Người cư trú là gì? Quy định về người cư trú là cá nhân, tổ chức?

Cụm từ “cư trú”, “người cư trú” hiện ngày càng được sử dụng phổ biến, trở nên gần gũi với công dân. Tuy nhiên, “Người cư trú là ai?”, “Quy định về người cư trú như thế nào?”, “Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề ấy?” vẫn còn là câu hỏi của rất nhiều người. Do đó, VPLS Dương Công sẽ giải đáp các thắc mắc trên thông qua bài viết này:

(LSC) Người cư trú là gì? Quy định về người cư trú là cá nhân, tổ chức?

1. Người cư trú là ai?

Theo Luật Cư trú năm 2020 thì cư trú được hiểu là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã).

Người cư trú được hiểu là các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động cư trú tại Việt Nam. Tức là các cá nhân, tổ chức ấy phải thỏa mãn các điều kiện về cư trú được pháp luật Việt Nam quy định thì sẽ được coi là người cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Căn cứ vào đối tượng chủ thể, người cư trú được chia làm 02 trường hợp như sau:

– Người cư trú có đối tượng là cá nhân

– Người cư trú có đối tượng là các tổ chức, cơ quan

Mỗi đối tượng cư trú khác nhau sẽ tương ứng với điều kiện khác nhau để thừa nhận đối tượng đó là người cư trú.

2. Người cư trú có đối tượng là các tổ chức, cơ quan

Theo Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/03/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13 thì đối với những đối tượng là tổ chức, cơ quan, điều kiện để xác định là người cư trú khi họ thuộc vào một trong những trường hợp sau:

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;

– Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam;

– Tổ chức kinh tế khác, không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam;

– Văn phòng đại diện ở nước ngoài của tổ chức kinh tế khác được thành lập, hoạt động tại Việt Nam;

– Các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang hoặc là quân đội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

– Văn phòng đại diện ở nước ngoài của các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang hoặc là quân đội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam;

– Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;

– Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

3. Người cư trú có đối tượng là cá nhân

Căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13, đối với những đối tượng là các cá nhân thì sẽ được xác định là người cư trú khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Cá nhân có quốc tịch Việt Nam cư trú tại Việt Nam;

– Cá nhân có quốc tích Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng;

– Cá nhân có quốc tịch Việt Nam nhưng ra nước ngoài làm việc tại các văn phòng đại diện hoặc họ được xử đi theo quyết định của cơ quan ngoại giao Việt Nam;

– Công dân Việt Nam nhưng ra nước ngoài với mục đích học tập, du lịch, chữa bệnh và thăm viếng;

– Cá nhân là người nước ngoài (không mang quốc tịch Việt Nam) được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, đối với trường hợp người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn thì không được coi là đối tượng thuộc trường hợp người cư trú.

Ngoài ra, để thừa nhận là người cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thì các cá nhân phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:

– Cá nhân phải có mặt và sinh sống trên lãnh thổ của Việt Nam ít nhất là 183 ngày trở lên, được tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Trong đó: ngày đến và ngày đi được tính là 01 (một) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu hoặc giấy thông hành của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là 01 (một) ngày cư trú.

– Cá nhân cư trú thuộc một trong hai trường hợp sau: phải có nơi ở thường xuyên và hợp pháp tại Việt Nam hoặc có nhà thuê để ở theo quy định của Luật Nhà ở. Cá nhân cư trú phải thực hiện đầy đủ các quy định về cư trú theo quy định của pháp luật Việt Nam là đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú.

Trường hợp 1: Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú

+ Đối với công dân Việt Nam thì nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

+ Đối với công dân nước ngoài thì nơi ở thường xuyên là nơi thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

+ Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày mà cá nhân đó lại không thể chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam. Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác phải được căn cứ dựa trên Giấy chứng nhận cư trú, trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.

Trường hợp 2: Có nhà thuê ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở

+ Đối với trường hợp này, có nhà thuê ở tại Việt Nam được xác định qua hình thức ký kết hợp đồng thuê nhà, đồng thời trong hợp đồng thuê nhà ở đó có thỏa thuận về thời hạn thuê nhà là từ 183 ngày trở lên trong một năm.

+ Cá nhân chưa có hoặc không có nơi ở thường xuyên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo hợp đồng thuê nhà từ 183 ngày trở lên trong một năm cũng được xác định là cá nhân cư trú kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.

+ Nhà thuê để ở bao gồm: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, nơi làm việc, trụ sở cơ quan, … không phân biệt hình thức thuê (cá nhân tự thuê hoặc người sử dụng lao động thuê cho người lao động đều được chấp thuận).

Từ hai trường hợp trên, ta có thể nhận định rằng, đối tượng người cư trú là cá nhân phải là người có nơi cư trú hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mà theo quy định Luật Cư trú 2020 thì nơi cư trú hợp pháp có thể hiểu là nơi người đó đăng ký cư trú, gồm nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú. Theo đó:

– Nơi thường trú của người cư trú là nơi người đó sinh sống ổn định, lâu dài và có đăng ký thường trú theo đúng quy định của pháp luật về cư trú (căn cứ khoản 8 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020).

– Nơi tạm trú của người cư trú chính là nơi mà người đó sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định và phải đăng ký tạm trú theo thủ tục, quy trình mà pháp luật về cư trú quy định (căn cứ khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020)

Đọc thêm: (đang cập nhật)


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tikok: www.tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *