(LSC): Nhãn hiệu âm thanh đã trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực bảo hộ trí tuệ và xác định thương hiệu của các sản phẩm và dịch vụ. Với khả năng tạo ra nhận dạng độc đáo và gợi nhớ, nhãn hiệu âm thanh mang lại sự phân biệt và thu hút đối với khách hàng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm nhãn hiệu âm thanh, điều kiện bảo hộ, cũng như quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam.
Xem thêm:
Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu và hướng dẫn cách điền
Các bảng phân loại dùng trong đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
-
Khái niệm nhãn hiệu âm thanh
Nhãn hiệu âm thanh là nhãn hiệu được tạo ra từ các dấu hiệu là âm hưởng, nhận biết bằng thính giác, có thể do tổ hợp các đơn âm hoặc thang âm cấu thành, dùng để phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm hoặc dịch vụ.
Theo WIPO, nhãn hiệu âm thanh có thể bao gồm: những âm thanh là âm nhạc, âm nhạc này có thể là đã tồn tại từ trước, cũng có thể là được sáng tác mới để phục vụ cho mục đích đăng ký nhãn hiệu hoặc những âm thanh không phải là âm nhạc đang tồn tại trong tự nhiên (ví dụ: như tiếng kêu của các con vật hoặc những âm thanh được tạo ra bởi những những đặc tính địa lý hoặc khí tượng học) hoặc những âm thanh được tạo ra bởi các thiết bị, máy móc hoặc những phương tiện do con người tạo ra.
2. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
2.1. Điều kiện chung bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Các điều kiện chung được quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022:
(i) là dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa
Dạng đồ họa dưới đây có thể là hình dạng các khuông nhạc thể hiện các nốt nhạc, sóng âm (sonogram). Kèm theo đó là mô tả chi tiết bằng văn bản về đoạn âm thanh này.
Ví dụ: Cách phát âm của nhãn hiệu âm thanh là cụm từ “hello hello kugou”, sử dụng nhịp bốn bốn (mỗi phần âm nhạc gồm bốn nhịp, và mỗi nhịp là một nốt) trên khóa Sol. Nhãn hiệu gồm hai phần, phần đầu là nhạc có kết hợp âm từ, phần sau chỉ có phần âm nhạc
(ii) có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác
Người tiêu dùng thông thường phải coi dấu hiệu âm thanh đó như một dấu hiệu để nhận biết được nguồn gốc sản phẩm. Cần so sánh dấu hiệu đó với các dấu hiệu đã có trước xem hai dấu hiệu có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau không.
2.2. Không thuộc trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu
Quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca” thì sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu âm thanh.
3. Với nhãn hiệu âm thanh, đơn đăng ký bảo hộ cần phải làm rõ những nội dung gì?
Theo Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (khoản 2 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) có quy định yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu:
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
- Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.
- Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
- Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
- Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
- Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
- Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
- Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
- Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Như vậy, đơn đăng ký nhãn hiệu cần thỏa mãn có các nội dung nêu trên, trong đó chú ý mẫu nhãn hiệu âm thanh phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa.
4. Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Các cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại các cơ quan có thẩm quyền:
- Trụ sở Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Hà Nội
- Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại TP.HCM
- Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng
Căn cứ Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, trình tự đăng ký nhãn hiệu âm thanh sẽ gồm các bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Các cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện đến một trong các cơ quan nêu trên. Đơn đăng ký được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Khi nhận được đơn, cơ quan này kiểm tra tài liệu đơn và đối chiếu với danh mục tài liệu ghi trong tờ khai.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn.
Bước 3: Công bố đơn hợp lệ
Mọi đơn được chấp nhận hợp lệ đều được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Người nộp đơn phải nộp lệ phí công bố đơn.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
Đơn có sửa đổi sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ thuộc các trường hợp theo Điều 16 Nghị định 65/2023/NĐ-CP thì phải thẩm định lại.
Bước 6: Đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ
02 tháng kể từ ngày ra quyết định, sau khi người nộp đơn đã nộp lệ phí công bố theo quy định. Cục sở hữu trí tuệ sẽ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp về việc cấp văn bằng bảo hộ.
Lưu ý: Các thông tin, nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com