văn hóa thì sẽ rất khó cho sự phát triển văn hóa”.

Đầu tư văn hóa là đầu tư mạo hiểm, lợi nhuận không bằng những ngành kinh tế khác
Đại biểu Bùi Thanh Sơn cho rằng người kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa là đầu tư mạo hiểm. Trong số đó có người đầu tư cho lĩnh vực văn hóa vì tình yêu, vì đam mê về văn hóa chứ so với các lĩnh vực kinh tế khác không thể mang lợi nhuận được như vậy.

Việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực này có thể đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Trong khi đáng ra nên tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để phát huy vai trò thực sự của văn hóa trong việc phát triển đất nước.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng. Văn hóa như một hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước, có thể nói rằng văn hóa thịnh thì đất nước thịnh và văn hóa suy thì đất nước suy. Chính vì thế đầu tư cho văn hóa phải tính toán một cách bao quát hơn.

Nguồn: Tiến Long – Báo Tuổi trẻ


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *