Hướng dẫn Báo cáo tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh có thể yêu cầu Doanh nghiệp báo cáo việc thực hiện Báo cáo tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp và Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo khi có yêu cầu này.

1- Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật cơ bản sau:

 – Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp;

 – Góp đủ vốn điều lệ và đúng thời hạn quy định (trong 90 ngày) sau khi được cấp Giấy Chứng nhận ĐKDN; lập và lưu giữ Sổ đăng ký cổ đông/đăng ký thành viên góp vốn tại trụ sở Công ty; Cấp chứng góp vốn/cổ phần cho thành viên, cổ đông đúng quy định Luật doanh nghiệp;

 – Gắn biển tên doanh nghiệp bên ngoài trụ sở chính; đảm bảo sự hiện diện và duy trì hoạt động thường xuyên tại địa chỉ đã đăng ký;

 – Chấp hành đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước;

– Thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông tin đăng ký doanh nghiệp với Phòng ĐKKD trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi;

 – Chấp hành đầy đủ các quy định, yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước;

 – Chấp hành chế độ báo cáo theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh.

2- Trong quá trình hoạt động, nếu gặp khó khăn hoặc không thuận lợi trong kinh doanh thì doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, nhưng:

Phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng.

– Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

3- Thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ báo cáo:

– Theo quy định tại điểm c Khoản 1  Điều 216 Luật DN 2020: Phòng đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ, quyền hạn “Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp”.

– Trường hợp: Phòng ĐKKD tiếp nhận thông tin về việc doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; vi phạm pháp luật thuế; không thực hiện nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế… Phòng ĐKKD ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp theo nhiệm vụ, thẩm quyền.

– Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chấp hành chế độ báo cáo theo yêu cầu của Phòng ĐKKD trong thời hạn thông báo. Nếu doanh nghiệp không thực hiện và chấp hành chế độ báo cáo đúng thời hạn, thì Phòng ĐKKD sẽ ra Thông báo doanh nghiệp vi phạm và tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vi phạm theo trình tự quy định. Cụ thể:

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm về thuế, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký bị Cơ quan thuế khóa mã số thuế và và gửi Thông báo doanh nghiệp vi phạm đến Phòng ĐKKD. Phòng ĐKKD phải ra Thông báo (lần 1) yêu cầu doanh nghiệp báo cáo việc tuân thủ Luật Doanh nghiệp (theo quy định điểm c Khoản 1  Điều 216 Luật DN 2020. Quá thời hạn mà doanh nghiệp không có báo cáo, Phòng ĐKKD ra Thông báo (lần 2) về vi phạm của doanh nghiệp và yêu cầu Người đại diện pháp luật DN phải đến Phòng để giải trình trực tiếp. Quá thời hạn quy định (6 tháng kể từ ngày hết hạn TB lần 2) nếu nếu DN không đến giải trình, hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng ĐKKD sẽ ra Quyết định thu hồi Giấy Đăng ký doanh nghiệp đối với DN theo quy định.

4- Quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về đăng ký doanh nghiệp:

Trên cơ sở nội dung báo cáo của doanh nghiệp và các tài liệu chứng minh kèm theo, Phòng ĐKKD kiểm tra, đối chiếu với nội dung đã báo cáo, giải trình:

 – Trường hợp xác định các vi phạm của doanh nghiệp là chủ quan (hành vi vi phạm tương ứng tại các điều từ Điều 43 đến Điều 61 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ, Phòng ĐKKD sẽ kiểm tra, đối chiếu các nội dung báo cáo, xem xét các hành vi vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp và đề nghị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư ra xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định.

  – Trường hợp doanh nghiệp đảm bảo chấp hành, tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, đến thời điểm báo cáo doanh nghiệp đã chủ động khắc phục xong các vi phạm pháp luật về thuế; doanh nghiệp đã được Cơ quan thuế có văn bản chấp thuận khôi phục mã số thuế; những vi phạm của doanh nghiệp có nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng… Phòng sẽ xem xét, chấp thuận hồ sơ báo cáo và sẽ thực hiện gỡ bỏ khóa vi phạm, mở lại trạng thái hoạt động cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin ĐKDN Quốc Gia;

  • Lưu ý chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký doanh nghiệp:

 – Doanh nghiệp cần tải, in và lưu giữ Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ để tìm hiểu về các hành vi vi phạm về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nắm bắt để tránh các thiếu sót, vi phạm có nguy cơ mắc phải do thiếu hiểu biết trong quá trình hoạt động kinh doanh và quản lý, điều hành doanh nghiệp.

