Trong thời đại kinh tế thị trường, giá trị của một tài sản có thể thay đổi đáng kể theo thời gian, điều này khiến cho việc định giá tài sản trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Từ đó, thẩm định giá ra đời và được thực hiện bởi các đơn vị thẩm định được cấp phép hoạt động, có sự ứng dụng rộng rãi trong nhiều tình huống khác nhau, từ giao dịch mua bán đơn giản đến các quyết định tài chính phức tạp, quản lý tài sản.

1. Thẩm định giá là gì?
Khoản 16 Điều 4 Luật Giá năm 2023 quy định: “Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.”
Trong đó, theo quy định hiện hành, tài sản thẩm định giá bao gồm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá theo nhu cầu hoặc các trường hợp pháp luật quy định phải thẩm định giá.
2. Người đưa hối lộ để làm sai lệch giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi có bị vi phạm pháp luật không?
Điểm g khoản 2 Điều 7 Luật Giá 2023 quy định như sau:
“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá
…
2. Đối với tổ chức, cá nhân:
…
g) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
…”
Như vậy, đưa hối lộ để làm sai lệch giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá.
3. Chế tài xử phạt
Người đưa hối lộ để làm sai lệch giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt căn cứ theo khoản 5 Điều 23 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 23. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định khác về thẩm định giá
…
5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về thẩm định giá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
…”
Theo đó, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền nói trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân.
Ngoài ra, người hối lộ để làm sai lệch giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội đưa hối lộ”.
Xem thêm:
Quy định về định giá tài sản trong tố tụng dân sự
Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS)
Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS)
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel