Câu hỏi: Mức xử phạt hành chính đối với cơ sở sản xuất kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm? (Chị Lan – Hải Phòng)
Văn phòng Luật sư Dương Công trả lời (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo):
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh nào cần có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
“1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.”
Theo quy định trên, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, trừ các trường hợp sau:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
– Nhà hàng trong khách sạn;
– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
– Kinh doanh thức ăn đường phố;
– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận:
+ Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP);
+ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000;
+ Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS),
+ Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC);
+ Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực
- Mức xử phạt hành chính đối với cơ sở sản xuất kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm?
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm như sau:
“Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (sau đây gọi tắt là GMP) hoặc có Giấy chứng nhận GMP nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 mà không thực hiện bổ sung Giấy chứng nhận GMP hoặc chứng nhận tương đương trước khi sản xuất.
………….”
Theo đó, trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
- Hiệu lực của giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Điều 37 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm như sau:
“Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
2. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật này.”
Như vậy, Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm.
Đọc thêm:
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Cấp đổi Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com