 – Các vi phạm phổ biến hiện nay của doanh nghiệp và mức xử phạt hành chính theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:

Hành vi vi phạm Mức phạt Căn cứ pháp lý
–  Vi phạm về chế độ báo cáo: Chậm báo cáo theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh; Báo cáo không đầy đủ nội dung, không chính xác theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh Mức phạt: 10 – 15 tr (Khoản 1 Điều 48)
– Không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký; bỏ kinh doanh, tự  ngừng kinh doanh mà không đăng ký Mức phạt: 10 – 15 tr (điểm c Khoản 1 Điều 50)
– Thay đổi trụ sở mà không đăng ký với Phòng ĐKKD trong thời hạn quy định Mức phạt từ: 3,0  – 30 tr (Theo thời hạn tại Điều 44)
– Không treo biển tên của doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD, ĐĐKD tại địa chỉ đã đăng ký,

– Không cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty;

– Không lập Sổ đăng ký thành viên/Sổ đăng ký cổ đông

– Không lưu giữ đầy đủ các tài liệu theo Điều 11 Luật Doanh nghiệp tại trụ sở chính

Mức phạt: 30 – 50 tr (Khoản 2 Điều 52)
– Kinh doanh ở địa điểm khác mà không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh Mức phạt: 20 – 30 tr (điểm c Khoản 1 Điều 54)
– Vi phạm về kê khai khống vốn điều lệ Mức phạt: 20 – 100 tr (Khoản 1,2,3,4,5 Điều 47)
– Không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn mà thành viên/cổ đông sáng lập không góp đủ vốn Mức phạt: 30 – 50 tr (Khoản 3 Điều 46)

5- Lưu ý việc khắc phục vi phạm về thuế, lập và gửi báo cáo theo yêu cầu của Cơ quan ĐKKD:

– Doanh nghiệp phải lập Báo cáo bằng văn bản theo Đề cương (liên hệ với Phòng ĐKKD để nhận Đề cương báo cáo) về việc tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp trong quá trình hoạt động có các nội dung theo Đề cương gợi ý các nội dung báo cáo   và nộp đến Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định ghi trên Thông báo của Phòng ĐKKD đã gửi đến doanh nghiệp;

– Trường hợp tại thời điểm nhận được Thông báo yêu cầu báo cáo của Phòng ĐKKD, nhưng Doanh nghiệp vẫn đang ở tình trạng bị khóa mã số thuế (chưa khắc phục xong vi phạm thuế) thì Doanh nghiệp phải gửi văn bản đến Phòng thông báo việc: Doanh nghiệp đã nhận được Thông báo và đang làm việc với Cơ quan quản lý thuế để khắc phục vi phạm, khôi phục lại mã số thuế, đồng thời đề nghị sau khi khôi phục mã số thuế sẽ lập báo cáo gửi Phòng ĐKKD theo quy định. Sau khi đã được cơ quan thuế có Thông báo khôi phục mã số thuế bằng “văn bản” (thông báo khôi phục mã số thuế là tài liệu phải có để nộp kèm theo Báo cáo gửi đến Phòng ĐKKD), doanh nghiệp phải lập báo cáo có đầy đủ nội dung theo yêu cầu, nộp đến Phòng ĐKKD để xem xét, gỡ bỏ khóa cảnh báo/vi phạm và mở lại trạng thái hoạt động cho doanh nghiệp.

6- Hồ sơ Báo cáo nộp đến Phòng ĐKKD để đề nghị gỡ khóa, mở lại trạng thái hoạt động của doanh nghiệp gồm:

– Báo cáo tuân thủ, giải trình vi phạm và đề nghị mở khóa doanh nghiệp 
 – Bản sao công chứng Thông báo khôi phục mã số thuế của Chi cục Thuế (để chứng minh đã khắc phục xong các vi phạm về thuế);

 – Ảnh chụp toàn cảnh bên ngoài trụ sở + biển hiệu tên doanh nghiệp (để chứng minh doanh nghiệp đã và đang hoạt động đúng địa chỉ đã đăng ký);

 – Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ vào công ty theo cam kết và đăng ký: Báo cáo tài chính năm năm liền kề + Sao kê của Ngân hàng xác nhận số vốn góp của cổ đông/Thành viên/Chủ sở hữu đã nộp vào tài khoản công ty + Sổ đăng ký cổ đông/Sổ đăng ký thành viên (đối với công ty cổ phần, công ty TNHH có 2 thành viên trở lên)

 – Người đại diện pháp luật trực tiếp đến báo cáo, giải trình. Nếu ủy quyền cho người khác phải có: Giấy giới thiệu + CMND công chứng của người được ủy quyền đến báo cáo.

Đọc thêm: Khôi phục mã số thuế 

                 Một số lưu ý sau thay đổi đăng ký kinh doanh

Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Mọi thắc măc vui lòng  liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066 (giờ hành chính)
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *