Hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Trong bối cảnh ngày càng phát triển của xã hội hiện đại, vấn đề về an toàn thực phẩm và nghĩa vụ của người tiêu dùng đang trở thành một trong những điểm nóng thu hút sự quan tâm đặc biệt. Việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Nghĩa vụ của người tiêu dùng đối với thực phẩm vô cùng quan trọng, bài viết dưới đây của Thạc sĩ Thái Quốc Phong đưa ra nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm và hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người tiêu dùng. 

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG THỰC PHẨM THEO LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG NĂM 2023

ThS. Thái Quốc Phong

Trường Cao đẳng Luật miền Nam

1. Thực trạng pháp luật về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm ở Việt Nam hiện nay

Pháp luật về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm được tìm thấy trong các quy định về nghĩa vụ của công dân, nghĩa vụ của người tiêu dùng và trong các quy định về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể, các quy định pháp luật về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm được thể hiện chủ yếu trong các văn bản như: Hiến pháp năm 2013[1], Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024)[2], Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007… và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khái quát lại các quy định, có thể thấy, người tiêu dùng thực phẩm có các nhóm nghĩa vụ cơ bản như sau:

Thứ nhất, nhóm các quy định về nghĩa vụ đặc trưng của người tiêu dùng thực phẩm. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định ba nhóm nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm, đó là: (i) Tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm; (ii) Kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; (iii) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng thực phẩm[3].

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định sáu nhóm nghĩa vụ cơ bản của người tiêu dùng. Ngoài 03 nhóm nghĩa vụ mang tính chất tương tự như Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định thì người tiêu dùng thực phẩm còn phải thực hiện các nghĩa vụ như: Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận theo quy định của pháp luật, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tiêu dùng không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình và của người khác; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật[4].

Có thể thấy, nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm về cơ bản đã được cụ thể trong luật chuyên ngành là Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và được quy định một cách khá đầy đủ theo tinh thần của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Điều này thể hiện sự đầy đủ, rõ ràng trong các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận thức rõ nghĩa vụ của mình, từ đó hạn chế vi phạm, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của chính họ, tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, trong các quy định này có một số bất cập nhất định:

– Có sự mất cân đối giữa các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm. Nhóm các quyền luôn nhiều hơn so với nhóm nghĩa vụ. Cụ thể, trong Luật An toàn thực phẩm năm 2010, người tiêu dùng thực phẩm có 05 quyền và có 03 nghĩa vụ, trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, họ có 11 quyền và 06 nghĩa vụ. Dẫu biết rằng người tiêu dùng là bên yếu thế và cần được bảo vệ nhưng ở một mức độ nhất định, rất cần thiết phải có sự hài hòa, cân xứng tương đối để bảo đảm nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

– So với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 thì Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định chưa đầy đủ các nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm, chỉ mới thể hiện được 03/06 nghĩa vụ. Thời gian qua, không ít trường hợp người tiêu dùng thực phẩm đã vi phạm các nghĩa vụ chưa được thể chế hóa cụ thể trong Luật An toàn thực phẩm như: Thói quen tiêu dùng “ưa chuộng” thực phẩm rẻ mà không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, tiêu dùng thực phẩm trái với thuần phong mỹ tục dân tộc, cụ thể, một số người tiêu dùng ưa chuộng thực phẩm giết mổ tươi sống, một số trường hợp cung cấp thông tin sai lệch về chất lượng sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh…

Thứ hai, nhóm các quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm trong các quy phạm nguyên tắc.

Các quy định này mang tính khái quát hóa nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm. Chẳng hạn như, tại điều khoản về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội và việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh[5]. Bên cạnh đó, Điều 3 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định sáu nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm nhưng hầu như không đề cập đến trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm, mà chỉ tập trung vào tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Có thể nói, các quy định nguyên tắc này hoàn toàn cần thiết và phù hợp, là nền tảng tư tưởng để cụ thể hóa các quy định hay tổ chức thực hiện bảo đảm tính khả thi, hài hòa trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Tuy nhiên, các quy định này mang tính khái quát khá cao, rất ít hoặc không có các quy phạm điều chỉnh hay tác động trực tiếp đến nghĩa vụ người tiêu dùng thực phẩm, có chăng là những quy phạm ấn định trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đây cũng là một trong những hạn chế của hệ thống quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là Luật An toàn thực phẩm năm 2010, chưa phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Thứ ba, nhóm các quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm trong các quy định về xử lý vi phạm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định, người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh[6]. Rà soát Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cho thấy, không có quy định mô tả hành vi bị cấm của người tiêu dùng thực phẩm, toàn bộ quy định là những hành vi bị cấm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm[7]. Riêng trong các quy định hướng dẫn thi hành tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có thể liệt kê một số quy định có đề cập đến trách nhiệm của người tiêu dùng thực phẩm như: Tại khoản 2 Điều 23 quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, hay khoản 1 Điều 25 quy định “phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện sự cố an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, tinh thần của những quy định này không chỉ hướng tới đối tượng bị xử lý duy nhất là “người tiêu dùng thực phẩm” mà là tinh thần trách nhiệm chung của mọi các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Có thể thấy, các quy định về xử lý vi phạm trong thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm chỉ hạn chế ở một số quy phạm nhất định, hoặc lồng ghép chung cùng các chủ thể khác, đa phần hướng tới xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Điều này khá hợp lý vì người tiêu dùng là bên yếu thế nên cần được bảo vệ trong quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một khi đã quy định nghĩa vụ của họ thì cần có những chế tài tương ứng để buộc họ phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm minh các nghĩa vụ của mình. Một khi pháp luật quy định nghĩa vụ nhưng thiếu đi các quy phạm chế tài thì tính răn đe thực hiện các nghĩa vụ đó sẽ chưa cao.

Thứ tư, nhóm các quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm trong các quy định về giải quyết tranh chấp.

Khi phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, pháp luật sẽ dành phần lớn các quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhưng cũng không có nghĩa là loại trừ tất cả những nghĩa vụ của họ. Trong thủ tục thương lượng, khoản 2 Điều 59 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định, trong quá trình thương lượng, người tiêu dùng có trách nhiệm như: Thương lượng theo quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội, quyền, trách nhiệm công dân, trình bày đúng sự thật các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan; thực hiện kết quả thương lượng thành trên nguyên tắc trung thực, thiện chí… Quy định rõ ràng về trách nhiệm trong quá trình thương lượng là hết sức phù hợp nhằm giúp cho tranh chấp được giải quyết ổn thỏa, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Trong tố tụng trọng tài và Tòa án, khoản 1 Điều 69 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định: “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Quy định thể hiện rõ nghĩa vụ buộc phải thực hiện và nghĩa vụ được loại trừ của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng có hai nghĩa vụ cơ bản phải thực hiện là: (i) Cung cấp chứng cứ; (ii) Chứng minh và nghĩa vụ loại trừ là chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh của các đương sự[8].

Ngoài ra, việc quy định về nghĩa vụ chứng minh, đặc biệt loại trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh vừa ấn định được trách nhiệm của người tiêu dùng, vừa bảo vệ người tiêu dùng, bên được xem là yếu thế trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, tạo ra vị thế công bằng tương đối giữa người tiêu dùng và bên sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Tuy nhiên, nghĩa vụ “cung cấp chứng cứ” là phù hợp, trong khả năng của người tiêu dùng và cần cân nhắc tính khả thi, tính thực tiễn quy định nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng trong trường hợp họ tự đi khởi kiện.

Ảnh minh họa

2. Đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định đặc trưng về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm trong Luật An toàn thực phẩm theo hướng: (i) Tương xứng một cách tương đối với các quy định về quyền của người tiêu dùng thực phẩm; (ii) Bổ sung đầy đủ, tương thích về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm so với các quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; (iii) Bổ sung một số nghĩa vụ đặc thù của người tiêu dùng thực phẩm trong Luật An toàn thực phẩm. Một số nghĩa vụ cân nhắc bổ sung như: Kiểm tra thông tin về thực phẩm, tiêu dùng thực phẩm an toàn cho sức khỏe và môi trường, tiêu dùng thực phẩm xanh bền vững, tiêu dùng thực phẩm không trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức dân tộc, tiêu dùng thực phẩm nhưng không nguy hại đến quyền lợi, tính mạng, sức khỏe của người khác… Với những quy định được bổ sung như vậy sẽ góp phần làm cân đối, hài hòa giữa các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm, tương thích với các quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và đặc biệt là có những quy phạm đặc thù, riêng biệt so với nghĩa vụ chung của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ một cách tốt nhất tính mạng, sức khỏe con người.

Thứ hai, bổ sung một khoản trong điều luật quy định về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm tại Luật An toàn thực phẩm để khẳng định rằng, người tiêu dùng thực phẩm cũng phải có nghĩa vụ (không nhất thiết phải thiết kế điều khoản nguyên tắc ngang bằng về nghĩa vụ giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng vì như vậy sẽ mâu thuẫn với tinh thần bảo vệ bên “yếu thế” trong các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Có như vậy, mới tạo sự cân xứng tương đối, công bằng trong môi trường kinh doanh, tạo cơ sở nghiêm minh cho việc thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm, thể hiện được tinh thần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Thứ ba, bổ sung các quy định về chế tài xử lý khi người tiêu dùng thực phẩm vi phạm nghĩa vụ. Hiện tại, các quy định về xử lý vi phạm còn khá thiên về xác định các hành vi vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cần bổ sung các điều khoản tương ứng với việc không chấp hành hoặc không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm. Các chế tài cần quy định rõ ràng, có tính răn đe cao, đặc biệt là đối với những người tiêu dùng có tâm lý “tẩy chay”, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Thậm chí, trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể quy định chuyển từ trách nhiệm hành chính, dân sự sang trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm nghĩa vụ có tính chất nguy hiểm cao. Quy định như vậy sẽ góp phần tạo sự đồng bộ trong quy định của pháp luật, giúp người tiêu dùng thực phẩm ý thức cao hơn việc thực hiện nghĩa vụ của mình, qua đó, giúp tạo lập, xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, bền vững.

Thứ tư, cân nhắc loại trừ nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng trong trường hợp tự đi khởi kiện. Theo đó, pháp luật cần quy định theo hướng ngoài việc không phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thì đối với nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, có thể ấn định hẳn trách nhiệm này cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với vai trò là tổ chức chuyên môn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, là chủ thể mang tính khách quan và tôn chỉ hoạt động là hỗ trợ tối đa cho bên “yếu thế” thì thiết nghĩ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cần quy định: “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Quy định loại trừ nghĩa vụ chứng minh như vậy sẽ thể hiện tính khả thi hơn trên thực tế, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thực hiện được việc cung cấp chứng cứ (như hóa đơn, biên lai mua hàng tại cơ sở kinh doanh thực phẩm, giấy xác nhận của cơ sở y tế về điều trị do sử dụng thực phẩm không an toàn…) còn nghĩa vụ chứng minh thiệt hại nên giao về cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy, vừa giảm được gánh nặng cho người tiêu dùng, giúp họ có niềm tin trong theo đuổi các vụ kiện để lấy lại quyền lợi, vừa phát huy được vai trò của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng thực phẩm.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao khả năng thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm. Xét ở mối tương quan giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm thì người tiêu dùng luôn là bên yếu thế, do đó, dù biết rằng cần phải sửa đổi các quy định về nghĩa vụ của họ để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, khách quan, công bằng nhưng để họ có thể thực hiện tốt được nghĩa vụ của mình trên thực tế thì một số giải pháp cần chú trọng như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, một khi trình độ, nhận thức của người tiêu dùng được nâng cao thì họ mới có khả năng thực hiện tốt các nghĩa vụ của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tạo điều kiện, giúp người tiêu dùng thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, khuyến khích người tiêu dùng thực hiện các nghĩa vụ một cách trung thực, thiện chí; tăng cường chất lượng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực của đội ngũ chấp hành pháp luật; xây dựng cơ chế vinh danh các cá nhân gương mẫu trong việc thực thi nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm…

Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không những chỉ xem xét đến các quy định kinh điển về quyền lợi của người tiêu dùng mà cần được xem xét ở khía cạnh “nghĩa vụ”, “trách nhiệm” của chính bản thân chủ thể được bảo vệ – người tiêu dùng thực phẩm. Điều đó sẽ góp phần hài hòa lợi ích các bên, góp phần ngày càng nâng tầm vị thế, vai trò của người tiêu dùng thực phẩm, qua đó, góp phần bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập./.


[1]. Điều 15 và Điều 46 Hiến pháp năm 2013.

[2]. Trong điều kiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sắp có hiệu lực (từ ngày 01/7/2024), nội dung của bài viết này chủ yếu sử dụng các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 để phân tích, so sánh.

[3]. Khoản 2 Điều 9 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

[4]. Điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

[5]. Khoản 1 và khoản 5 Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

[6]. Khoản 4 Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

[7]. Điều 5 và Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

[8]. Điểm a khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 407), tháng 6/2024)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *