Một số vướng mắc về tội ‘Đánh bạc’ và giải pháp hoàn thiện

Tội  “Đánh bạc” trong luật Hình sự Việt Nam được hiểu là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tham gia trò chơi được tổ chức trái phép dưới bất kỳ hình thức nào, được thua bằng tiền hay hiện vật từ năm triệu đồng trở lên, hoặc dưới năm triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội “Đánh bạc”, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

MỘT SỐ VƯỚNG MẮC VỀ TỘI “ĐÁNH BẠC” VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN 

TRẦN TUÂN

 Tòa án quân sự Khu vực Quân khu

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, mặc  công tác phòng chống tội phạm đánh bạc đã thực sự được chú trọng, nhưng thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm đánh bạc đang có chiều hướng gia tăng. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, hầu hết các đối tượng tham gia đánh bạc đều có tiền án, tiền sự và là thành phần bất hảo. Các đối tượng đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau gây lo lắng trong nhân dân. Tội phạm này tồn tại dưới nhiều hình tức với quy mô lớn nhỏ khác nhau, tài sản là phương tiện thanh toán việc được thua có giá trị không ngừng tăng lên theo nhịp độ phát triển kinh tế, những thủ đoạn mà các chủ thể sử dụng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Bên cạnh các hình thức đánh bạc truyền thống như xóc đĩa, 3 cây, tá lả… các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ, Internet để tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, lô đề hoặc qua các trò chơi điện tử…

Thiệt hại do tội phạm đánh bạc gây ra cho xã hội cũng tăng lên đáng kể, trực tiếp xâm hại đến trật tự công cộng, gây ra những thiệt hại nặng nề về cả vật chất và tinh thần cho gia đình người phạm tội và bản thân những người đó. Các con bạc xuất hiện ở tất cả các tầng lớp, ngành nghề trong xã hội, thậm chí không ít quan chức giữ những vị trí quan trọng, then chốt trong bộ máy Nhà nước cũng tham gia tệ nạn này. Thêm vào đó là những sai phạm trong xử lý của các cơ quan tố tụng, hành vi tham nhũng, bảo kê của một bộ phận không nhỏ của cơ quan lực lượng chức năng… là những nguyên nhân khiến tệ nạn cờ bạc ngày càng nhức nhối, thách thức chính quyền, làm mất niềm tin của nhân dân.

Tội “Đánh bạc” là tội phạm phổ biến, làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của nhân dân, làm tha hóa đạo đức của một bộ phận dân cư, gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nhiều gia đình và là nguyên nhân gây ra nhiều loại tội, tệ nạn xã hội khác. Vì vậy, đấu tranh phòng chống, tiến tới đẩy lùi tội phạm đánh bạc ra khỏi đời sống xã hội đã và đang đặt ra những nhiệm vụ cấp bách cho toàn hệ thống chính trị của nước ta. Thực tiễn hoạt động đấu tranh phòng ngừa tội “Đánh bạc” trong giai đoạn hiện nay luôn là mối quan tâm hàng đầu của các địa phương trên cả nước.

 sở pháp  quy định trách nhiệm hình sự với tội “Đánh bạc” là Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. So sánh tội “Đánh bạc” được quy định giữa Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 với Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có thể thấy rằng tội “Đánh bạc” được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự, số tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự và hình phạt tù được tăng lên. Hiện nay, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do việc nhận thức và áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Đánh bạc” hiện đang còn bất cập, có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Trong đó, có những quy định mới cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm này.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu những hạn chế, vướng mắc đối với quy định của pháp luật và thực tiễn về tội “Đánh bạc”, để áp dụng đúng các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội “Đánh bạc”, sẽ góp phần hoàn thiện về mặt lý luận đối với tội “Đánh bạc” trong khoa học luật Hình sự Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nội dung vấn đề

Các khái niệm có liên quan

Khái niệm tội “Đánh bạc” trong luật Hình sự Việt Nam được hiểu là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tham gia trò chơi được tổ chức trái phép dưới bất kỳ hình thức nào, được thua bằng tiền hay hiện vật từ năm triệu đồng trở lên, hoặc dưới năm triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội “Đánh bạc”, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Quy định của pháp luật về tội “Đánh bạc”

Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a)   Có tính chất chuyên nghiệp;

b)   Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c)    Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d)   Tái phạm nguy hiểm;

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

So với quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có những điểm mới như sau: Khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: nâng số tiền đánh bạc để truy cứu trách nhiệm hình sự với mức khởi điểm từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng đối với người phạm tội lần đầu. Nâng mức phạt tù đối với người phạm tội từ 03 tháng đến 03 năm lên 06 tháng đến 03 năm. Khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: nâng mức khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm lên từ 03 năm đến 07 năm. Bổ sung tình tiết định khung tại điểm c: “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Khoản 3 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: nâng mức hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, chỉ có thể tham khảo vận dụng theo tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2010/NQ- HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự, để giải quyết tình huống (không trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), nhưng không viện dẫn Điều khoản của Nghị quyết trên (1).

Ảnh minh họa internet

Một số khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, cách xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc được xác định như thế nào? Xác định định lượng số tiền thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc hay tính theo nguyên tắc: số tiền của các bên dùng vào việc đánh bạc hay các bên trực tiếp được thua (ăn thua) với nhau. Sẽ phát sinh nhiều quan điểm tính khác nhau:

Ví dụ 1: Sòng bài bị bắt quả tang, thu giữ tại chiếu bạc 5.000.000 đồng. Có A, B, C, D tham gia đánh bạc. Trong đó chỉ có duy nhất A làm nhà cái, còn lại đặt tụ con. Tụ con đặt thấp nhất là 50.000 đồng, cao nhất là 500.000 đồng. Các tụ con không ăn thua với nhau, chỉ ăn thua với nhà cái. Có ý kiến cho rằng các đối tượng phải chịu trách nhiệm chung tất cả số tiền dùng vào việc đánh bạc là 5.000.000 đồng.

Có ý kiến cho rằng làm nhà cái phải xoay vòng (tức tất cả đều phải làm nhà cái 03 lượt cái) thì mới tính số tiền đánh bạc thu giữ tại chiếu bạc 5.000.000 đồng cho tất cả các đối tượng. Còn chỉ có A làm nhà cái thì chỉ có A phải chịu trách nhiệm số tiền đánh bạc thu giữ được tại chiếu bạc là 5.000.000 đồng, còn các tụ con không ăn thua với nhau nên chỉ chịu trách nhiệm với số tiền cho mỗi lần đặt tụ.

Ví dụ 2: Trận đá gà giữa gà của N đá với gà của M, giữa hai bên đá sổ (đá chính) là 2.200.000 đồng (mỗi bên là 1.100.000 đồng), đá hàng xáo (ngoài sổ) gồm: A chọn gà bên N bắt hàng xáo với người lạ mặt số tiền 4.000.000 đồng; B chọn gà bên M bắt hàng xáo với người lạ mặt số  tiền 3.000.000 đồng; C chọn  bên N bắt hàng xáo với D chọn  bên M số tiền 2.000.000 đồng. Cách xác định số tiền đánh bạc của trận gà có hai quan điểm trái ngược nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc là số tiền đá sổ (đá chính) với số tiền đá hàng xáo. Với cách tính này đủ định lượng để khởi tố vụ án hình sự do số tiền dùng vào việc đánh bạc trên 5.000.000 đồng.

Quan điểm thứ hai: Xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc là đá sổ (đá chính), còn đá hàng xáo tính riêng của từng người với nhau (từng cặp). Thì không đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cách xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc sẽ được tính như thế nào? Có hai trường hợp xảy ra đối với ví dụ sau: Trường hợp thứ nhất: Con bạc mang theo 10.000.000 đồng nhằm để đánh bạc nhưng chưa tham gia đánh bạc, sau đó bị bắt quả tang. Trường hợp thứ hai: Con bạc mang theo 10.000.000 đồng nhằm để đánh bạc nhưng lấy ra số tiền 1.000.000 đồng trong tổng số tiền mang theo, tham gia đánh bạc, sau đó bị bắt quả tang.

Vậy cách xác định số tiền sẽ dùng vào việc đánh bạc chỉ áp dụng đối với người đã tham gia đánh bạc và kể cả người chưa tham gia đánh bạc do có ý định sử dụng số tiền vào mục đích phạm tội; hay chỉ xác định số tiền sẽ dùng vào việc đánh bạc đối với người đã tham gia đánh bạc và số tiền còn lại mang theo nhằm mục đích đánh bạc thì mới được áp dụng, đòi hỏi hậu quả có tham gia đánh bạc phải xảy ra.

Thứ hai, sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội “Đánh bạc” được xác định như thế nào? Ví dụ như trường hợp: Nguyễn Văn A nhắn tin qua điện thoại, zalo… để mua số đề do B bán (ghi số đề), với số tiền hơn 5.000.000 đồng. Vậy trường hợp này, A và B có phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự hay không? Để xử lí trường hợp này, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Công văn số 196/TANDTC- PC ban hành ngày 04/9/2018 về việc áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật việc áp dụng tình tiết nêu trên, Tòa án nhân dân Tối cao có ý kiến như sau:

“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).

Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber…. để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa…) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.

Với nội dung hướng dẫn này, nhận thấy không phù hợp với thực tiễn áp dụng, bởi: hình thức đánh bạc khi gặp trực tiếp nhau khác với hình thức đánh bạc thông qua các loại mạng và phương tiện điện tử, do có sử dụng công cụ, phương tiện nhằm vào mục đích phạm tội, không phải là mục đích để liên lạc bình thường. Khi bị xử lí sẽ bị tịch thu, sung vào ngân sách Nhà nước do sử dụng vào mục đích phạm tội. Do đó, hướng dẫn như nội dung công văn ở trên sẽ không phân hóa được hình thức sử dụng công cụ, phương tiện để phạm tội “Đánh bạc”, dù bằng bất kỳ hình thức nào cũng đều nhằm vào mục đích phạm tội, phải bị xử lý với tình tiết định khung tăng nặng theo quy định.

Bên cạnh đó, đây chỉ là Công văn hướng dẫn xét xử nội bộ của ngành Tòa án, căn cứ để Tòa án trong toàn quốc áp dụng để xử lí vụ án. Không mang tính chất bắt buộc đối với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Do đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Với hệ quả này, sẽ dẫn đến cách hiểu và nhận thức không thống nhất khi áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án vẫn sử dụng nội dung hướng dẫn của công văn này để áp đặt ý chí đối với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát khi xử lý tội “Đánh bạc”.

Thứ ba, một tiền sự áp dụng để xử lý cho môt tội hay cả hai tội. Ví dụ: Nguyễn Hữu A có môt tiền sự về hành vi đánh bạc, chưa hết thời hạn được xem là chưa bị xử lí vi phạm hành chính. A tiếp tục thực hiện hành vi tổ chức đá hai trận gà, mỗi trận gà được thua bằng tiền là 2.200.000 đồng, A lấy tiền xâu được 200.000 đồng, đồng thời A cũng tham gia môt trận đá gà là 100.000 đồng. Sau đó, bị Công an bắt quả tang. Vậy hành vi của A vừa có dấu hiệu của tội “Đánh bạc” vừa tội tổ chức đánh bạc. Vậy, lấy căn cứ đã bị xử lý hành chính để xử lý hành vi đánh bạc của A; hay lấy căn cứ đã bị xử lý hành chính của A xử lý về tội “Đánh bạc” và tội tổ chức đánh bạc (2). Do hai tội đều cấu thành độc lập, thỏa mãn đủ hai căn cứ: Mục đích tổ chức đánh bạc để chơi đánh bạc và lấy tiền xâu: có dấu hiệu phạm tội “Đánh bạc” và tổ chức đánh bạc khi đủ căn cứ để xử lý.

Thứ tư, cách xác định tiền án trong trường hợp Tòa án không chuyển giao cho Cơ quan thi hành án dân sự bản án để thi hành hình phạt tiền, án phí, sung công. Dẫn đến chưa ra Quyết định thi hành án, nên người phải thi hành án không thể nộp tiền để thi hành án. Lỗi thuộc về cơ quan Tòa án hoặc Chi cục thi hành án dân sự sau khi nhận Bản án không ra Quyết định thi hành. Vậy, có được xem là trường hợp chưa chấp hành các quyết định khác của Bản án, dẫn đến chưa được xóa án tích hay không?

Theo hướng dẫn tại tại mục 7, phần I của Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 13/4/2019 (Công văn số 64) của Tòa án nhân dân Tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính: trách nhiệm chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án là trách nhiệm của người bị kết án, nên không thể lấy lý do chưa nhận được thông báo, Quyết định thi hành án… của các cơ quan tố tụng để không thi hành và cho đó là lỗi của các cơ quan tố tụng để được hưởng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong việc xóa án tích. Việc hướng dẫn xét xử của Công văn số 64, dẫn đến mọi trường hợp dù khách quan hay chủ quan, bị cáo sau khi tuyên án không nộp án phí đều được xem là chưa chấp hành xong bản án, không được xóa án tích là không đảm bảo tính công bằng, chưa áp dụng triệt để nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Nếu bị cáo muốn nộp án phí thì phải chịu trách nhiệm thi hành theo quyết định thi hành án, buộc nộp án phí, ra biên lai thu theo quy định, việc bị cáo không nhận được bản án là không có cơ sở để nộp án phí, tịch thu, sung công theo quy định.

Giải pháp

Để khắc phục những bất cập nêu trên, văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cần sớm được ban hành theo hướng sau đây:

Cách xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc, là tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc dưới bất kì hình thức nào, không có sự phân biệt số tiền chính và phụ (như hình thức đá gà được thua bằng tiền bao gồm tiền đá chính cộng với tiền đá hàng xáo để làm căn cứ xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc của các bên).

Cách xác định số tiền đánh bạc đối với bài, tài xỉu, số tiền mang theo sẽ dùng vào việc đánh bạc là số tiền thu giữ được tại chiếu bạc cộng với số tiền sẽ dùng vào việc đánh bạc mang theo trên người của các bên đã tham gia đánh bạc.

Cách xác định tình tiết định khung hình phạt đối với trường hợp sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử đế phạm tội theo hướng sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử dùng vào việc đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả dùng làm phương tiện liên lạc khi đánh bạc, không nhất thiết phải tổ chức hay tạo ra nhằm để đánh bạc.

Một tiền sự chỉ làm căn cứ xử lí đối với 01 tội đanh tương ứng đối với hành vi thực hiện. Có nghĩa là: tiền sự về hành vi đánh bạc thì áp dụng xử lí tội “Đánh bạc”, tiền sự về hành vi tổ chức đánh bạc thì áp dụng xử lý tội tổ chức đánh bạc.

Về việc chưa chấp hành án hình phạt tiền cho dù lỗi của cán bộ, cơ quan chưa ra quyết định thi hành án, người bị kết án chưa nộp tiền phạt dưới bất kỳ lý do nào thì vẫn phải được xem là xóa án tích. Do bản thân người bị kết án không có lỗi, không có cơ sở để thi hành bản án đã tuyên.

Kết luận

Tội “Đánh bạc” được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là cơ cở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thắng thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép… Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc khi áp dụng.

Nhằm góp phần giải quyết các bất cập hiện tại, văn bản hướng dẫn áp dụng cần sớm được ban hành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi xử lý tội “Đánh bạc”, góp phần phục vụ công tác giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm đánh bạc.


(1) Khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

(2) Điểm đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự quy định: “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

I.   Văn bản quy phạm pháp luật

1.     Quốc hội, 1999. Bộ luật Hình sự năm 1999 ngày 21/12/1999, có hiệu lực ngày 01/7/2000.

2.     Quốc hội, 2009. Luật số: 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 ngày 19/6/2009, có hiệu lực ngày 01/01/2010. Truy cập ngày 25/5/2020.

3.     Quốc hội, 2015. Bộ luật Hình sự năm 2015 ngày 27/11/2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018.

4.     Quốc hội, 2017. Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ngày 20//6/2017, có hiệu lực ngày 01/01/2018.

5.     Quốc hội, 2008. Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008, có hiệu lực ngày 01/7/2009.

6.     Quốc hội, 2014. Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung luật Thi hành án dân sự năm 2008 ngày 25/11/2014, có hiệu lực ngày 02/02/2015. Truy cập ngày 27/5/2020.

7.     Quốc hội, 2015. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015, có hiệu lực ngày 01/7/2016.

II.    Văn bản dưới luật

1.     Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, 2010. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật H́ nh sự.

2.     Công văn số 196/TANDTC-PC ban hành ngày 04/9/2018 về việc áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.

3.     Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 13/4/2019 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.

4.      Công điện số 03/CĐ-BCA-V01 của Bộ Công an tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh COVID-19.


Xem thêm: Tội đánh bạc (Điều 321 BLHS)

Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *