Những lưu ý sau khi thành lập hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh được coi là một trong những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý liên quan đến quá tình trước, trong và sau khi thành lập hộ kinh doanh cần được lưu ý, đặc biệt là sau khi thành lập hộ kinh doanh.

Nguồn: Internet

1. Khái quát chung về hộ kinh doanh

Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Về quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh được quy định như sau:

  • Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
  • Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
  • Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
  • Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
  • Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Một số lưu ý sau khi thành lập hộ kinh doanh

2.1. Nộp tờ khai thuế

Điểm a Khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý thuế quy định:

Điều 33. Thời hạn đăng ký thuế lần đầu

2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:

a) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập

..”

Như vậy, chủ hộ kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh để tránh trường hợp bị xử phạt do chậm nộp tờ khai thuế.

2.2. Treo bảng, biển hiệu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, biển hiệu phải có các nội dung sau:

  • Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
  • Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Địa chỉ, điện thoại

Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh đăng ký hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự điều chỉnh của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, các cơ sở dạy thêm nếu không công khai trên cổng thông tin điện tử thì phải niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở các thông tin theo quy định.

2.3. Một số lưu ý khác

  • Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (quy định về PCCC, môi trường, giấy đủ điều kiện hoạt động, an ninh trật tự….) và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
  • Cá nhân, thành viên hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
  • Chấp hành đúng quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động.

Xem thêm:

Hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền có bị xử phạt không?

Các loại thuế mà hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp

Mức xử phạt hành chính đối với cá nhân, hộ kinh doanh online chậm nộp thuế


Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0867.678.066 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.


Khách hàng cần tư vấn chi tiết mời liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DƯƠNG CÔNG
Văn phòng: Số 10 ngõ 40 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: 0867.678.066
Email: vanphongluatsuduongcong@gmail.com
Tiktok: tiktok.com/@lscchannel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *