Chiều 15/11 tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung tâm dữ liệu quốc gia
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp rà soát, chỉnh lý quy định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng quy định về dữ liệu số; đồng thời chỉnh lý khoản 1 Điều 3 quy định giải thích từ ngữ “Dữ liệu số” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời đề nghị cho giữ tên gọi “Luật Dữ liệu” như dự thảo Luật để phù hợp với tên gọi đã được Quốc hội quyết định trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Tờ trình của Chính phủ, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, còn có ý kiến khác nhau và hiện nay có một số cơ quan đại diện, một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài gửi ý kiến kiến nghị. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về Quỹ phát triển dữ liệu (Điều 29), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức nghiên cứu rà soát, chỉnh lý quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm nguyên tắc: không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; không được chi trùng với ngân sách nhà nước; đồng thời bảo đảm không trùng lắp với hoạt động chi của các loại quỹ khác.
Liên quan đến xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (Điều 40), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Trung tâm dữ liệu quốc gia được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong đó có cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia để cung cấp hạ tầng cho các Bộ, ngành, địa phương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy. Nguồn nhân lực phục vụ vận hành, quản trị Trung tâm dữ liệu quốc gia cơ bản là đội ngũ những người làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu hiện có của Bộ Công an mà không làm phát sinh thêm biên chế. Vì vậy Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho giữ quy định xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Về sàn giao dịch dữ liệu (Điều 53), tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nghiên cứu rà soát và chỉnh lý Điều 53 theo hướng chỉ quy định nội dung cơ bản về sàn giao dịch dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung theo thẩm quyền.
Đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu, đây là một dự án luật mới và rất khó, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, cụ thể hóa được 4 chính sách quan trọng được đề nghị trong xây dựng luật. Đồng thời đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp, quán triệt nghiêm túc quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng. Khi được ban hành sẽ là công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý quan trọng cho thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng tầm xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, giúp chuyển đổi số các ngành, các cấp, các địa phương. “Chính sách của nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực dữ liệu”, nhấn mạnh nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị dự thảo Luật cần phải thể hiện rõ hơn quan điểm nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả trong nước, nước ngoài, kể cả doanh nghiệp, tư nhân để đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ số, xây dựng trung tâm dữ liệu, các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực số.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng dự thảo Luật đã có quy định về Chuyển dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng ra nước ngoài; chuyển dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và xử lý dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng ở nước ngoài (Điều 25), vậy cũng cần đặt vấn đề chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ như thế nào?
Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định của dự thảo Luật và các quy định của pháp luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như có những quy định mang tính nguyên tắc nhưng đảm bảo hài hòa với dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được xây dựng; làm rõ quy định về thu thập, tạo lập dữ liệu đối với cá nhân; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho nhà nước để phục vụ mục đích công cộng…
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí dự án Luật Dữ liệu đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Bên cạnh đó, để hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh lưu ý:
Thứ nhất, Luật chỉ quy định đúng các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung thuộc thẩm quyền.
Thứ hai, những vấn đề mới thì Luật chỉ quy định khuôn khổ, nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để dễ tổ chức thực hiện và đáp ứng yêu cầu vừa quản lý nhưng vừa khơi thông nguồn lực Dữ liệu.
Thứ ba, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ thuật lập pháp.
Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh rà soát, làm rõ các khái niệm trong dự thảo, đảm bảo thống nhất với các luật liên quan như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ số, Luật An toàn thông tin mạng. Liên quan đến nội dung chuyển dữ liệu ra nước ngoài (Điều 25), Thường vụ Quốc hội đề nghị thiết kế lại điều này để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa khơi thông dòng chảy dữ liệu trong nước và quốc tế. Về sàn giao dịch dữ liệu, Thường vụ Quốc hội nhất trí chỉ quy định khung, nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời đề nghị rà soát, chỉnh lý Điều 41 của Luật Giao dịch điện tử để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho việc quản lý, phát triển và bảo vệ dữ liệu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo yêu cầu, chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Đợt 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây.
Nguồn: Báo Mới
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel