Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định pháp luật. Trong trường hớp muốn thế chấp, chuyển nhượng nhà ở xã hội, người mua nhà phải tuân thủ một số điều kiện mà pháp luật quy định. Cụ thể:
1. Thế chấp nhà ở xã hội
Khoản 4 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP) quy định:
“Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép thế chấp ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó hoặc được thế chấp sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Chuyển nhượng nhà ở xã hội
Căn cứ theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP):
- Trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền mua, thuê nhà ở: Nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho các đối tượng sau:
- Bán lại cho cho Nhà nước trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư;
- Bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách);
- Bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
- Sau thời hạn 05 năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền mua, thuê nhà ở:
- Bên thuê, mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế;
- Trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật nhà ở thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư mà thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.
Ngoài ra, Khoản 6 Điều 62 Luật nhà ở 2014 cũng quy định mọi trường hợp bán nhà ở xã hội không đúng quy định thì hợp đồng mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó. Việc xử lý tiền mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Xem thêm:
Những nội dung mới của Luật Nhà ở (sửa đổi năm 2023)
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066