Miễn trách nhiệm là quá trình giải phóng bên vi phạm khỏi các trách nhiệm pháp lý mà họ nên chịu do hành vi vi phạm hợp đồng. Trong pháp luật Việt Nam, việc miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định trong cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết của Thạc sĩ Phạm Minh Quốc dưới đây sẽ đưa ra những thông tin cần thiết.
MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
ThS. Phạm Minh Quốc
Khoa Luật, Đại học Thương mại
1. Khái quát về miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
1.1. Bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Trong pháp luật thực định, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 không trực tiếp đưa ra định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa (HĐMBHH), song có thể thấy, các giao dịch mua bán hàng hóa suy cho cùng có bản chất của các giao dịch mua bán tài sản[1]. Theo đó, có thể xác định bản chất pháp lý của HĐMBHH trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng mua bán tài sản, bởi lẽ HĐMBHH có bản chất chung của hợp đồng – là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán.
Xuất phát từ các khái niệm về “hợp đồng”, “hợp đồng mua bán tài sản”, “mua bán hàng hóa” đã được nêu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005[2], khái niệm về HĐMBHH có thể được hiểu như sau: HĐMBHH là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán, bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa.
Trong giao dịch hợp đồng, về nguyên tắc, bên có hành vi vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm do sự vi phạm của mình. Điều này được ghi nhận trong bình diện pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước[3]. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”[4]. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, “vi phạm hợp đồng” có thể được hiểu là “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình”[5]. Luật Thương mại năm 2005 cũng đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”[6].
Pháp luật thực định của Việt Nam không trực tiếp đưa ra định nghĩa về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TNBTTH) do vi phạm hợp đồng nói chung và do vi phạm HĐMBHH nói riêng, tuy nhiên các nhà làm luật đã đưa ra khái niệm về bồi thường thiệt hại (BTTH) trong Luật Thương mại năm 2005, theo đó: “BTTH là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”[7]. Dù chưa có quy định cụ thể về TNBTTH là gì, song Luật Thương mại năm 2005 cũng đã chỉ ra 03 điều kiện để xác định TNBTTH phát sinh khi: (i) Tồn tại vi phạm hợp đồng; (ii) Có thiệt hại thực tế; (iii) Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại[8]. Đáng lưu ý, trong quy định này, nhà làm luật có đề cập đến yêu cầu “trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”, TNBTTH sẽ phát sinh khi có đủ các điều kiện nêu trên.
Trong khoa học pháp lý, đã có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh cách hiểu về khái niệm TNBTTH do vi phạm hợp đồng thương mại nói chung và do vi phạm HĐMBHH nói riêng. Tuy nhiên, các quan điểm này đều có sự thống nhất khi cho rằng: Hành vi vi phạm HĐMBHH của các bên tham gia hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng một hoặc nhiều loại chế tài khác nhau trong đó BTTH là loại chế tài được áp dụng khá phổ biến, đồng thời, bản chất pháp lý của vấn đề TNBTTH do vi phạm HĐMBHH bao gồm một số nội hàm sau:
Thứ nhất, TNBTTH do vi phạm HĐMBHH là một loại trách nhiệm tài sản.
Thứ hai, TNBTTH do vi phạm HĐMBHH được thực hiện phải gắn liền với hoạt động thương mại của thương nhân và đối tượng của HĐMBHH là loại hàng hóa được lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật[9]. Theo đó, pháp luật điều chỉnh việc áp dụng TNBTTH do vi phạm HĐMBHH sẽ ưu tiên cho các quy định của Luật Thương mại năm 2005 với tư cách là luật chuyên ngành, còn Bộ luật Dân sự năm 2015 được coi là bộ luật chung cho hệ thống luật tư[10].
Thứ ba, chủ thể chịu TNBTTH do vi phạm HĐMBHH luôn là chủ thể đã có hành vi vi phạm hợp đồng và hành vi đó đã gây ra hậu quả thiệt hại cho chủ thể bị vi phạm trong quan hệ hợp đồng. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa TNBTTH do vi phạm hợp đồng nói chung và HĐMBHH nói riêng với TNBTTH ngoài hợp đồng.
Thứ tư, điều kiện áp dụng BTTH do vi phạm hợp đồng thương mại nói chung và HĐMBHH nói riêng là không cần sự thỏa thuận trước. Trong Luật Thương mại năm 2005, một khi có đủ 03 yếu tố làm phát sinh TNBTTH (như đã nêu trên), bên vi phạm hợp đồng thương mại luôn phải chịu TNBTTH cho bên bị vi phạm, kể cả trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc BTTH.
Thứ năm, TNBTTH do vi phạm HĐMBHH luôn phải gắn liền với những thiệt hại thực tế, trực tiếp[11].
1.2. Quan niệm về miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Ở phương diện lý luận, vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói chung và vi phạm HĐMBHH nói riêng được đặt ra xuất phát từ thực tế là: Quá trình thực hiện hợp đồng không phải lúc nào cũng thuận lợi, sự vi phạm hợp đồng xảy ra có thể bởi những nguyên nhân hoàn toàn không có lỗi của chủ thể vi phạm hợp đồng[12]. Vì vậy, pháp luật cần có những quy định để miễn trừ trách nhiệm cho những vi phạm hợp đồng mà không có lỗi của bên vi phạm[13]. Nguyên tắc pháp lý này đã được ghi nhận trong pháp luật hợp đồng cả trên bình diện pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Cụ thể, Ủy ban của Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) có đưa ra quan điểm về miễn trách nhiệm khi vi phạm HĐMBHH là việc bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như việc khắc phục hậu quả nếu chứng minh được mình không có lỗi khi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ của hợp đồng[14].
Ở Việt Nam, các căn cứ miễn trừ TNBTTH không chỉ được ghi nhận ở Bộ luật Dân sự năm 2015 mà còn được ghi nhận trong các luật chuyên ngành. Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận hai trường hợp không phải chịu trách nhiệm dân sự khi bên có nghĩa vụ không thực đúng nghĩa vụ gồm: (i) Do sự kiện bất khả kháng; (ii) Chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền[15]. Đối với TNBTTH do vi phạm hợp đồng thương mại nói chung và do vi phạm HĐMBHH nói riêng, Luật Thương mại năm 2005 lại ghi nhận bốn nhóm căn cứ miễn trừ đó là: (i) Theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng; (ii) Thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng; (iii) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm; (iv) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Ngoài ra, Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định rõ nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm thuộc về bên vi phạm hợp đồng. Điều này có thể thấy rằng, những căn cứ miễn TNBTTH trong Luật Thương mại năm 2005 có sự mở rộng và chi tiết hơn so với các căn cứ chung trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, việc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (Luật Thương mại) khi điều chỉnh các quan hệ hợp đồng thương mại nói chung và mua bán hàng hóa nói riêng sẽ khiến cho phạm vi áp dụng các trường hợp miễn trừ TNBTTH do vi phạm HĐMBHH được tăng cường hơn.
Từ những lập luận nêu trên, có thể rút ra khái niệm: Miễn trừ TNBTTH do vi phạm HĐMBHH là việc bên có hành vi vi phạm HĐMBHH (bên bán hoặc bên mua) không phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra (thực tế và trực tiếp) nếu chứng minh được mình ở vào các trường hợp do các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc do pháp luật đã có quy định.
2. Một số bất cập của pháp luật Việt Nam về miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Thứ nhất, điểm a khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 cho phép các bên tham gia hợp đồng thương mại nói chung và HĐMBHH nói riêng có thể thỏa thuận về sự miễn trừ TNBTTH. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ thể hiện sự công nhận việc “xảy ra các trường hợp miễn trách mà các bên đã thỏa thuận” là căn cứ để bên vi phạm hợp đồng được miễn trách, song chưa có sự quy định rõ các điều kiện về tính chất mức độ của sự vi phạm và thiệt hại đã gây ra, cũng như chưa có quy định cụ thể về điều kiện hợp pháp của các sự kiện được dự liệu là “trường hợp miễn trách” mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này có thể khiến cho các bên tham gia hợp đồng có cơ hội lợi dụng điều khoản miễn trừ TNBTTH để cố ý vi phạm, gây ra thiệt hại cho bên kia, hoặc tạo rạ những điều kiện bất bình đẳng, bất lợi cho các bên giao kết HĐMBHH nói riêng và hợp đồng thương mại nói chung.
Thứ hai, với tư cách là một căn cứ để một bên hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng, song quy định về sự kiện bất khả kháng trong cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 còn sơ sài, chưa có những quy định rõ ràng về các điều kiện để công nhận một sự kiện xảy ra trong thực tế được coi là “bất khả kháng”. Mặc dù khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chỉ ra rằng: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”, song đây là quy định liên quan đến cách xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự chứ không phải là một quy định độc lập. Luật Thương mại năm 2005 cũng không có quy định nào đề cập cụ thể giúp cho việc xác định và công nhận một sự kiện bất khả kháng. Tại các điều 294, 295, 296 Luật Thương mại năm 2005 có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề này, tuy nhiên, theo hướng khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm hợp đồng phải có sự thông báo “ngay” hoặc “kịp thời” cho bên kia về trường hợp loại trừ trách nhiệm, nếu không thì vẫn phải chịu TNBTTH.
Thứ ba, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 đều đã ghi nhận việc bên vi phạm được miễn trừ trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, tuy nhiên, chưa có quy định nào ghi nhận trường hợp miễn trừ TNBTTH khi sự vi phạm là do lỗi của bên thứ ba. Thực tiễn điều chỉnh các HĐMBHH quốc tế cho thấy, Công ước Viên năm 1980 (CISG) có ghi nhận căn cứ xác định miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng liên quan đến sự vi phạm của bên thứ ba15. Theo đó, bên vi phạm nghĩa vụ trong HĐMBHH sẽ được miễn trừ trách nhiệm với bên bị vi phạm nếu như sự vi phạm nghĩa vụ này là do người thứ ba mà bên này “thuê thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng” gặp sự kiện bất khả kháng và thỏa mãn những điều kiện cụ thể được nêu ra tại Điều 79 của Công ước này. Như vậy, so với CISG, pháp luật Việt Nam chưa có sự tương thích về cách quy định này.
Thứ tư, liên quan đến trường hợp được miễn trừ do thi hành quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, có thể thấy rằng, hiện nay, cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 chưa có quy định rõ loại quyết định nào của cơ quan quản lý nhà nước nào, ở cấp độ nào, là có căn cứ pháp lý để áp dụng miễn trừ. Bên cạnh đó, cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 cũng chưa tính đến trường hợp sự vi phạm hợp đồng là do bên vi phạm đã phải thi hành quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, song bản thân quyết định của cơ quan nhà nước này lại trái pháp luật hoặc không đúng thẩm quyền. Trong trường hợp này, pháp luật chưa có quy định rõ liệu bên vi phạm hợp đồng có được miễn TNBTTH hay không, cũng như chưa có quy định cụ thể để xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi ra các quyết định sai trái khiến cho các bên trong quan hệ hợp đồng bị thiệt hại.
3. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, đối với các trường hợp miễn trách nhiệm do các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn các điều kiện để công nhận các sự kiện do các bên thỏa thuận là căn cứ miễn trách nhiệm.
Pháp luật cần có thêm những quy định này để giúp cho việc xác định và công nhận những trường hợp miễn trừ cụ thể mà các bên có thể thỏa thuận trong các “điều khoản miễn trừ”, hoặc “thỏa thuận miễn trừ” nhằm bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong quá trình thỏa thuận. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền cần phải đánh giá tính hợp lý của thỏa thuận này và phân tích nội dung của hợp đồng để có được quyết định công bằng.
Thứ hai, đối với việc xác định xảy ra sự kiện bất khả kháng làm căn cứ miễn TNBTTH khi vi phạm hợp đồng nói chung và vi phạm HĐMBHH nói riêng, pháp luật cần phải có thêm những quy định về tiêu chuẩn xác định một sự kiện là “bất khả kháng”.
Để có thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng là căn cứ để miễn trừ trách nhiệm, các khía cạnh pháp lý cần được làm sáng tỏ và quy định thêm, gồm:
(i) Xác định rõ thế nào là những “trở ngại” khách quan, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng như: Các thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần, lũ lụt, sạt lở đất…), các sự biến xã hội (đình công, bạo loạn, chiến tranh…) và các hiểm họa khác do tự nhiên gây ra.
(ii) Xác định được tính hợp lý trong việc có thể hay không thể dự đoán trước được những trở ngại khách quan thuộc sự kiện bất khả kháng. Trong từng quan hệ HĐMBHH cụ thể, việc xác định năng lực đánh giá xem xét (lường trước) một sự kiện có xảy ra hay không cần được xét từ vị trí của một thương nhân (người mua/người bán) bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu.
(iii) Xác định được tính tất yếu khách quan của hậu quả thiệt hại do “sự kiện bất khả kháng” để lại. Điều này đòi hỏi bên vi phạm đã sử dụng hết các biện pháp cần thiết nhưng cũng không thể ngăn ngừa, phòng, chống cũng như hạn chế thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được rằng dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này.
Thứ ba, cần quy định cụ thể hơn về trường hợp miễn trách do thi hành quyết định của cơ quan nhà nước.
Để có thể viện dẫn trường hợp được miễn trách nhiệm do thi hành quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, pháp luật cần làm rõ thêm loại quyết định, chủ thể ra quyết định (loại cơ quan và cấp có thẩm quyền) cùng các điều kiện đi kèm như: (i) Tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bên không biết và không thể lường trước được việc tồn tại, ra đời quyết định này; (ii) Quyết định này đã tác động trực tiếp và là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng của bên vi phạm mà bên này không thể khắc phục được.
Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý nhà nước nên bù đắp một phần hoặc thậm chí toàn bộ thiệt hại cho bên bị vi phạm để cân bằng lại và bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên cũng nên được đặt ra và cần đưa vào các quy định cụ thể của pháp luật.
Thứ tư, cần nội luật hóa các quy định pháp luật trong một số công cụ pháp lý quốc tế (như CISG, Bộ nguyên tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế của Unidroit (UPICC)…) về các vấn đề còn thiếu trong pháp luật Việt Nam liên quan đến miễn trách nhiệm pháp lý hợp đồng và trách nhiệm BTTH khi vi phạm HĐMBHH nói riêng.
Pháp luật Việt Nam cần hoàn thiện thêm các quy định về “hoàn cảnh khó khăn”; “thay đổi hoàn cảnh cơ bản”; trường hợp miễn trách nhiệm “do lỗi của bên thứ ba”… để phân biệt rõ với trường hợp “bất khả kháng”. Đây là những vấn đề đã được quy định hoặc đã được đề cập giải thích trong các công cụ pháp lý quốc tế nêu trên, trong khi còn chưa rõ ràng hoặc chưa đề cập đến trong pháp luật về HĐMBHH ở nước ta. Trên thực tế, nhiều hệ thống pháp luật đã chấp nhận lý thuyết về “khó khăn”, “thay đổi hoàn cảnh cơ bản”, “lỗi của bên thứ ba”… Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập và Công ước CISG đã có hiệu lực trong hệ thống pháp luật nước ta, việc ghi nhận rõ trong pháp luật dân sự, thương mại trong nước sẽ đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ. Để nội luật hóa các vấn đề nêu trên, có thể thấy, UPICC là một nguồn luật rất tốt, đáng tin cậy mà các nhà lập pháp Việt Nam có thể tham khảo, sử dụng.
Thứ năm, cần quy định thêm các điều kiện áp dụng các trường hợp miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng, làm rõ thêm nghĩa vụ của bên vi phạm hợp đồng nếu muốn được miễn trách nhiệm hợp đồng.
Để viện dẫn các sự kiện mà các bên đã thỏa thuận là căn cứ miễn TNBTTH khi vi phạm HĐMBHH, pháp luật cần quy định những yêu cầu cơ bản liên quan đến các sự kiện này như: (i) Sự kiện này phải xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng nhằm bảo đảm yêu cầu ở thời điểm ký kết hợp đồng, các bên không biết hoặc không thể biết sự kiện đó sẽ xảy ra; (ii) Sự kiện đó phái là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vi phạm hợp đồng; (iii) Đó phải là các sự kiện gây ra hậu quả không thể khắc phục được bất kể bên vi phạm đã áp dụng các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép.
Ngoài ra, để bên vi phạm có thể viện dẫn quy định miễn trách nhiệm, một số nghĩa vụ đã được cả pháp luật Việt Nam và công cụ pháp lý quốc tế như CISG, UPICC đề cập (gồm nghĩa vụ thông báo và nghĩa vụ chứng minh) cần phải được cụ thể hóa rõ hơn trong luật. Cụ thể:
(i) Liên quan nghĩa vụ thông báo, để xác định rõ hơn về các nghĩa vụ này, nhiều thuật ngữ và khía cạnh pháp lý cần được quy định và làm rõ hơn trong pháp luật thực định, cụ thể: Việc “thông báo ngay”, hoặc thông báo trong “một khoảng thời gian hợp lý” cần được làm sáng tỏ hơn trong pháp luật. Khoảng thời gian này không chỉ căn cứ vào phong tục, tập quán trong nước mà cả quốc tế. Điều này rất quan trọng và cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên trong hợp đồng.
(ii) Liên quan đến nghĩa vụ chứng minh, pháp luật cũng cần quy định cụ thể cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào có thẩm quyền xác nhận sự kiện bất khả kháng và các vấn đề khác có liên quan để tạo sự thống nhất trong việc xác định hành vi vi phạm có được hưởng quyền miễn trừ đó hay không.
Việc có thêm những quy định nhằm thể hiện và làm rõ các điều kiện nêu trên sẽ bảo đảm được nguyên tắc cơ bản của pháp luật về xác định mối quan hệ nhân quả và nguyên tắc xác định lỗi, từ đó, tạo điều kiện cho các bên trong hợp đồng và các cơ quan xét xử có thể áp dụng pháp luật một cách thuận lợi, linh hoạt./.
[1]. Khái niệm về “tài sản” tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khái niệm về “hàng hóa” tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005.
[2]. Điều 385, Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005.
[3]. Điều 36, Điều 79 – CISG; Điều 7 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Khoản 5 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Khoản 1 Điều 302 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6]. Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005.
[7]. Khoản 1, Điều 302 Luật Thương mại năm 2005.
[8]. Điều 303 Luật Thương mại năm 2005. Khoản 2 và khoản 8, Điều 2; Điều 6; Điều 25; Điều 26 Luật Thương mại năm 2005.
[9]. Trần Thị Huệ (2020), Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 42/2020, tr. 46.
[10]. Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại năm 2005; Trương Nhật Quang (2021), Hiệu lực của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210741.
[11]. Trần Thị Huệ (2020), tlđd, tr. 44.
[12]. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 541, tr. 542.
[13]. UNCITRAL, “The UNCITRAL Digest of case law on the United Nations Convention on the International Sale of Goods”, bình luận Điều 79 CISG.
[14]. Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[15]. Khoản 2 Điều 79 Công ước Viên năm 1980 (CISG).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)
Xem thêm:
Các trường hợp chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com