Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 này. Đây là dự thảo Luật mới để sửa đổi Luật năm 2014. Vậy tại sao lại cần thiết ban hành luật mới này và dự thảo luật mới có những điểm mới, điểm khác biệt gì so với Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũ.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023, hiện nay có 841 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, với tổng vốn Nhà nước đang đầu tư là 1 triệu 752 nghìn tỷ đồng. Lãi phát sinh trước thuế năm 2023 giảm 13% so với năm trước đó.
Như vậy, con số trên cho thấy các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân đó là các doanh nghiệp chưa được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó, cần có cơ chế chính sách nhằm “cởi trói” giúp doanh nghiệp nhà nước phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển. Vì thế, cần thiết phải ban hành một luật mới để kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nút thắt của doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp được ra đời đang được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là mang tính “đột phá” so với Luật số 69 trước đây. Theo đó, nhiều quan điểm mới mang tính “cởi trói” cho doanh nghiệp. Đúng chủ trương đổi mới trong xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Chủ sở hữu nhà nước là nhà đầu tư chuyên nghiệp
Điểm “đột phá” đầu tiên đó chính là tư tưởng Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư vốn chuyên nghiệp. Luật 69 thì quy định Nhà nước sở hữu doanh nghiệp nhà nước, có thể can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp. Nhưng dự thảo luật mới thì quy định nhà nước chỉ là một nhà đầu tư, có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giống như các nhà đầu tư khác. Không quản lý trực tiếp pháp nhân doanh nghiệp, để doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Ông Phạm Phan Dũng – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: “Nhà nước sẽ tách ra 2 vai, vai quản lý là của các Bộ, UBND các cấp. Còn vai Ủy ban quản lý vốn thì giống như chúng ta đầu tư trên thị trường chứng khoán. Khu bỏ tiền vào đầu tư là chúng ta mua cổ phần và tin vào sự quản trị của doanh nghiệp”.
“Nhà nước như là một chủ đầu tư bình đẳng như các chủ đầu tư khác, tham gia góp vốn đầu tư vào các công trình một cách bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Tách bạch phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản trị điều hành của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho hay.
Phân cấp nhiều hơn trong quản lý vốn nhà nước
Điểm “đột phá” thứ hai trong dự thảo đó là tăng phân cấp, phân quyền. Nếu như Luật 69 cũ thì các doanh nghiệp có vốn nhà nước làm gì cũng phải báo cáo. Ví dụ như mở thêm một chi nhánh văn phòng, một dự án mới, hay đơn giản là ãnh đạo doanh nghiệp đi nước ngoài… cũng phải có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Điều này khiến các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, cũng như cơ hội kinh doanh. Dự thảo luật mới tăng cường phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, giảm 21 đầu mối doanh nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước linh hoạt, tăng tốc hơn trong các quyết định kinh doanh.
Tại Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí, theo Luật 69, mỗi khi Tổng công ty có quyết định thay đổi nhân sự hay có dự án thì đều phải trình Tập đoàn dầu khí. Sau đó lại phải chờ Tập đoàn trình xin ý kiến của Ủy ban quản lý vốn. Qua hai cấp phê duyệt trung bình sẽ mất khoảng 6 tháng. Nhưng từ khi Luật Dầu khí có hiệu lực vào giữa năm 2023, đã giúp rút ngắn thời gian phê duyệt dự án chỉ còn một nửa là 3 tháng, do chỉ cần 1 cấp phê duyệt.
Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn sửa đổi Luật 69 lần này sẽ kế thừa sự đổi mới của Luật Dầu khí, tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho các tập đoàn, tổng công ty, để doanh nghiệp được chủ động hơn trong các quyết định đầu tư của mình.
Ông Hoàng Xuân Dương – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết: “Với việc phê duyệt nhanh hơn thì các khâu sau cũng sẽ thúc đẩy nhanh hơn. Từ phê duyệt thầu, phê duyệt các bước triển khai. Hiện nay, có những dự án chúng tôi đã rút ngắn được thời gian triển khai khoảng 1 năm, mang lại hiệu quả cho Nhà nước nhiều triệu USD trên 1 quy mô dự án”.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã “cởi trói” và phân cấp rất mạnh so với các luật chuyên ngành. Bởi cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trên 50% vốn điều lệ, thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công. Còn lại thì đều giao hết cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm quyết định đầu tư.
Với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như vậy, nếu dự thảo luật được thông qua, sẽ tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những nút thắt, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp có vốn nhà nước. Khi Nhà nước chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư, không can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng được thời cơ, cơ hội kinh doanh.
“PVN chúng tôi có nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài, tôi cũng mong rằng luật mới có quy định để phân cấp cho doanh nghiệp được chủ động quyết định các dự án đầu tư ra nước ngoài, để đảm bảo các thủ tục này có thể rút ngắn, có thể tận dụng các cơ hội một cách tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Mậu – Thành viên HĐTV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN bày tỏ.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết: “Thị trường tháng này khác, tháng sau khác, tuần này khác, tuần sau có thể khác, thậm chí ngày này khác, ngày sau khác, cho nên làm sao quyết định kinh doanh của doanh nghiệp phải nhanh. Vì vậy quyết định của cơ quan quản lý vốn, của Nhà nước phải theo kịp quyết định kinh doanh. Chúng tôi mong rằng sửa Luật 69 lần này, Nhà nước giới hạn quyền sở hữu của mình bình đẳng như chủ sở hữu khác thì mới huy động vốn được của xã hội vào”.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 841 doanh nghiệp có vốn nhà nước. Hàng năm đóng góp gần 30% tổng số thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước. Với nguồn lực to lớn như vậy, nếu được thêm cơ chế tự chủ, linh hoạt giống như Doanh nghiệp tư nhân thì các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ trở thành những thỏi nam châm “hút vốn” đầu tư trong và ngoài nước, xứng tầm là những “quả đấm thép” của nền kinh tế.\
Đổi mới phương thức đánh giá, xếp loại doanh nghiệp
Điểm “đột phá” thứ 3 trong dự thảo đó là có đề xuất giải pháp đổi mới phương thức đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp. Nếu như Luật 69 cũ quy định xếp loại, đánh giá doanh nghiệp dựa vào 4 tiêu chí như sau: Việc thực hiện kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, khả năng thanh toán nợ, kết quả thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao và việc chấp hành chính sách pháp luật chung. Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí này ” mười phân, vẹn mười” thì mới được xếp loại A.
Trong quá trình thực hiện các phóng sự, nhóm phóng viên của VTV đã được một số doanh nghiệp tâm sự rằng, những tiêu chí đánh giá ở trên quá khắt khe, khiến họ gặp khó. Ví dụ như doanh nghiệp thực hiện 10 dự án, thì có đến 9 dự án mang hiệu quả tốt, thu về cả nghìn tỷ đồng. Nhưng chỉ cần 1 dự án thua lỗ, hoặc chỉ cần 1 lỗi nhỏ như bị cơ quan tài chính nhắc nhở thì cũng bị xếp loại B, bị tụt hạng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Đương nhiên, khi bị tụt hạng thì sẽ ảnh hưởng ngay đến uy tín của doanh nghiệp cũng như lương thưởng của cán bộ công nhân viên.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” này, dự thảo luật mới đã đề xuất đổi mới, thay đổi phương thức đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Thay vì chỉ dựa vào các tiêu chí cứng nhắc, theo từng dự án như trước, thì giờ đây sẽ đánh giá theo mục tiêu và kết quả tổng thể, toàn diện của doanh nghiệp. Những nhiệm vụ chính trị mà doanh nghiệp được giao không vì lợi nhuận cũng sẽ được loại trừ, không đánh giá. Thậm chí, với những doanh nghiệp cổ phần thì chỉ đánh giá người đại diện, không đánh giá doanh nghiệp, để không ảnh hưởng tới những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Với những điểm “đột phá” ở trên, rõ ràng là dự thảo luật đã khá thông thoáng, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng để hoạt động hiệu quả cần phải phụ thuộc vào sự năng động của mỗi doanh nghiệp. Đại diện Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật cho biết, cần có các biện pháp hậu kiểm để dòng vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả.
Ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: “Các doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng kiện toàn bộ máy phải dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới triển khai được các dự án.Với tăng cường phân cấp như thế này thì cơ quan quản lý phải tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm, để kịp thời điều chỉnh, xử lý”.
Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào sáng 24/11. Sau 10 năm thực hiện Luật 69, giờ đây doanh nghiệp mong muốn cần khoác lên mình một tấm áo mới rộng rãi hơn thay cho tấm áo cũ đã chật, để họ chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tạo đà đột phá phát triển, thực sự là cánh chim đầu đàn dẫn dắt nền kinh tế đi lên trong thời gian tới.
Nguồn: Cổng thông tin VTV
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel