Một số vấn đề pháp lý về tiền ảo – Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

(LSC) Tiền ảo, hay cryptocurrency, đã trở thành một xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Được mã hóa và sử dụng công nghệ blockchain để bảo vệ tính bảo mật và quyền riêng tư, tiền ảo có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán trong giao dịch trực tuyến và trở thành lĩnh vực đầu tư mới thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tiền ảo cung cấp khả năng chuyển tiền quốc tế tiện lợi và giảm chi phí so với các phương thức truyền thống như chuyển khoản ngân hàng quốc tế. Sử dụng công nghệ blockchain, một hệ thống phân tán và an toàn, tiền ảo ghi lại và xác nhận các giao dịch. Công nghệ blockchain cũng có thể áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, bảo hiểm và bất động sản. Tuy nhiên, tiền ảo đang tiếp tục phát triển và đối mặt với thách thức như biến động giá, vấn đề bảo mật và quy định pháp lý khác nhau trên các quốc gia. Sự phổ biến và vai trò của tiền ảo trong kinh tế vẫn đang được nghiên cứu và tiếp tục thay đổi theo thời gian.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ TIỀN ẢO – KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

ThS. Nguyễn Hoàng Trung

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, công nghệ thông tin đang dần khẳng định vị trí, tầm quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, nhiều thành tựu về công nghệ được ra đời như: Trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo VR, dịch vụ điện toán đám mây… Những thành tựu này đã đánh dấu một bước tiến lớn của nhân loại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao năng suất lao động và đưa con người tiến vào một nền kinh tế tri thức.

Trong thời đại 4.0 này, cũng như các lĩnh vực khác, thị trường tài chính cũng dần xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số như: Thanh toán trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số Digital Banking, dịch vụ cho vay trực tuyến, tài sản mã hóa…Những sản phẩm, dịch vụ này vừa tạo ra nhiều cơ hội và cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với chúng ta. Tại Việt Nam, bên cạnh những thành tựu về công nghệ số, nước ta đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn khi tội phạm về công nghệ ngày càng gia tăng, tỷ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ. Nhiều người đã lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi phạm pháp như rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo qua mạng internet… đặc biệt là đầu tư, sử dụng tiền ảo để thực hiện những hành vi này. Theo dự thảo đề án thành lập Cục Phòng chống rửa tiền, từ năm 2009 đến tháng 6/2023, Cục Phòng chống rửa tiền đã tiếp nhận khoảng 19.400 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các đối tượng báo cáo, trong đó đã xử lý xong 16.500 báo cáo, chuyển giao thông tin cho cơ quan chức năng gần 8.694 báo cáo liên quan đến khoảng 1262 vụ việc[1].

Hiện nay, khung pháp lý của Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về tiền ảo, vì vậy gây ra khó khăn cho công tác quản lý, gây rủi ro cho người sử dụng và gây ra nhiều hệ lụy khôn lường khác. Đây là một vấn đề được đặt ra nhiều thách thức đối với Đảng, Nhà nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cũng nhiều lần cảnh báo những rủi ro khi đầu tư, sử dụng, thực hiện những giao dịch liên quan đến tiền ảo, tuy nhiên, vẫn chưa có một quy định rõ ràng nào về vấn đề này và đây là một trong những nhiệm vụ, thách thức được đặt ra đối với những nhà làm luật để tránh rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, đảm bảo an ninh cho thị trường tài chính, hạn chế hành vi trái pháp luật liên quan tới việc đầu tư, sử dụng tiền ảo. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo, từ đó, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để góp phần hoàn thiện.

2. Một số quy định của các quốc gia trên thế giới về tiền ảo

Thuật ngữ tiền ảo ra đời vào năm 2012 khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) định nghĩa chúng để phân loại tiền ảo, trong đó, tiền ảo là tiền kỹ thuật số trong môi trường không được quản lý, được phát hành và kiểm soát bởi các lập trình viên, được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định[2].

Theo Chỉ thị (EU) 2018/843 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 30/5/2018 sửa đổi Chỉ thị (EU) 2015/849 về ngăn chặn việc sử dụng hệ thống tài chính cho mục đích rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố và sửa đổi Chỉ thị 2009/138/EC và 2013/36/EU, tiền ảo có nghĩa là một giá trị kỹ thuật số không được phát hành hay đảm bảo bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ hợp pháp và không có tư cách pháp lý về tiền tệ và tiền, nhưng được chấp nhận bởi thể nhân hoặc pháp nhân làm phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử[3].

Đồng tiền ảo đầu tiên xuất hiện là Bitcoin, khi cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên toàn thế giới vào năm 2008. Một nhà lập trình có bút danh là Satoshi Nakamoto đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System”, trong bài báo, người này lo ngại rằng các loại tiền tệ truyền thống quá phụ thuộc vào độ tin cậy của các ngân hàng và chính phủ, cần phải phát triển một hệ thống thanh toán điện tử dựa trên sự mã hóa, hai bên có thể giao dịch trực tiếp mà không cần thông qua bên thứ ba. Và từ đây, đồng tiền ảo đầu tiên Bitcoin được ra đời[4].

Trên thế giới vẫn đang có nhiều tranh cãi về tiền ảo, có nhiều ý kiến trái chiều, một số nhà kinh tế chỉ ra tiền ảo không thể thay thế được tiền tệ truyền thống, không thể làm phương tiện trao đổi do tính biến động về giá trị của nó, tính bảo mật không được đảm bảo vì mặc dù được mã hóa nhưng khả năng bị rò rỉ thông tin là vô cùng cao. Tiền ảo cũng cần quá nhiều năng lượng để khai thác và tiêu thụ, ví dụ như Bitcoin cần đến hàng nghìn máy tính có mạch tích hợp tối ưu hóa để khai thác và tiêu thụ đến 0,5% điện năng của thế giới. Theo dữ liệu từ Đại học Cambridge, lượng điện năng để khai thác Bitcoin bằng năng lượng hàng năm của Ai Cập năm 2019. Trung Quốc – nơi tập trung hơn 70% số máy đào Bitcoin của toàn cầu – cũng chủ yếu dùng điện từ các nhà máy nhiệt điện, dù gần đây bắt đầu chuyển sang dùng điện mặt trời và thủy điện. [5] Một số quốc gia coi việc mua bán, trao đổi, đầu tư tiền ảo là hợp pháp, một số quốc gia cho phép đầu tư tiền ảo nhưng không được phép sử dụng để giao dịch và một số quốc gia thì cấm hoàn toàn tiền ảo.

Quốc gia đầu tiên công nhận tiền ảo là El Slvador, quốc gia này đã ban hành Luật Bitcoin vào năm 2021, sử dụng đồng tiền ảo này làm tiền tệ quốc gia tương tự với Đô la Mỹ. Trong Luật Bitcoin, El Slvador quy định Bitcoin được sử dụng cho mọi giao dịch và tất cả doanh nghiệp đều phải chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Bộ Kinh tế lưu ý rằng 70% người dân El Slvador không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống, vì vậy cần cho phép lưu hành một loại tiền kỹ thuật số có giá trị độc quyền tuân theo các tiêu chí thị trường tự do để kích thích tăng trưởng[6].

Tại Mỹ, quy định về tiền ảo là khác nhau đối với mỗi tiểu bang. Mạng lưới thi hành luật pháp về tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính (FinCEN) không coi tiền ảo là hợp pháp, tuy nhiên lại coi các sàn giao dịch tiền ảo là một công cụ để chuyển tiền[7]. Các giao dịch tiền ảo là hợp pháp và được quy định tại Đạo luật Bảo mật Ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tiền ảo cần phải đăng ký với FinCEN để lưu hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ báo cáo chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (CTF)[8] . Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) coi tiền ảo giống như chứng khoán và áp dụng luật chứng khoán cho các ví và sàn giao dịch tiền ảo[9]. Sở Thuế vụ Mỹ (IRIS) quy định tiền ảo được coi là tài sản nhằm mục đích thu thuế liên bang, nguyên tắc thuế áp dụng cho các giao dịch về tài sản cũng được áp dụng cho các giao dịch sử dụng tiền ảo[10].

Tại Úc, tiền ảo và các giao dịch liên quan đến tiền ảo được coi là hợp pháp. Quốc gia này có quy định khá rõ ràng và tiến bộ về tiền ảo. Vào năm 2017, Chính phủ Úc tuyên bố tiền ảo là hợp pháp, Bitcoin và các loại tiền ảo có chung đặc điểm với Bitcoin được coi là tài sản và phải chịu thuế thu nhập vốn (CGT)[11]. Trung tâm Phân tích và Báo cáo giao dịch Australia (AUTRAC) đã yêu cầu các sàn giao dịch tiền ảo phải đăng ký, xác minh người dùng và tuân thủ nghĩa vụ báo cáo của Chính phủ, sàn giao dịch tiền ảo chưa đăng ký có thể bị buộc tội hình sự và phạt hành chính. Vào năm 2018, Chính phủ Úc nhận thấy tiền ảo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến khủng bố, rửa tiền và bắt đầu đưa các loại tiền ảo vào chế độ AML/CTF[12]. Hiện tại, Chính phủ Úc đang tiến hành tất cả các bước cần thiết để chuẩn bị ban hành khung pháp lý mới để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng khi sử dụng tiền ảo và nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với tiền ảo.

Tại Trung Quốc, Chính phủ đã rất thận trọng và theo dõi chặt chẽ việc phát hành và giao dịch tiền ảo ngay từ khi Bitcoin xuất hiện vào năm 2008. Ngoài đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành, Trung Quốc không công nhận tiền ảo là tiền tệ hợp pháp và nghiêm cấm lưu hành chúng trên thị trường. Tuy chưa có bộ luật quy định cụ thể về tiền ảo, Trung Quốc đã liên tiếp ban hành các quy định nhằm quản lý tiền ảo, quốc gia này coi tiền ảo là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sự ổn định của đồng nhân dân tệ và nền tài chính Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cấm các giao dịch Bitcoin vào năm 2013[13] và đến năm 2017 thì cấm phát hành tiền ảo và các sàn giao dịch tiền ảo trong nước[14]. Vào tháng 6/2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ Tài chính, Cục Quản lý Thuế Nhà nước, Cơ quan Năng lượng Quốc gia và một số cơ quan khác đã cùng ban hành Thông báo về cải chính và quản lý khai thác tiền ảo, trong đó cấm các hoạt động khai thác tiền ảo mới ở Trung Quốc và áp dụng các biện pháp hạn chế cũng như giám sát nghiêm ngặt đối với các dự án khai thác tiền ảo hiện có[15]. Đến tháng 9/2021, Trung Quốc cấm hoàn toàn tiền ảo[16].

Ảnh minh họa

3. Những quy định của Việt Nam về tiền ảo

Tiền ảo xuất hiện trên thế giới vào năm 2008 và xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 2013 – 2014, tuy nhiên đến cuối năm 2017, đầu năm 2018 tiền ảo mới thật sự phát triển mạnh mẽ và diễn biến ngày càng phức tạp ở Việt Nam khi mà giá trị của nó tăng lên chóng mặt. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về số lượng tiền ảo đang nắm giữ. Theo thống kê ngày 04/12/2023 của Trang CryptoCrunchApp – một trang tin tức khá uy tín về Bitcoin và tiền ảo, Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba về lượng người sở hữu tiền ảo trên toàn thế giới. Việt Nam có dân số là 100 triệu người nhưng lại có tới 25,9 triệu người sở hữu tiền ảo, xếp trên cả Trung Quốc và Nga, chỉ đứng sau Ấn Độ và Mỹ[17]. Trang này đánh giá rằng số liệu trên báo hiệu tốc độ phát triển của tiền ảo tại Việt Nam nhanh chóng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và áp dụng công nghệ. Tuy số lượng người đầu tư và sử dụng tiền ảo nhiều như vậy, nhưng hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa có quy định đầy đủ, rõ ràng để điều chỉnh đối với tiền ảo, còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh.

Thứ nhất, quy định pháp luật Việt Nam về định nghĩa, bản chất của tiền ảo.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa về tiền ảo. Theo PGS.TS. Phùng Trung Lập, tiền ảo là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng là phương tiện trao đổi; là một đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị, nhưng không phải là tiền pháp định tại một quốc gia nào. Tiền ảo không được phát hành, không được bảo đảm của pháp luật của quốc gia nào. Các chức năng của tiền ảo được xác định trên đây chỉ được thực hiện theo ý chí thỏa thuận của các chủ thể trong cộng đồng, những người sử dụng tiền ảo trong giao dịch[18].

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

– Vật có nghĩa là những gì tồn tại trong không gian và thời gian[19]. Tuy nhiên không phải vật nào cũng chỉ là tài sản khi nó trở thành đối tượng của các quan hệ dân sự. Những vật như không khí, mặt trăng, mặt trời… con người không thể chiếm hữu thì không gọi là tài sản.

– Theo định nghĩa của Frederic S. Mishkin, tiền được coi là bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong việc thanh toán để lấy hàng hóa hay dịch vụ hoặc trong việc hoàn trả các món nợ và tiền khác với thu nhập và của cải[20]. Tại Việt Nam, đơn vị tiền hợp pháp là “Đồng”. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[21].

– Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2012/TT-NHNN ngày 16/02/2012 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về việc chiết khấu giấy tờ có giá của của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.

– Quyền tài sản được định nghĩa tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Như vậy có thể thấy, tiền ảo không được coi là tiền hay tài sản được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.

Tiền ảo cũng không được coi là ngoại hối, vì trong điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010, tiền ảo không được liệt kê ở điểm này.

Thứ hai, quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý các hoạt động sử dụng, mua bán, đầu tư, giao dịch tiền ảo.

Tại khoản 6, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán, bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khoản 7 Điều 4 Nghị định này cũng quy định: Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này. Như vậy thì tiền ảo là phương thức thanh toán không được chấp nhận tại nước ta. Ngày 27/02/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã đưa ra thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác[22] trong đó có nhắc đến vấn đề này. Theo thông cáo, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Cũng trong thông cáo này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ hay thực hiện các giao dịch có liên quan đến tiền ảo. Khoản 6 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã đưa ra mức phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Vào năm 2017, với diễn biến khó lường của tiền ảo, khi mà đồng Bitcoin tăng giá từ 1.000 USD lên tới 10.000 USD, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Thủ tướng đặt ra mục tiêu cần nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tiền ảo, vai trò của tiền ảo và tác động của tiền ảo tới pháp luật; rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tiền ảo, kinh nghiệm của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam, đề xuất định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro. Vào 30/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại tiếp tục cảnh báo Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam[23].

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo. Theo Điều 33 Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 quy định 08 ngành nghề kinh doanh cấm đầu tư được liệt kê, trong đó không có ngành nghề nào có liên quan tới tiền ảo. Theo đó, các hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, đầu tư tiền ảo thì không bị cấm. Lợi dụng vào điều này, nhiều sàn giao dịch tiền ảo được mở ra, nhiều người đã tham gia vào đầu tư, giao dịch mua bán tại các sàn này. Tuy nhiên, do các hoạt động này đang nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật, nên khi có xảy ra tranh chấp thì giao dịch cũng được coi là vô hiệu. Vì vậy khi khung pháp luật về tiền ảo vẫn chưa hoàn thiện thì việc xảy ra rủi ro là không thể tránh khỏi đối với các nhà đầu tư.

Thứ ba, quy định của pháp luật Việt Nam về thu thuế đối với các hoạt động liên quan tới tiền ảo.

Trong khi tiền ảo đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, việc mua bán tiền ảo tại các sàn giao dịch là rất khó kiểm soát do chưa có hệ thống pháp luật điều chỉnh cụ thể, đặc biệt là quy định thu thuế đối với các hoạt động liên quan tới tiền ảo. Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định: Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, thu nhập từ kinh doanh, bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống. Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác. Như vậy có thể thấy, tiền ảo không phải là hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam nên thu nhập có được từ kinh doanh tiền ảo không không thuộc thu nhập chịu thuế.

Ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về việc ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với các hoat động thương mại điện tử tại Việt Nam”, trong đó yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước để xây dựng cơ sở pháp lý cho việc quản lý tiền ảo phù hợp thông lệ quốc tế để tránh những vấn đề về trốn thuế, rửa tiền thuế.

Thứ tư, quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền qua đầu tư, giao dịch tiền ảo.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hành lang pháp lý về tiền ảo chưa hoàn thiện, phương thức rửa tiền qua các giao dịch, đầu tư tiền ảo ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Với lợi thế về công nghệ số, tiền ảo có thể dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn thế giới, nó như là một công cụ hữu ích để các tội phạm rửa tiền thực hiện hành vi của mình. Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã đưa ra các biện pháp phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và các điều khoản thi hành. Mặc dù tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ, tuy nhiên, các hành vi rửa tiền thông qua các giao dịch liên quan đến tiền ảo đều thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Tuy vậy, việc xử lý vẫn còn khá lúng túng do tiền ảo là một loại hình khó kiểm soát và quản lý.

4. Một số đề xuât, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tiền ảo

Có thể thấy, các quy định của pháp luật hiện nay về tiền ảo là chưa đáp ứng được so với tình hình thực tế khi mà tiền ảo ngày càng phát triển ở Việt Nam. Với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, việc cần có một hành lang pháp lý hoàn thiện về vấn đề này đang là nhu cầu cấp thiết, Đảng và Nhà nước ta cần xem xét một cách thận trọng do tiền ảo cũng là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng, có nhiều cơ hội phát triển và đầu tư, đồng thời cũng là một thách thức lớn khi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để quản lý, kiểm soát hiệu quả tiền ảo, hạn chế những tác động tiêu cực của nó tới thị trường tài chính và để góp phần ổn định, phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền ảo. Từ thực tiễn pháp luật nước ta và tham khảo pháp luật của các quốc gia trên thế giới về tiền ảo, tác giả xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, sớm đưa ra định nghĩa hoàn chỉnh về tiền ảo.

Việc chưa có một định nghĩa cụ thể nào về tiền ảo tạo ra một rào cản đối với việc quản lý và kiểm soát tiền ảo. Đây có thể coi là nhiệm vụ đầu tiên khi xây dựng hệ thống pháp luật về tiền ảo. Các nhà làm luật cần xem xét kỹ lưỡng bản chất của tiền ảo để cân nhắc có nên đưa tiền ảo vào trong khái niệm tài sản hay không. Nếu như coi tiền ảo là một loại tài sản thì có thể hạn chế những hành vi lừa đảo, hạn chế rủi ro đối với các nhà đầu tư khi giao dịch tiền ảo, tiền ảo sẽ trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự, được pháp luật công nhận và bảo hộ, làm căn cứ cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Hai là, cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các sàn giao dịch tiền ảo và giao dịch tiền ảo.

Do không có một cơ quan hay cơ chế nào quản lý các sàn giao dịch tiền ảo, các nhà đầu tư khó xác minh được đâu là sàn giao dịch uy tín. Những người thực hiện giao dịch trên các sàn này có thể dễ dàng bị đánh cắp dữ liệu cá nhân, bị hacker tấn công tài khoản bất cứ lúc nào. Do bản chất các giao dịch tiền ảo thực hiện trên môi trường số, tính ẩn danh cao nên càng dễ xảy ra rủi ro, tranh chấp và một khi đã xảy ra thì người dùng hoàn toàn không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, Việt Nam nên tham khảo các quốc gia khác trong việc công nhận các sàn giao dịch tiền ảo, có thể đưa tiền ảo vào ngành nghề được phép kinh doanh có điều kiện: Quy định cá nhân, tổ chức nào được phép kinh doanh; quy định về hình thức kinh doanh; kiểm soát thông qua việc các sàn giao dịch phải đăng ký với cơ quan nhà nước để được phép hoạt động hợp pháp; người dùng trên các sàn giao dịch phải được xác minh, định danh để giải quyết các vấn đề liên quan như: Lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền… Ngoài ra cần phải có cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát các giao dịch chuyển tiền ảo để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các giao dịch đáng ngờ.

Ba là, tiếp tục cấm sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán.

Do tính chất biến động về giá của tiền ảo, việc công nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán sẽ gây nguy hại đến sự ổn định của nền kinh tế thị trường, khó kiểm soát các vấn đề về lạm phát, vì vậy cần tiếp tục cấm hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán.

Bốn là, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế đối với tiền ảo.

Nếu như Việt Nam công nhận tiền ảo là một loại tài sản và chấp nhận tiền ảo là một loại hình kinh doanh có điều kiện thì cũng cần phải ban hành các quy định về thuế đối với chúng. Hiện nay, với số lượng lớn người sở hữu tiền ảo, số tiền thu nhập mà người sở hữu tiền ảo kiếm được từ việc đầu tư, mua bán tiền ảo là vô cùng lớn, không có quy định về thu thuế nào đối với tiền ảo sẽ giảm thiểu một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Theo tác giả, chúng ta nên nghiên cứu và bổ sung quy định để các khoản sinh lời từ những hoạt động liên quan tới tiền ảo là một khoản thu nhập và trở thành đối tượng chịu thuế theo quy định.

Năm là, cần rà soát lại hệ thống pháp luật để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Trong quá trình ban hành các quy định mới về tiền ảo, cần rà soát một cách kỹ càng và thận trọng hệ thống pháp luật liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định cũ và đảm bảo sự đồng bộ của các quy định trong toàn bộ hệ thống. Khi dự thảo, xây dựng văn bản quy định cần phải có sự phối hợp giữa các ban ngành, cơ quan, tổ chức để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ này. Các quy định của pháp luật về tiền ảo cũng cần đảm bảo phù hợp, hài hòa với luật pháp quốc tế, góp phần giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế./.


[2] European Central Bank (2012), Virtual Currency Schemes, 5, <https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf>, truy cập ngày 14/12/2023.

[3] Directive (EU) 2018/843 of the European Parliament and of the Council of 30 May 2018 amending Directive (EU) 2015/849 on the prevention of the use of the financial system for the purposes of money laundering or terrorist financing, and amending Directives 2009/138/EC and 2013/36/EU, < https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32018L0843>, truy cập ngày 11/12/2023.

[4] Satoshi Nakamoto, Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System, <https://bitcoin.org/bitcoin.pdf > , truy cập ngày 11/12/2023.

[5] Theo https://vnexpress.net/elon-musk-lieu-co-giup-bitcoin-xanh-hon-4278148.html, truy cập ngày 12/12/2023.

[6] Marcos Aleman, El Salvador makes Bitcoin legal tender, < https://apnews.com/article/caribbean-el-salvador-bitcoin-technology-business-ed51894baf9d47ec1093005602883fd9> , truy cập ngày 12/12/2023.

[7] 31 CFR 1010.100(m),(w) – General definitions, < https://www.law.cornell.edu/cfr/text/31/1010.100> , truy cập ngày 11/12/2023.

[8] Public Law 91-508, < https://famguardian.org/Subjects/MoneyBanking/Banks/PublicLaw-91-508.pdf>, truy cập ngày 11/12/2023.

[9] Report of Investigation Pursuant to Section 21(a) of the Securities Exchange Act of 1934: The DAO (July 25, 2017), <https://www.sec.gov/litigation/investreport/34-81207.pdf>, truy cập ngày 11/12/2023.

[10] Notice 2014-21, The Internal Revenue Service, < https://www.irs.gov/pub/irs-drop/n-14-21.pdf >  truy cập ngày 11/12/2023.

[13] Thông báo số 89 năm 2013 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc về Ngăn chặn Rủi ro Bitcoin, < https://www.gov.cn/gzdt/2013-12/05/content_2542751.htm>, truy cập ngày 13/12/2023.

[14] Thông báo số 94 năm 2017 của Ủy ban các vấn đề không gian mạng trung ương của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm về Ngăn chặn rủi ro tài chính khi phát hành tiền điện tử, < https://www.gov.cn/xinwen/2017-09/04/content_5222657.htm>, truy cập ngày 13/12/2023.

[15] Thông báo số 1283 năm 2021 của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và các cơ quan khác về cải chính và quản lý khai thác tiền ảo, <https://www.ndrc.gov.cn/xxgk/zcfb/tz/202109/t20210924_1297474_ext.html>, truy cập ngày 13/12/2023.

[16] Thông báo số 237 năm 2021 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Văn phòng Thông tin Internet Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công an, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Điều tiết Thị trường Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Cục Ngoại hối về việc tăng cường phòng ngừa và xử lý rủi ro đầu cơ trong giao dịch tiền ảo, < http://www.pbc.gov.cn/goutongjiaoliu/113456/113469/4348521/index.html> , truy cập ngày 13/12/2023.

[18] Phùng Trung Lập (2018), Tiền ảo và những khía cạnh của tiền ảo, Tạp chí Kiểm sát, số 15, tr.18.

[19] GS. Nguyễn Lân, Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 2019.

[20] Frederic S. Mishkin, Tiền tệ, Ngân hàng và Thị trường tài chính, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2001, tr. 45.

[21] Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.

[23] Thông tin liên quan đến việc sử dụng tiền ảo, <https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV307772&rightWidth=0%25&centerWidth=100%25&_afrLoop=38630219801624023#%40%3F_afrLoop%3D38630219801624023%26centerWidth%3D100%2525%26dDocName%3DSBV307772%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dw9f0lf8ol_85>, truy cập ngày 14/12/2023

(Nguồn:https://danchuphapluat.vn/mot-so-van-de-phap-ly-ve-tien-ao-kho-khan-vuong-mac-va-kien-nghi-hoan-thien)


Xem thêm:

Một số tác động của trí tuệ nhân tạo tới nghề luật

Xây dựng và phát triển thương hiệu


Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *