Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hành chính của Tòa án
Về thẩm quyền theo loại việc
Thẩm quyền theo loại việc bị khiếu kiện giúp xác định vụ việc xảy ra có thuộc thẩm quyền giải quyền của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính hay không. Điều 30 LTTHC năm 2015 quy định về đối tượng xét xử vụ án hành chính gồm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
– Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
– Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
– Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức;
– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống;
– Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
– Khiếu kiện danh sách cử tri.
Về thẩm quyền xét xử hành chính theo cấp và lãnh thổ
Tòa án hành chính ở nước ta được thành lập trong hệ thống TAND cấp tỉnh và TAND Cấp cao, TAND cấp huyện không tổ chức Tòa án hành chính mà có các thẩm phán chuyên trách thực hiện việc xét xử án hành chính. Tòa ám hành chính ở nước ta tổ chức theo đơn vị hành chính – lãnh thổ và trùng với cơ quan hành chính về lãnh thổ và về cấp.
Thẩm quyền này được quy định cụ thể tại Điều 31, 32 LTTHC 2015. Xét về nội dung của những quy định nêu trên thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh kế thừa gần như toàn bộ so với LTTHC năm 2010. Theo đó TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm đối với phần lớn các khiếu kiện không thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của Tòa án cấp huyện; đối với những khiếu kiện có người bị kiện ở Trung ương thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án có cùng phạm vi địa giới hành chính với người khởi kiện.
Ngoài ra, LTTHC không chỉ căn cứ vào dấu hiệu về địa giới hành chính của người khởi kiện mà còn căn cứ vào dấu hiệu về nơi ban hành quyết định hay thực hiện hành vi bị khiếu kiện để xác định phạm vi các khiếu kiện thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của mỗi Tòa án trong cùng một cấp.
Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền
Tranh chấp giữa Tòa án với cơ quan khác (chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại): Một người vừa đi khiếu nại vừa đi khởi kiện thì tùy theo sự lựa chọn của đương sự.
Tranh chấp giữa Tòa án với Tòa án: Một người nộp đơn kiện tại 2 nơi. Nếu là 2 TAND cấp huyện trong cùng 1 tỉnh thì Chánh án TAND tỉnh tiến hành giải quyết. Nếu là 2 TAND cấp huyện khác tỉnh hoặc 2 TAND tỉnh trong phạm vi lãnh thổ thì Chánh án TAND Cấp cao giải quyết. Nếu là 2 TAND cấp tỉnh không trong cùng phạm vi lãnh thổ của TAND Cấp cao thì Chánh án TAND Tối cao giải quyết.
Một số vấn đề bất cập, vướng mắc và kiến nghị
Thứ nhất, về thẩm quyền theo loại việc: LTTHC 2015 quy định theo hướng liệt kê và loại trừ nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong việc xác định loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
So với LTTHC 2010, LTTHC 2015 có điểm mới tiến bộ là quy định rõ ràng hơn và bổ sung thêm trường hợp loại trừ về “áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng” là quy định phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khách quan.
Tuy nhiên, có thể thấy việc xác định “quyết định hành chính”, “hành vi hành chính” hay “quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ” trên thực tiễn vẫn rất khó khăn mặc dù LTTHC 2015 đã có quy định giải thích. Ngoài ra, việc quy định “trong hoạt động quản lý hành chính” cũng chưa rõ ràng, dẫn đến việc lúng túng và quyết định cách thức xử lý không chính xác.
Do đó, cần tiếp tục có giải thích, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về những vấn đề này. Đồng thời, đối với hành vi không giải quyết khiếu nại. Đây là hành vi hành chính bị kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, có trường hợp người khởi kiện do đã nộp đơn khiếu nại sai thẩm quyền nên khiếu nại không được giải quyết. Trường hợp này, để giảm thiểu công việc, thời gian, chi phí, cần bổ sung quy định cho phép Tòa án hướng dẫn, giải thích cho người khởi kiện khiếu nại đúng chủ thể.
Thứ hai, về thẩm quyền theo cấp, lãnh thổ: Trước tiên, việc quy định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh có mặt ưu điểm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo tiến trình cải cách tư pháp với chủ trương xây dựng Tòa án khu vực và mở rộng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp huyện thì quy định này lại đang gây ra những cản trở nhất định. Đó là việc tạo áp lực công việc cho Tòa án cấp tỉnh, gây khó khăn, tốn kém cho đương sự.
Do đó, cần nghiên cứu định hướng trao thẩm quyền này cho TAND cấp huyện.
Tiếp theo, LTTHC 2015 quy định quy định TAND cấp tỉnh có thể lấy một số khiếu kiện thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của TAND cấp huyện lên để giải quyết. Quy định này có thể làm tăng áp lực công việc cho Tòa án cấp tỉnh; làm giảm cơ hội xem xét lại vụ việc của Tòa án cấp trên theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Do đó, để khắc phục hạn chế này cùng với việc thúc đẩy quá trình cải cách tư pháp, về lâu dài cần thay đổi theo hướng tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ TAND cấp huyện để có đủ khả năng giải quyết những vụ án đó mà không cần lấy lên Tòa án cấp tỉnh. Trước mắt, cần quy định rõ một số tiêu chí để xác định những vụ án nào thì Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết.
VĂN LINH (Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân)
Nguồn (bài viết đầy đủ) xem tại: https://liendoanluatsu.org.vn/mot-so-van-de-ve-tham-quyen-xet-xu-so-tham-vu-an-hanh-chinh-cua-toa-an/