Ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm

Ký quỹ là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, là một trong các điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm. Dưới đây là một số quy định pháp luật về vấn đề này:

1. Nghĩa vụ ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ).

Tiền ký quỹ của doanh nghiệp được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ việc làm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Nộp tiền ký quỹ

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm nộp tiền ký quỹ theo quy định của ngân hàng nhận ký quỹ và tuân thủ quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng nhận ký quỹ và phù hợp quy định của pháp luật.

Ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục ký quỹ.

Trường hợp thay đổi một trong các thông tin trên giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm, gồm: tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính thì doanh nghiệp gửi thông tin tới ngân hàng nhận ký quỹ.

3. Rút tiền ký quỹ

3.1. Các trường hợp rút tiền ký quỹ

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:

  • (1) Doanh nghiệp không được cấp giấy phép;
  • (2) Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép;
  • (3) Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng nhận ký quỹ khác;
  • (4) Doanh nghiệp gặp khó khăn, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động, người sử dụng lao động do vi phạm quy định về dịch vụ việc làm sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày đến thời hạn bồi thường theo quy định của pháp luật.

3.2. Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, gồm:

  • Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp;
  • Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm tại ngân hàng nhận ký quỹ khác đối với trường hợp (2)
  • Báo cáo việc hoàn thành nghĩa vụ và văn bản chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ đối với trường hợp (3)
  • Phương án sử dụng số tiền rút từ tài khoản ký quỹ gồm lý do, mục đích rút tiền ký quỹ; danh sách người lao động, người sử dụng lao động, số tiền, thời gian, phương thức thanh toán đối với trường hợp (4)

3.3. Hồ sơ rút tiền ký quỹ gửi ngân hàng nhận ký quỹ, gồm:

  • Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp 
  • Văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Chứng từ rút tiền ký quỹ theo quy định của ngân hàng nhận ký quỹ (nếu có).

3.4. Trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ như mục 3.2 đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác thực hồ sơ, việc hoàn thành các nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ, phương án sử dụng tiền ký quỹ (nếu có), gửi doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ. Trường hợp không đồng ý về việc rút tiền ký quỹ thì có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do;

Bước 2: Sau khi có văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ, doanh nghiệp nộp hồ sơ như mục 3.3 tại ngân hàng nhận ký quỹ;

Ngân hàng nhận ký quỹ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, nếu đúng quy định thì ngân hàng nhận ký quỹ cho doanh nghiệp thực hiện rút tiền ký quỹ trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ rút tiền ký quỹ.

Trường hợp rút tiền ký quỹ theo trường hợp (4) thì việc thanh toán, bồi thường cho người lao động, người sử dụng lao động do ngân hàng nhận ký quỹ trực tiếp chi trả theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.

Bước 3: Áp dụng riêng với trường hợp rút tiền ký quỹ theo trường hợp (4)

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày rút tiền ký quỹ để thanh toán, doanh nghiệp phải nộp bổ sung tiền ký quỹ.

Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hết hạn mà doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ thì ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của ngân hàng nhận ký quỹ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép của doanh nghiệp.


Xem thêm:

Điều kiện hoạt động dịch vụ việc làm

Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *