Được tổ chức bao nhiêu lần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ?

Việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ bao nhiêu lần mới đúng quy định của pháp luật? Trên thực tế, có rất nhiều hồ sơ vụ án đều thể hiện việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ rất nhiều lần, thậm chí có vụ án từ 02 đến 03 lần trở lên, vậy có vi phạm pháp luật về tố tụng hay không? Trong bài viết dưới đây, tác giả phân tích các quy định pháp luật hiện hành, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện về việc tổ chức mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật.

TRAO ĐỔI VỀ “TỔ CHỨC PHIÊN HỌP KIỂM TRA VIỆC GIAO NỘP, TIẾP CẬN, CÔNG KHAI CHỨNG CỨ”

Quách Văn Diển – TAND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có nhiệm vụ và quyền hạn tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (theo khoản 7 Điều 48 BLTTDS) trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Khi các bên không hòa giải được thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử, đây có thể coi là bước cuối cùng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án.

Việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là bắt buộc, tuy nhiên trong một số trường hợp Thẩm phán không tiến hành mở phiên hòa giải đối với những yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản nhà nước; Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái với đạo đức xã hội (Điều 206 BLTTDS). Hoặc những vụ án không tiến hành hòa giải được do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng; Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải (Điều 207 BLTTDS). Phiên hòa giải giữa các đương sự có thể sẽ không được diễn ra nhưng phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ phải được Thẩm phán tổ chức.

Nhưng việc tổ chức nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ rất nhiều lần, vậy có vi phạm pháp luật về tố tụng không? Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì không có quy định về số lần tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Do đó rất nhiều hồ sơ vụ án mới thụ lý lần đầu rồi ra Thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nhưng sau đó do nhiều lý do khác nhau nên dẫn đến việc hòa giải không thành hoặc có nhiều tình tiết cần phải thu thập chứng cứ.

Sau khi thu thập được tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án thì Thẩm phán tiếp tục ra Thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần tiếp theo.

Theo tác giả thấy rằng, việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ chỉ được thực hiện một lần duy nhất, bởi vì liên quan đến yêu cầu phản tố đối với bị đơn, yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Bởi vì việc đưa ra các yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 của BLTTDS.

Do đó ngay từ khi Tòa án ra Thông báo thụ lý vụ án và ra Thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cùng thời điểm thì không vi phạm về tố tụng, tuy nhiên nếu vụ án còn phải tiến hành thu thập thêm tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán lại tiếp tục tiến hành tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, chứng tỏ rằng thời điểm lần này, các đương sự hay người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền đưa ra các yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thêm một lần nữa trước khi tiến hành mở phiên họp. Như vậy, trong trường hợp này việc tổ chức phiên họp lần đầu đã kết thúc và chấm dứt quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập theo quy định, nhưng do Thẩm phán tiếp tục tổ chức phiên họp tiếp theo về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho nên đương sự đều có quyền đưa ra các yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là vi phạm tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 của BLTTDS (vì đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ lần đầu).

Trong trường hợp này, theo tác giả nếu đã tổ chức phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nhưng do có nhiều tình tiết mới cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ thì chúng ta cần tổ chức phiên hòa giải lần hai và lập duy nhất biên bản hòa giải, các tài liệu, chứng cứ mới thu thập được thì chúng ta công bố và ghi trong biên bản hòa giải, vì vậy đảm bảo cho các đương sự được nghe và tiếp cận được tài liệu, chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật.

Do đó, theo tác giả cho rằng cần làm sáng tỏ vụ án, thu thập tất cả các tài liệu, chứng cứ một cách đầy đủ và toàn diện, sau đó mới tổ chức phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải sẽ đảm bảo được quyền đưa ra các yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự theo đúng quy định của tố tụng dân sự.

Đối với việc hòa giải nhiều lần thì không vi phạm vì luật không quy định bao nhiêu lần, trường hợp hòa giải nhiều lần cần khuyến khích kiên trì nhằm giúp cho đương sự tự thỏa thuận được với nhau sẽ tốt nhất cho các bên.

Trên đây là ý kiến của tác giả về vấn đề tổ chức phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ bao nhiêu lần mới đúng, mong các bạn đọc cho thêm ý kiến và đưa ra giải pháp để hoàn thiện hơn.


Xem thêm:

Quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự

Bàn về văn bản ủy quyền tham gia tố tụng dân sự

Quy định về định giá tài sản trong tố tụng dân sự


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *